Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

Hỗ trợ ngư dân tìm giải pháp tổ chức sản xuất, tiêu thụ thủy sản

Biên phòng - Trong bối cảnh chuyển hướng chiến lược từ “không Covid-19” sang thích ứng với dịch bệnh, tỉnh Bình Thuận hiện đang triển khai các giải pháp sản xuất thủy sản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128/NĐ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Cùng với chính quyền địa phương, các đồn Biên phòng ở Bình Thuận đã xây dựng các phương án hỗ trợ ngư dân tổ chức sản xuất, duy trì an ninh trật tự ở các cảng cá, tạo mọi  thuận lợi cho ngư dân chế biến, tiêu thụ thủy sản.

Ngư dân Bình Thuận bốc dỡ thủy sản sau chuyến ra khơi. Ảnh: CTV

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 12.762 tàu cá các loại với gần 47.000 lao động trực tiếp khai thác thủy sản. Địa phương này có 4 cảng cá (La Gi, Phan Thiết, cảng Phú Hải và Phan Rí Cửa), trong đó, cảng cá Phan Thiết là cảng duy nhất đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản.

Từ nửa cuối tháng 7-2021 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, 2 địa phương nghề cá trọng điểm là thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các cảng cá trên địa bàn phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động khai thác...

Thực tế, trước khi thị xã La Gi tạm dừng các hoạt động tại Cảng cá La Gi để phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19 ra cộng đồng từ ngày 24-7-2021, nhiều tàu cá của người dân thị xã La Gi đã ra khơi đánh bắt hải sản. Khi ngư dân quay vào bờ đã gặp khó khăn trong việc bốc dỡ, tiêu thụ sản phẩm.

Trước tình trạng này, Đồn Biên phòng Phước Lộc, BĐBP Bình Thuận, Ban Quản lý cảng và chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại Cảng cá La Gi (Bình Thuận) đã lên phương án bốc dỡ và hướng dẫn, hỗ trợ các chủ phương tiện tổ chức bốc dỡ số hải sản bị tồn đọng trên tàu để vận chuyển đi tiêu thụ. Phương án bốc dỡ được tổ chức chặt chẽ, đảm bảo thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch như: Chủ tàu cá, thuyền trưởng, thuyền viên, lao động bốc xếp, lái xe và người đi cùng phải có giấy xét nghiệm Covid-19 kết quả âm tính trong vòng 72 giờ. Chủ tàu cá phải chịu trách nhiệm tổ chức đo thân nhiệt, khai báo y tế đối với thuyền trưởng, thuyền viên, lao động tham gia bốc dỡ hải sản, tiến hành khử khuẩn đối với tàu cá và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra dịch bệnh lây lan.

Trong quá trình bốc dỡ thì chủ tàu hoặc người đại diện giao dịch trên bến không được lên tàu cá. Số lượng lao động tham gia bốc dỡ sản phẩm không quá 10 người. Hải sản sau khi bốc dỡ từ tàu cá được đưa ngay lên phương tiện vận tải, không được lưu lại trên bến và tàu cá sau khi bốc dỡ xong nhanh chóng rời bến.

Không chỉ hỗ trợ ngư dân trong việc bốc dỡ, tiêu thụ hải sản, mà ngay khi thị xã La Gi thực hiện tạm dừng các hoạt động tại Cảng cá La Gi, Đồn Biên phòng Phước Lộc đã phối hợp với các ngành chức năng thị xã La Gi tổ chức tuần tra giúp ngư dân bảo vệ tàu thuyền và tài sản. Dưới biển, trên sông 24/24 giờ 2 cano với 6 thành viên là BĐBP và lực lượng Kiểm ngư chia nhau tuần tra khép kín khu vực cảng và sông Dinh để giúp ngư dân bảo vệ tài sản và ngăn không cho người dân 2 bên bờ sông Dinh qua lại bằng thúng trai. Trên bờ, lực lượng của Đồn Biên phòng Phước Lộc và Ban Quản lý Cảng cá La Gi đã tổ chức tuần tra toàn bộ khu vực cảng.

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động thu mua, chế biến hải sản. Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16, có khoảng 39% cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản trên địa bàn tạm dừng hoạt động. Ngoài ra, 16% cơ sở chỉ thực hiện thu mua, bảo quản nguyên liệu và 40% cơ sở còn lại hoạt động cầm chừng với năng suất từ 30-50% so với bình thường.

Đầu tháng 10-2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong khu vực cảng cá Phan Thiết, đã có 700 tàu/3.500 ngư dân, 85/97 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với hơn 1.300 lao động phải tạm dừng hoạt động. Tình hình vận chuyển, tiêu thụ hải sản gặp nhiều khó khăn khiến giá bán hải sản biến động giảm tùy theo mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chủng loại. Theo báo cáo của các đơn vị quản lý cảng, giá bán tại cảng cá giảm từ 20-30% so với điều kiện bình thường.

Gần 4.000 tàu cá của Bình Thuận đã phải tạm dừng hoạt động do địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Bích Nguyên

Trước tình hình này, Đồn Biên phòng Phước Lộc đã tham mưu thành lập Tổ kiểm soát cơ động phòng, chống dịch Covid-19 trong khu vực cảng cá Phan Thiết để hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định, biện pháp phòng chống dịch, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.

Trên cơ sở Quy định tạm thời các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo từng cấp độ dịch của UBND tỉnh Bình Thuận, BĐBP Bình Thuận đã tham mưu với chính quyền địa phương và Sở NN&PTNT Bình Thuận đã ban hành văn bản hướng dẫn đối với hoạt động tàu cá và hoạt động cập cảng, bốc dỡ sản phẩm.

Theo đó, các cảng cá, tàu cá trong tỉnh Bình Thuận cơ bản được hoạt động ở tất cả cấp độ dịch (chỉ hạn chế đối với tàu cá ngoài tỉnh khi dịch bệnh ở cấp độ 4). Các hoạt động sản xuất, lưu thông, cung ứng các sản phẩm thiết yếu (trong đó có thủy sản) cũng được ưu tiên hoạt động ở các cấp độ dịch.

Cùng với các kênh truyền thông truyền thống, tỉnh Bình Thuận đã thí điểm tuyên tuyền qua tin nhắn điện thoại cho chủ tàu cá thực hiện các quy định về an toàn phòng, chống dịch. Đồng thời, xây dựng sổ tay hướng dẫn về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cấp phát cho các cán bộ địa phương, ngư dân và doanh nghiệp.

Tỉnh Bình Thuận cũng xây dựng phương án tổ chức sản xuất thủy sản trên biển và tại cảng hợp lý, thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Theo đó, lực lượng BĐBP phối hợp với các Ban quản lý cảng cá và các lực lượng chức năng, thực hiện nghiêm quy định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cảng cá cho từng nhóm đối tượng tàu cập cảng.

Đối với tàu cá ngoài tỉnh tập kết tiêu thụ thủy sản tại các cảng cá trong tỉnh, thực hiện tiếp nhận theo đúng quy định phòng chống dịch gắn với quy trình kiểm soát chống khai thác IUU. Đồng thời, thực hiện sắp xếp, hợp lý hóa quy trình bốc dỡ hàng thủy sản cho các tàu cá, đáp ứng các điều kiện tại cảng cá, đảm bảo khẩn trương, nhanh, không để tình trạng ùn ứ tàu cá tại các bến.

Về công tác tiêu thụ sản phẩm, ông Nguyễn Văn Chiến cho biết, sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nắm chắc nguồn cung hải sản và tổ chức tốt các kênh phân phối tiêu thụ hải sản, không để tồn đọng. Ngoài kênh tiêu thụ truyền thống, tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh tiêu thụ qua các kênh hỗ trợ và kênh thương mại điện tử.

Để duy trì ổn định hoạt động sản xuất thủy sản trong điều kiện dịch bệnh, lực lượng bộ đội biên phòng tại cảng cá thường xuyên tuần tra, kiểm soát người ra vào cảng cá. Đặc biệt kiểm soát chặt các tàu, thuyền cập cảng, đảm bảo ngư dân sau khi lên bờ đều phải được xét nghiệm SARS-CoV-2. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trong ngư dân hiểu và nắm rõ các thủ tục, quy trình khi xuất bến và cập cảng để tạo được sự đồng thuận.

Cùng với đó, các đơn vị Biên phòng cũng tổ chức lực lượng để hỗ trợ ngư dân làm thủ tục xuất bến nhanh chóng, test nhanh Covid-19 đối với thuyền viên, chuẩn bị lương thực, nhiên liệu cho chuyến biển. Công tác kiểm soát, tuyên truyền phòng, chống dịch cũng được thực hiện nghiêm túc đến từng phương tiện trước khi xuất bến, đảm bảo thực hiện tốt các quy định trong phòng, chống dịch. Đồn Biên phòng Phước Lộc còn động viên và trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân trước khi xuất bến.

Lực lượng BĐBP tại cảng cá La Gi cũng tạo mọi thuận lợi chứng nhận xuất xứ thủy sản, hướng dẫn các hộ kinh doanh, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ thủy sản thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa qua cả kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử.

Thanh Thủy

Bình luận

ZALO