Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:15 GMT+7

Hỗ trợ đào tạo đại học cho Lào và Campuchia

Biên phòng - Bộ Tư lệnh BĐBP vừa phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức thành công Chương trình “Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia” lần thứ nhất. Tại chương trình này, các tỉnh trưởng của bạn đã đề cập đến việc Việt Nam hỗ trợ đào tạo đại học cho con em đến từ Lào và Campuchia với sự trân trọng và biết ơn. Riêng tại tỉnh Kon Tum, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 79 sinh viên Lào và 24 sinh viên Campuchia đang nhận học bổng toàn phần của tỉnh.

5c306da13f5e02976f00000b
Các bạn sinh viên Lào ở ký túc xá Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Ảnh: Lê Văn Chương

Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum sau 11 giờ trưa, em Phanmaka đến từ tỉnh Champasack (Lào) cùng bạn bè đang chuẩn bị nấu cơm trưa, để đầu giờ chiều tiếp tục đến trường. Người bạn sinh viên cùng với em là Phasone cũng phụ nấu bữa ăn trưa với vài món đạm bạc, trong đó không thể thiếu “món ăn truyền thống” của sinh viên nghèo, đó là mì tôm xào trứng. Hai sinh viên này nói tiếng Việt, cho biết đang học năm đầu môn Luật kinh tế và Ngân hàng. Khi sang Việt Nam, 2 em đã được đào tạo tiếng Việt trước khi vào học đại học chính thức. Khó khăn đầu tiên mà các bạn sinh viên phải vượt qua, đó là việc nghe, nói và viết thành thạo tiếng Việt thì mới tiếp thu được bài giảng trên giảng đường.

Đi dọc hành lang qua 4 tầng ký túc xá của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, căn phòng nào cũng giống như ngôi nhà của các bạn sinh viên Lào - phòng ở sạch sẽ, khang trang, có bố trí phòng nấu ăn và nhà ăn tập thể dành riêng cho sinh viên nam, nữ. Phòng ăn của các sinh viên nam thì không khí ăn uống có vẻ đông vui và thịnh soạn hơn. Cả bàn ăn 10 người cùng quây quần quanh chiếc nồi lẩu để ăn trưa. Nhưng nhìn kỹ thì giá thành của bữa ăn này chỉ sang trọng bề ngoài, còn thực chất cũng là bữa ăn bình dân của sinh viên Lào khi sang Việt Nam học tập, toàn bộ mâm ăn ước tính chưa tới 100 ngàn đồng.

Lướt qua câu chuyện bữa ăn và ở ký túc xá của sinh viên Lào và Campuchia đến Việt Nam để thấy rằng, nhu cầu của sinh viên nước bạn ở Việt Nam đang rất nóng. Nhưng điều kiện của các bạn còn rất nghèo, vì vậy, giữa việc thực hiện các chính sách ưu đãi để đào tạo giúp bạn với điều kiện kinh tế của tỉnh nghèo Kon Tum vẫn còn gặp khó khăn. Anh Quỳnh, cán bộ quản lý khu ký túc xá của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum chia sẻ, sinh viên Campuchia học tại trường chưa nhiều, nhưng nếu nhìn qua bữa ăn trong căng tin của sinh viên thì có thể đánh giá, các bạn đến từ Campuchia có cuộc sống kinh tế khá hơn các bạn đến từ Lào. Nếu các bạn không nấu ăn thì xuống căng tin có bán bữa trưa cho sinh viên với giá chỉ từ 10 đến 15 ngàn đồng/suất.

Nhìn chung, các sinh viên Lào sang Việt Nam học tập thì thường ít có điều kiện đi làm thêm để kiếm tiền, vì vậy cuộc sống của sinh viên cũng xoay quanh khả năng vừa đủ chi tiêu, không có thừa. Sinh viên Lào phần đông đến từ tỉnh Attapeu. Các em sinh viên Lào học tự túc về học bổng thì mỗi tháng bố mẹ chỉ gửi sang từ 1 đến 1,5 hoặc khá hơn là 2 triệu đồng. Vì điều kiện kinh tế eo hẹp, nên một bữa đi chợ để nấu ăn của sinh viên Lào theo kiểu nhóm 10, cứ 10 bạn góp thành 100 ngàn đồng để lo bữa ăn.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Kon Tum hỗ trợ cho 4 tỉnh Nam Lào gói học bổng toàn phần, mỗi năm là 5 chỉ tiêu/tỉnh; hai tỉnh Đông Bắc Campuchia cũng có sinh viên sang học. Tính đến thời điểm hiện nay, số sinh viên Lào và Campuchia đang nhận gói học bổng hỗ trợ toàn phần của tỉnh Kon Tum là 103 em. So với điều kiện của tỉnh nghèo thì kinh phí đào tạo này lớn lắm!

Hiện nay, có 79 em sinh viên Lào và 24 em sinh viên Campuchia đang học Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Khi các em sang Việt Nam thì học dự bị 1 năm tiếng Việt rồi mới vào học đại học. Chương trình học tiếng Việt được tổ chức giảng dạy tại Trường Cao đẳng Cộng đồng. Toàn bộ gói kinh phí học bổng toàn phần cho mỗi em là 42 triệu đồng/năm. Điều kiện tỉnh Kon Tum còn nghèo và khó khăn, nhưng xuất phát từ tình hữu nghị, hợp tác giúp bạn nên địa phương và ngành giáo dục cũng phải luôn cố gắng.

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh hiện nay đang hỗ trợ học bổng toàn phần cho các em sinh viên Lào, Campuchia, sau đó lấy các trường hợp này để kêu gọi và khuyến khích các em sang Việt Nam học tập tự túc. Về lợi thế thì địa phương có Phân hiệu Đại học Đà Nẵng và đang đào tạo đa ngành, rồi Trường Cao đẳng nghề của tỉnh cũng đa ngành. Về học bổng thì cũng cấp tạm thời trước mắt vì tỉnh nghèo. Vấn đề này phải có chính sách quốc gia. Và địa phương thông qua số các em sinh viên đang học để về giới thiệu cho các bạn ở Lào, Campuchia biết. Vì nếu sinh viên ở các huyện gần Việt Nam sang Kon Tum học, tính ra chi phí rẻ hơn rất nhiều so với việc lên học tại Thủ đô Phnôm Pênh hay Viêng Chăn.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO