Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:39 GMT+7

Hoa chiến công trên đỉnh Pò Hèn

Biên phòng - Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn, BĐBP Quảng Ninh luôn khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của chính quyền và nhân dân nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Đăng Bảy

Giữ đất biên cương

Ước ao mãi rồi tôi cũng được đặt chân tới Đồn Biên phòng Pò Hèn, đóng quân tại xã Hải Sơn - xã xa xôi và khó khăn nhất của thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Trung tá Phùn Văn Dũng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pò Hèn mời chúng tôi ra thăm Khu di tích lịch sử Pò Hèn - nơi tri ân, tôn vinh những chiến công đặc biệt tiêu biểu của Đồn 209 Công an nhân dân vũ trang (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn) cùng nhân viên thương nghiệp Pò Hèn và Trung đội tự vệ của Lâm trường Hải Sơn trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây hơn 44 năm.

Khu di tích Pò Hèn có tổng diện tích khuôn viên trên 86.000m2, trong đó, Đài tưởng niệm được xây cao 16m, bằng bê tông cốt thép ốp đá trắng, có hình tượng 3 bàn tay chụm vào nhau, ôm trọn ngôi sao vàng 5 cánh. 3 bàn tay, theo cách lý giải của Trung tá Phùn Văn Dũng, là đại diện cho 3 dân tộc chính cư trú nơi đây (Kinh, Sán Chỉ và Dao), tượng trưng cho sự đoàn kết, quật khởi của các dân tộc nơi biên cương. Đó còn là biểu tượng cho vòng tay ôm ấp của đất mẹ và đồng đội.

Trong khuôn viên Khu di tích, 10 cán bộ trong hàng ngũ chỉnh tề với đầy đủ hương hoa, loa đài đang chuẩn bị làm lễ dâng hương, Trung tá Phùn Văn Dũng chia sẻ: “Mỗi tháng, vào các ngày lễ hoặc mỗi khi có các đoàn khách viếng thăm, đơn vị đều làm lễ tưởng nhớ công lao, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giữ gìn biên cương, bờ cõi của Tổ quốc, vì mảnh đất Pò Hèn thiêng liêng này”.

Bằng sự xúc động và giọng đọc truyền cảm, Thượng úy Phạm Trung Thực - “hướng dẫn viên” kiêm nhiệm của Đồn Biên phòng Pò Hèn đưa chúng tôi trở lại thời khắc oanh liệt cách đây gần 44 năm. Bên dòng Ka Long hiền hòa và tiếng gió rì rầm luồn qua rừng thông, đồi quế, dòng chảy lịch sử như thước phim quay chậm dần tái hiện… Rạng sáng 17/2/1979, quân xâm lược bất ngờ ồ ạt tấn công qua biên giới, với quân số ít hơn rất nhiều, vũ khí hạn chế nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn 209 Công an nhân dân vũ trang cùng nhân viên thương nghiệp Pò Hèn và Trung đội tự vệ của Lâm trường Hải Sơn vẫn kiên cường tổ chức các đợt phản công tiêu diệt, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Tương quan lực lượng, vũ khí quá chênh lệch, nhưng đại bộ phận quân số của đồn vẫn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Thượng sĩ cơ yếu Đoàn Tiến Phúc, trước lúc hy sinh còn kịp chôn túi tài liệu cơ mật. Còn Đồn phó Đỗ Sĩ Họa thì khẳng khái: “Quân ta không biết đầu hàng”. Chính trị viên Phạm Ngọc Tảo dù bị thương nặng vẫn bám trụ động viên các chiến sĩ chiến đấu. Chị Hoàng Thị Hồng Chiêm - tự vệ ngành thương nghiệp cùng với người yêu là Thượng sĩ Bùi Anh Lượng đã sát cánh bên nhau chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng… Trong trận chiến không cân sức này, 250 quân xâm lược bị tiêu diệt, hàng trăm tên khác bị thương.

Xứng danh truyền thống đơn vị Anh hùng

Đã từng có nhiều năm công tác tại Đồn Biên phòng Pò Hèn, Trung tá Phùn Văn Dũng chia sẻ, chúng tôi rất tự hào được sống, công tác ở vùng biên giàu truyền thống cách mạng, nơi tạc ghi chiến công oai hùng, sự hy sinh anh dũng của cha ông đi trước trong công cuộc bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Để tiếp nối truyền thống của lực lượng, của đơn vị, chúng tôi luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, thực sự là chỗ dựa tin cậy của đồng bào các dân tộc trên biên giới.

Để giữ vững chủ quyền thiêng liêng nơi mảnh đất biên cương vùng Đông Bắc của Tổ quốc, đã có hàng chục cán bộ, chiến sĩ cùng nhau chiến đấu, hy sinh và nằm lại trên vùng biên Pò Hèn. Với thành tích xuất sắc đó, ngày 19/12/1979, Đồn 209 Công an nhân dân vũ trang đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Mới đây, ngày 20/9/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận xếp hạng Di tích quốc gia cho Khu di tích lịch sử Pò Hèn.

Đồn Biên phòng Pò Hèn quản lý 12km đường biên giới và địa bàn xã Hải Sơn, nơi sinh sống của 453 hộ với 1.801 nhân khẩu, trong đó có trên 86,8% là đồng bào dân tộc Dao, Sán Chỉ. Tuy công tác ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn xác định tốt tư tưởng, tự giác học tập rèn luyện, gắn bó với đơn vị, địa bàn, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Những năm qua, Đồn Biên phòng Pò Hèn đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng; quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đồng thời phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19; chú trọng chăm lo đời sống cho nhân dân ở khu vực biên giới. Đồn Biên phòng Pò Hèn còn tham mưu cho UBND xã Hải Sơn chỉ đạo thôn Pò Hèn duy trì hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới với thôn Thán Sản (Trung Quốc); thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hai bên biên giới tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi bên, giữ gìn tình hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi bên.

Ông Vũ Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn chia sẻ: Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy chế, hiệp định liên quan đến biên giới, Đồn Biên phòng Pò Hèn còn thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực, giúp đỡ đồng bào các dân tộc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Tình quân dân giữa BĐBP và đồng bào nơi phên dậu luôn gắn bó bền chặt. Cùng với đó, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như sự nỗ lực vượt khó, năng động, sáng tạo của bà con, bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương ngày càng khởi sắc. Năm 2018, xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trước một năm so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đã vượt mức 36 triệu đồng/người/năm.

Nhiều năm liên tục, Đồn Biên phòng Pò Hèn được tặng thưởng các danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; Đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”; được Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh và Bộ Tư lệnh BĐBP tặng gần 20 Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Gần đây nhất, tháng 10/2022, Đảng ủy Đồn Biên phòng Pò Hèn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO