Biên phòng - Những ngày qua, cả nước hứng chịu đợt rét đậm kéo dài, với không khí lạnh có cường độ mạnh, ở một số vùng núi cao còn xuất hiện băng tuyết. Để chủ động hỗ trợ chống rét cho đàn gia súc của nhân dân, các đơn vị BĐBP đã cử các tổ, đội công tác xuống địa bàn đơn vị đóng quân, tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống, tránh rét cho vật nuôi, nhằm giảm thiểu thiệt hại về tài sản cho nhân dân.
Thông tin với phóng viên, Thiếu tá Hà Văn Đô, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang cho biết, những ngày gần đây, nhiệt độ tại huyện Lũng Cú, tỉnh Hà Giang xuống thấp. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân khu vực biên giới. Mặc dù thời tiết giá rét, mưa phùn, nhưng các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vẫn thực hiện tuần tra đường biên, mốc giới để ngăn chặn kịp thời công dân xuất, nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh nhiệm vụ chính trị này, đơn vị cũng tổ chức các tổ công tác hỗ trợ người dân trên địa bàn tránh rét cho người và vật nuôi.
“Thực hiện chỉ đạo của trên, từ trước khi có các đợt không khí lạnh tràn xuống, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân về thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho gia cầm, vật nuôi. Chúng tôi hỗ trợ người dân che chắn thêm những tấm bạt, tấm ván để chống gió lùa, giữ ấm cho trâu bò trong những ngày giá rét. Để hạn chế tối đa tình trạng gia súc, gia cầm bị chết, các tổ đội công tác của đơn vị xuống các địa bàn để hướng dẫn, hỗ trợ người dân di chuyển gia súc, gia cầm tới vùng thấp, đốt lửa sưởi ấm, che chắn tránh gió lùa, đảm bảo dự trữ đủ thức ăn cho vật nuôi, gia cầm trong những ngày giá rét. Qua nắm bắt tình hình, chúng tôi nhận thấy, năm nay, ý thức của bà con đã nâng lên rất rõ, có trách nhiệm bảo vệ tài sản của mình và luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc vào thời điểm thời tiết khắc nghiệt như hiện nay” - Thiếu tá Đô thông tin thêm.
Cũng như các đồng đội trên biên giới Hà Giang, những ngày qua, để góp phần bảo vệ đàn vật nuôi, gia cầm của người dân trước tác động của thời tiết khắc nghiệt, trong những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Loi, BĐBP Nghệ An cũng phối hợp với địa phương đến từng hộ gia đình vận động người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc.
Đại úy Nguyễn Xuân Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Na Loi chia sẻ: “Trên địa bàn, đồng bào chăn nuôi chủ yếu ở trong rừng, nên đơn vị đã cử cán bộ thông thạo ngôn ngữ của đồng bào đến giúp các hộ dân che chắn chuồng trại; cho trâu, bò ăn; hướng dẫn cách chống rét cho trâu, bò, bổ sung nguồn thức ăn. Những gia đình còn thả rông trâu, bò, chúng tôi đã vào tận khu chăn nuôi trong rừng, vận động người dân đưa trâu, bò về nhốt gần khu vực của gia đình ở để chủ động giữ ấm và phòng, chống rét cho gia súc”.
Nhờ được tuyên truyền, vận động kịp thời, hộ gia đình ông Già Bá Dềnh, ở bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn có khoảng 40 con trâu, bò đợt này đều không bị ảnh hưởng lớn do giá rét. Ông Dềnh nói: “Nhờ được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Loi chia sẻ thông tin kịp thời về tình hình thời tiết và hỗ trợ nên chuồng trại của gia đình tôi được che kín trong thời tiết giá rét. Gia đình nghe theo hướng dẫn của các chú Biên phòng, không thả trâu, bò ra rừng nữa, cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, rơm tôi cũng chuẩn bị từ trước, để trâu, bò lúc nào cũng được giữ ấm cơ thể”.
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo, trong những ngày rét đậm, rét hại, người dân ở vùng cao cần thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, không sử dụng gia súc làm việc cày kéo. Không chăn thả gia súc ngoài đồng, ngoài bãi. Di chuyển đàn gia súc ra khỏi khu vực núi cao, đưa bò thả rông về chỗ nuôi nhốt và có thể kiểm soát được. Những ngày rét đậm, ngoài việc nhốt, cho ăn bổ sung thức ăn thô xanh, thức ăn tinh, khoáng, vitamin cần thiết và cho uống nước ấm pha 0,1 - 0,3% muối sẽ giúp cho đàn gia súc chống rét tốt hơn, tăng cường sức khỏe cho vật nuôi. Khi trâu, bò có hiện tượng đổ, ngã, phải báo ngay cho cơ sở thú y để có biện pháp xử lý kịp thời, không tự ý giết mổ, đề phòng lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, vì độ ẩm cao, các loại vi khuẩn dễ phát triển, nên cần định kỳ bơm tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, xử lý tốt gia súc chết và chất thải bằng các loại thuốc sát trùng theo hướng dẫn của cán bộ thú y để diệt các mầm bệnh.
Cẩm Linh