Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:49 GMT+7

Hỗ trợ “trúng” và “đúng”

Biên phòng - Dự kiến cuối tháng này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ xây dựng, trình lên. Với quy mô hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay, lên tới trên 800 nghìn tỷ đồng, trong đó, số tiền hỗ trợ trực tiếp khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng, Chính phủ, các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động kỳ vọng những chính sách mới đem lại sức bật cho nền kinh tế, tạo tiền đề cho phát triển bền vững sau này.

Các chuyên gia đánh giá, việc ban hành một chương trình hỗ trợ đủ lớn, đủ rộng là hết sức cấp thiết. Bởi, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại ước tính trên 847 nghìn tỷ đồng, tương đương 37 tỉ USD trong 2 năm 2020 và 2021; đồng thời, khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, nhiều doanh nghiệp kiệt quệ về vốn.

Thế nên, ngay khi Quốc hội thông qua, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ tác động tích cực đến toàn bộ nền kinh tế, giúp tăng trưởng kinh tế từ 9-12% trong 2 năm tới.

Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chương trình hỗ trợ gồm 4 cấu phần: Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn liền với phòng chống dịch bệnh Covid-19; Chương trình an sinh xã hội và việc làm; Chương trình phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh và Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế trong thời đại mới.

Tuy nhiên, vấn đề các doanh nghiệp quan tâm là đối tượng và các tiêu chí để tiếp cận gói hỗ trợ này, cũng như thời điểm nào được triển khai?

Thực tế cho thấy, các gói hỗ trợ dù có quy mô lớn nhưng nếu không đến được tận tay doanh nghiệp và người lao động sẽ không hiệu quả, cũng như khó vực dậy doanh nghiệp nội địa, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi triển khai, Chính phủ cần có đánh giá cụ thể, minh bạch những ngành bị ảnh hưởng bởi đại dịch để thiết kế chính sách hỗ trợ cho “trúng” và “đúng” đối tượng. Một trong những cách minh bạch hóa việc hỗ trợ tốt nhất là sử dụng nền tảng Chính phủ điện tử.

Mặt khác, việc đầu tư không nên quá dàn trải mà cần có trọng tâm, trọng điểm vào một số ngành như lương thực, thực phẩm, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục... và các vấn đề về an sinh xã hội, lao động việc làm, giảm nghèo bền vững, phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, phát triển hạ tầng chiến lược... Đồng thời, ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tàu có năng lực dẫn dắt nền kinh tế thì mới đem lại hiệu quả cao.

Nhiều chuyên gia cũng lưu ý, so với các nước, thời điểm Việt Nam đưa ra chương trình phục hồi chậm hơn nên cần phải khẩn trương triển khai giải ngân ngay gói hỗ trợ để không lỡ nhịp với sự phục hồi kinh tế thế giới.

Để triển khai chương trình hiệu quả, các bộ, ngành cần sớm xây dựng thể chế, khung pháp lý, chỉ đạo phân công kịp thời tới các bên liên quan, đảm bảo sự thông suốt từ Trung ương tới địa phương.

Các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương mình, lên kế hoạch triển khai, nhanh chóng tập hợp các lực lượng chức năng xây dựng các biện pháp để đẩy mạnh giải ngân. Đặc biệt, các cơ quan thực thi giải ngân cần đơn giản hóa thủ tục, minh bạch trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện để gói hỗ trợ đến tay doanh nghiệp kịp thời.

Bản thân các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức được nhận gói hỗ trợ này cũng cần phải có trách nhiệm với xã hội, với đất nước, sử dụng hiệu quả những chính sách hỗ trợ của Nhà nước để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Để đạt được mục tiêu sớm phục hồi tăng trưởng kinh tế trong các năm tiếp theo, bên cạnh việc ban hành các tiêu chí, đảm bảo sự minh bạch, sự rõ ràng của quy trình thực hiện, rất cần tinh thần trách nhiệm và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành để chính sách đi vào đời sống đảm bảo tính hiệu quả, khả thi, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO