Biên phòng - UBND các cấp trong toàn quốc đang khẩn trương triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 và Quyết định 23/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ, với kinh phí lên tới 26.000 tỉ đồng.

Theo các chuyên gia, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đang khiến tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ngày càng tăng cao. Quý II-2021 ghi nhận tỷ lệ lao động phi chính thức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Đại dịch cũng chặn đà phục hồi và tăng trưởng thu nhập bình quân của người lao động, chỉ đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226.000 đồng so với quý I-2021.
Chính vì vậy, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ thực sự cứu cánh cho hàng triệu lao động và người sử dụng lao động đang trong hoàn cảnh khốn đốn. Nguồn hỗ trợ này càng đáng trân trọng trong bối cảnh nguồn tài chính đất nước eo hẹp lại phải dành dụm để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và mua vaccine phòng Covid-19 cho nhân dân.
Đặc biệt, Chính phủ đã đưa nhóm đối tượng lao động tự do vào danh sách hưởng lợi là quyết định rất chính xác và được dư luận hoan nghênh. Bởi, đây là đối tượng bị ảnh hưởng và thiệt thòi nhiều nhất. Điều này thể hiện chính sách nhân văn của Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch với tinh thần đã đề ra “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tuy nhiên, vấn đề hàng triệu người lao động kỳ vọng là làm thế nào để tất cả các đối tượng đủ điều kiện đều được tiếp cận nhanh nhất, đơn giản nhất như nội dung Nghị quyết 68.
Còn nhớ, việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ trong năm 2020 gặp rất nhiều vướng mắc nên đến cuối tháng 5-2021, chỉ giải ngân được hơn 22%, trong đó, gói vay không lãi suất hơn 16.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương người lao động mới giải ngân đạt 0,26%.
Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, cuộc cách mạng về thủ tục sẽ xóa bỏ những vướng mắc, giảm tối đa mọi thủ tục rườm rà không cần thiết mà các gói hỗ trợ trong năm 2020 gặp phải. Chậm nhất 7-10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, các cơ quan, địa phương liên quan sẽ phải chi trả tiền hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Riêng đối với người cách ly F1 và người điều trị F0, ngay khi có Nghị quyết 68, các địa phương trên cơ sở quyết định của cấp có thẩm quyền cho thụ hưởng chính sách hỗ trợ toàn bộ tiền điều trị (không quá 45 ngày) và tiền ăn (80.000 đồng/ngày/người; không quá 21 ngày). Đặc biệt, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 16 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người.
Đối với nhóm người yếu thế là các lao động tự do cần được hỗ trợ, Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động lên danh sách, cân đối nguồn thu để chi trả hỗ trợ. Chính phủ cũng đồng thời quy định mức hỗ trợ không dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng để bảo đảm quyền lợi người lao động.
Quan trọng nhất là cải tiến quá trình xét điều kiện cũng như thủ tục cần phải đơn giản, linh hoạt. Bởi vì bài học kinh nghiệm của gói hỗ trợ lần thứ nhất, do thủ tục, giấy tờ chứng minh khá phức tạp, rất nhiều người lao động tự do, lao động phi chính thức đủ điều kiện không được hưởng lợi từ gói hỗ trợ.
Rõ ràng, gói hỗ trợ nhanh hay chậm đến với người dân và doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào việc triển khai của các cấp chính quyền. Các cấp chính quyền cần đặt ra phương châm nếu triển khai chậm là có lỗi với dân, nếu để xảy ra thất thoát, tiêu cực, trục lợi chính sách là có tội với nhân dân.
Với tinh thần cứu trợ như cứu hỏa, với các thủ tục thông thoáng, cách làm quyết liệt, thực tế hơn, chúng ta tin tưởng rằng, người dân và doanh nghiệp sẽ sớm tiếp cận, thụ hưởng được gói hỗ trợ để trụ vững trong đại dịch.
Thanh Thảo