Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:17 GMT+7

“Hộ chiếu vaccine”

Biên phòng - “Hộ chiếu vaccine” là khái niệm mới dành để chứng nhận các trường hợp đã được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19. Ngay khi đại dịch bước đầu được kiểm soát, nhiều quốc gia đã và đang triển khai “hộ chiếu vaccine”, cho phép những người đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được tự do đi lại hoặc giảm thời gian cách ly bắt buộc để kích cầu du lịch.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia thận trọng với các loại hộ chiếu y tế, yêu cầu các nhà chức trách và nhà điều hành du lịch không coi bằng chứng về việc tiêm chủng là điều kiện để du lịch quốc tế. Lý do được đưa ra là vì hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa lây truyền chưa rõ ràng và nguồn cung cấp vaccine toàn cầu còn hạn chế.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp về vấn đề mở cửa đón du khách quốc tế phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy định của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia dịch tễ đề xuất chúng ta nên thí điểm áp dụng “hộ chiếu vaccine” với các nước hoặc khu vực đã có tỉ lệ tiêm phòng cao, trước khi áp dụng rộng rãi. Bởi, một số nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu một người tiêm đủ liều vaccine thì “có rất ít nguy cơ trở thành nguồn lây lan dịch bệnh cho người khác”. Xét trên khía cạnh khoa học, những người đã tiêm đủ liều vaccine có thể coi là “an toàn”.

Thực tế, một số quốc gia như Trung Quốc, Singapore đã cho phép du khách đã tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính được nhập cảnh mà không phải cách ly 14 ngày. Trong bối cảnh đó, nếu Việt Nam không sớm lên phương án đón khách quốc tế thì ngành du lịch sẽ tự đánh mất cơ hội.

Tuy nhiên, các nghiên cứu ban đầu cho thấy, mỗi loại vaccine Covid-19 có hiệu lực khác nhau, dao động từ 60 đến 90%; không loại trừ một số biến chủng virus sẽ kháng vaccine, vì vậy vẫn có xác xuất nhỏ sẽ xảy ra rủi ro.

Thế nên, đến thời điểm này, Việt Nam chưa có thay đổi trong các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam có “hộ chiếu vaccine” vẫn phải cách ly 14 ngày và lấy 2 lần xét nghiệm.

Bộ Y tế cho rằng, chúng ta cần chờ đợi thêm các nghiên cứu khoa học liên quan trước khi áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Trước đây để nghiên cứu ra một vaccine cần 4-5 năm, thậm chí 10 năm, trong khi đó, vaccine phòng Covid-19 được nghiên cứu, cấp phép trong điều kiện khẩn cấp.

Vì thế, các vaccine khác nhau, hiệu lực bảo vệ khác nhau; có vaccine chưa biết được giảm lây nhiễm như thế nào, hay chỉ giảm mức độ nặng của bệnh, giảm triệu chứng; cũng chưa biết kháng thể bảo vệ tồn tại trong cơ thể bao lâu... Mặt khác, cũng không loại trừ trường hợp có “hộ chiếu vaccine” giả.

Tiếp cận theo hướng thận trọng, hiện, các cơ quan chức năng đã có những bước chuẩn bị ban đầu về các vấn đề liên quan đến “hộ chiếu vaccine”. Cụ thể, Bộ Y tế xây dựng cơ sở dữ liệu và hạ tầng phục vụ việc theo dõi và cấp giấy chứng nhận cho những người đã được tiêm vaccine Covid-19 thống nhất với quốc tế (quét mã QR). Thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu này, các cơ quan có thể tra cứu lịch sử tiêm chủng, lịch sử dịch tễ của những người đã được tiêm vacine Covid-19.

Tổng cục Du lịch cũng đang xây dựng kế hoạch chi tiết, với những tiêu chí rõ ràng cho việc mở cửa đón khách quốc tế. Trong đó, yêu cầu xét nghiệm bắt buộc với những người nhập cảnh, nghĩa là họ phải đáp ứng đủ hai điều kiện là có hộ chiếu (hoặc giấy chứng nhận) đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 và có kết quả xét nghiệm khẳng định âm tính trước và sau khi vào Việt Nam.

Việc mở cửa thị trường khách quốc tế không phải câu chuyện ngày một, ngày hai. Vấn đề này chỉ thành công nếu dịch bệnh được khống chế, tâm lý người dân cởi mở hơn và mọi hoạt động trở lại bình thường.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO