Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 27/03/2023 07:51 GMT+7

Hỗ trợ nạn nhân bom mìn và giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn

Biên phòng - Nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, bảo đảm an toàn cho người dân trong lao động sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, hàng năm Chính phủ Việt Nam dành ra khoản kinh phí hàng ngàn tỷ đồng cho công tác rà phá bom mìn. Tuy nhiên, tai nạn do bom mìn vẫn xảy ra, để lại nỗi đau cho hàng ngàn gia đình.

kmawvztbxl-9490_f_jqnggm6w0_a
Bộ truyện tranh 11 cuốn lồng ghép rất sinh động và hấp dẫn về kiến thức phòng tránh bom mìn, giúp học sinh dễ đọc, dễ nhớ.

Hai hợp phần “Hỗ trợ nạn nhân bom mìn và giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn” giai đoạn 2018-2020 trong khuôn khổ Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” hướng tới mục tiêu xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân bom mìn tại Bình Định.

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn nhằm đảm bảo sự bình yên, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân. Tiếp sức cho Việt Nam, Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), trong khuôn khổ dự án đã cam kết tài trợ cho Việt Nam 20 triệu USD để thực hiện công tác rà phá bom mìn tại 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định.

Sau khi 2 hợp phần “Hỗ trợ nạn nhân bom mìn và giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn” thuộc Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” chính thức được khởi động, giữa tháng 12-2018, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức hướng dẫn triển khai hợp phần hỗ trợ nạn nhân bom mìn giai đoạn 2018-2020 cho 2 tỉnh Bình Định và Quảng Bình.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, cho biết: “Dự án sẽ tập trung hỗ trợ nạn nhân bom mìn trên các mặt y tế và sinh kế. Mục tiêu là hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn và người khuyết tật; từng bước tạo điều kiện cho nạn nhân bom mìn ở Bình Định và Quảng Bình hòa nhập cộng đồng; từ đó nhân rộng ra các tỉnh ô nhiễm bom mìn nặng khác”.

Theo đó, trên địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Quảng Bình có khoảng 6.000 nạn nhân và gia đình được rà soát, thu thập thông tin, lập hồ sơ quản lý; 1.000 nạn nhân được khám, đánh giá tình trạng sức khỏe, 200 nạn nhân được nhận dụng cụ chỉnh hình; 400 nạn nhân được học nghề, 170 nạn nhân được hỗ trợ vốn, 70 nạn nhân được hỗ trợ sửa chữa nhà. Dự án cũng nâng cao năng lực hỗ trợ nạn nhân bom mìn thông qua hệ thống các cơ quan liên quan. Cụ thể, Bệnh viện Chỉnh hình, phục hồi chức năng của 2 tỉnh được đầu tư, nâng cấp về thiết bị, cơ sở vật chất; một số trạm y tế cấp xã được cung cấp thiết bị chỉnh hình; Trung tâm Công tác xã hội - Bảo trợ xã hội thiết lập đường dây nóng kết nối, hỗ trợ nạn nhân bom mìn...

Ngoài ra, Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, phòng tránh khắc phục hậu quả bom mìn. Ông Trần Quang Lâm, Quản lý Dự án cho biết: Công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân được Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” quan tâm đặc biệt. Triển khai hợp phần này, từ ngày 11 đến ngày 17-12-2018, cơ quan thực hiện Dự án - Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức hoạt động tập huấn cho cán bộ ngành giáo dục và đào tạo, đại diện 5 trường tiểu học triển khai dự án, cán bộ các ngành liên quan và đại diện 5 xã thí điểm triển khai dự án. Hoạt động nhằm hình thành hệ thống kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, người làm truyền thông, từ đó xây dựng được kế hoạch truyền thông về nguy cơ bom mìn hiệu quả tại các trường học và khu dân cư.

Ngoài ra, Bình Định còn tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục nguy cơ bom mìn ở trường học, có sự tham gia chia sẻ của Hội Chử thập đỏ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình, ông Trần Quốc Thắng, cho biết: “Quảng Bình triển khai Dự án “Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn” tại các trường học từ năm 2007 đến nay. Thành công lớn nhất của Dự án là đưa nội dung giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vào nhiệm vụ năm học hàng năm; 100% cán bộ quản lý, giáo viên của các trường tiểu học có kỹ năng về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn. Học sinh cũng có kỹ năng về xử lý tình huống phòng, không để xảy ra tai nạn bom mìn. Ngoài ra, chúng tôi đã biên soạn được bộ tài liệu giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn để triển khai trong toàn tỉnh cho cả 2 cấp tiểu học và trung học phổ thông”.

“Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” có tầm quan trọng rất lớn trong việc đẩy mạnh phát triển bền vững ở Việt Nam, đặc biệt đối với người dân vẫn còn bị ảnh hưởng bởi bom mìn sau chiến tranh. Dự án sẽ phát huy năng lực khắc phục hậu quả bom mìn mà Việt Nam đã xây dung; tiếp tục nâng cao, mở rộng trình độ chuyên môn và chia sẻ với các nước khác trong khu vực và trên toàn cầu” - bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) chia sẻ.

V.H

Bình luận

ZALO