Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 02:54 GMT+7

Hòa Bình quyết tâm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Biên phòng - Hiện nay, Hòa Bình là một trong những tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Mặc dù, những năm qua, đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cùng các địa phương đã phát huy tốt vai trò hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực vận động đồng bào từ bỏ các hủ tục lạc hậu, thay đổi tư duy, xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại. Nhưng vẫn còn đó một số điểm nóng về tảo hôn, do đó, chính quyền địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân để phòng, chống vấn nạn này.

Ban dân tộc tỉnh Hòa Bình phối hợp tổ chức các hoạt động văn nghệ, sân khấu hóa hoạt động tuyên truyền nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Diệp An

Còn đó những “điểm nóng”

Theo tổng hợp của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, trong giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn huyện Tân Lạc có 2.161 cặp kết hôn, trong đó, có 123 cặp tảo hôn (vợ hoặc chồng tảo hôn). Riêng năm 2019, toàn huyện có 350 cặp kết hôn, có 4 cặp tảo hôn. Qua số liệu, có thể thấy, số cặp tảo hôn trên địa bàn huyện đã giảm mạnh qua các năm. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra, tập trung ở các xã vùng cao, vùng sâu của huyện. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện Tân Lạc có 5 trường hợp tảo hôn, xảy ra ở các xã: Ngổ Luông (2 trường hợp), Gia Mô (2 trường hợp), Quyết Chiến (1 trường hợp).

Đồng chí Bùi Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Tân Lạc cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn là do nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao. Bên cạnh đó, hiện nay, học sinh một số xã vùng cao, vùng sâu khi đi học trung học phổ thông phải ở trọ. Việc quản lý con em của phụ huynh chưa được quan tâm nhiều, có gia đình còn buông lỏng quản lý con cái. Công tác quản lý học sinh tại các trường trung học phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú, giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, lối sống thử, thiếu kinh nghiệm giới tính đã ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, nên xảy ra những trường hợp mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học, dẫn đến tảo hôn”.

Những năm qua, huyện Tân Lạc đã tổ chức một số hoạt động truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết, cung cấp thông tin qua phát tờ rơi, tài liệu, pa nô, áp phích để tuyên truyền. Tổ chức tư vấn, thực hiện 2 mô hình can thiệp tại địa bàn 2 xã. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn đã chú trọng tổ chức các buổi truyền thanh tuyên truyền đến các thôn, xóm trên địa bàn.

Đồng chí Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Tân Lạc cho biết thêm: “Mặc dù số trường hợp tảo hôn trên địa bàn huyện đã giảm mạnh so với trước, nhưng nguy cơ xảy ra vẫn cao. Do đó, trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những hệ lụy của việc kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, trường học để lồng ghép tuyên truyền. Đặc biệt, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS tham gia tuyên truyền, vận động người dân”.

Mục tiêu chấm dứt tình trạng tảo hôn vào năm 2025

Vào năm 2021, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025”. Đề án được triển khai tại vùng đồng bào DTTS đang sinh sống, cư trú trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, thời gian từ năm 2021 đến năm 2025.

Cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình xã Pa Kô, huyện Mai Châu đến từng hộ gia đình để tuyên truyền tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Diệp An

Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, có trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS. Giảm ít nhất 2% - 3%/năm số trường hợp tảo hôn và đến năm 2025 cơ bản xóa bỏ tình trạng kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn vùng DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS; tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS.

Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh tập trung vào tổ chức các hoạt động truyên truyền nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh. Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, hoạt động hòa giải tại cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong trường học, các câu lạc bộ, các tổ, nhóm. Xây dựng pano, áp phích, biên soạn tờ rơi, tờ gấp, tài liệu và các sản phẩm truyền thông tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn các xã vùng DTTS…

Diệp An

Bình luận

ZALO