Biên phòng - Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất, nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia và tăng cường hội nhập quốc tế của đất nước, thời gian qua, các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã tiến hành công tác chuẩn bị cho việc triển khai Đề án "Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam". Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên (PV) báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Cửa khẩu BĐBP.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết đôi nét về Đề án "Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam"?
Thiếu tướng Lê Thanh Tùng: Hiện nay, đã có gần 100 quốc gia trên thế giới sử dụng hộ chiếu điện tử. Việc áp dụng hộ chiếu điện tử đã góp phần thúc đẩy nhanh nền kinh tế, văn hóa, xã hội của từng quốc gia, đồng thời tạo điều kiện thông thoáng cho hành khách xuất, nhập cảnh (XNC) nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ về an ninh quốc gia.
Ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2135/QĐ-TTg ngày 22-11-2010, phê duyệt Đề án "Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam" (gọi tắt là Đề án). Đề án được xây dựng thành 4 dự án thành phần (DATP), trong đó, Chính phủ giao cho Bộ Công an triển khai thực hiện DATP số 1, đầu tư dây chuyền thiết bị và phần mềm sản xuất hộ chiếu điện tử Việt Nam; DATP số 2 được giao cho Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng xây dựng phần mềm dùng chung phục vụ cấp phát, kiểm soát, quản lý hộ chiếu điện tử và đầu tư xây dựng trung tâm phát hành khóa và chữ ký số quốc gia dùng để ký và kiểm tra hộ chiếu điện tử, trung tâm điều hành hệ thống và trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ chiếu điện tử và XNC do Bộ Công an quản lý; Bộ Ngoại giao triển khai thực hiện DATP số 3, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị và triển khai phần mềm cấp phát hộ chiếu điện tử trong các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao; Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện DATP số 4 và giao cho Bộ Tư lệnh BĐBP làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thiết bị và phần mềm kiểm soát hộ chiếu điện tử và người XNC tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý.
Thời gian thực hiện đề án là 4 năm, được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn I, từ tháng 1-2011 đến tháng 12-2012, tập trung đầu tư cho sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử ở trong nước; giai đoạn II từ tháng 1-2013 đến tháng 12-2014, đầu tư mở rộng phát hành hộ chiếu điện tử ra các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và triển khai việc kiểm soát hộ chiếu điện tử tại các cửa khẩu.
PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về ưu điểm của hộ chiếu điện tử?
Thiếu tướng Lê Thanh Tùng: Cuốn hộ chiếu điện tử cũng giống như cuốn hộ chiếu đang dùng. Tuy nhiên, chỉ có điều khác là được áp dụng công nghệ thông tin để gắn chíp điện tử vào hộ chiếu theo tiêu chuẩn ICAO. Việc quản lý hồ sơ xin cấp hộ chiếu điện tử như nhận dạng, tên tuổi và các thông tin về nhân thân sẽ được nạp vào chíp điện tử.
Để được cấp hộ chiếu điện tử, mỗi công dân chỉ cần làm một lần duy nhất và thủ tục cũng hết sức đơn giản, tiện lợi và nhanh chóng. Ưu điểm của hộ chiếu điện tử là nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát XNC của cơ quan chức năng; xác minh nhanh, chính xác nhân thân của người mang hộ chiếu điện tử; giúp cho thời gian làm thủ tục XNC đối với một hành khách xuống chỉ còn dưới 1 phút. Điều này sẽ giúp ngăn chặn được các hành vi như làm giả hộ chiếu, giả nhân thân hoặc thay đổi, tẩy xóa hộ chiếu; đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Bên cạnh đó, những quốc gia phát hành hộ chiếu điện tử có thể chia sẻ nhanh chóng các thông tin về các công việc liên quan tới hộ chiếu điện tử của công dân nước mình. Đối với những nước chưa phát hành hộ chiếu điện tử, người Việt Nam mang hộ chiếu điện tử vẫn có thể sử dụng hộ chiếu điện tử như hộ chiếu thông thường để XNC. Thông qua Đề án, tại mỗi cửa khẩu sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt sẽ được trang bị hệ thống thiết bị hiện đại để đọc và kiểm tra hộ chiếu điện tử.
PV: Bộ Tư lệnh BĐBP được Bộ Quốc phòng giao cho làm chủ đầu tư DATP số 4, thời gian qua, Cục Cửa khẩu đã triển khai thực hiện dự án như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Lê Thanh Tùng: Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện dự án và để đạt được mục tiêu, yêu cầu của dự án đề ra, thì yếu tố con người được quan tâm hàng đầu. Do đó, ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Đề án, Cục Cửa khẩu BĐBP đã chủ động tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP báo cáo Bộ Tổng Tham mưu bổ sung biên chế chức danh nhân viên kỹ thuật nghiệp vụ tại các đơn vị cửa khẩu, đồng thời, tại cơ quan Cục Cửa khẩu đã tuyển dụng các đồng chí tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Bách khoa để bồi dưỡng kiến thức về công tác XNC. Cục Cửa khẩu cũng đã tổ chức các đoàn tiến hành khảo sát thực tế tại 46 đơn vị cửa khẩu sẽ được đầu tư trang bị trong dự án. Qua khảo sát, đối với những đơn vị có số lượng người XNC ít hoặc chưa đủ yếu tố để đầu tư thì kiên quyết thay đổi cho các cửa khẩu khác phù hợp hơn, để tránh lãng phí và tăng hiệu quả đầu tư của dự án.
PV: Quá trình triển khai DATP số 4 có những khó khăn, thuận lợi gì, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Lê Thanh Tùng: Trong thời gian chuẩn bị dự án, chúng tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ trưởng và các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh BĐBP. Chỉ huy các cấp hiện nay đã có những nhận thức cao hơn về việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin trong công tác quân sự nói chung và công tác cửa khẩu nói riêng. Đội ngũ cán bộ, nhân viên tâm huyết với nghề nghiệp, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cục Cửa khẩu BĐBP thành lập được gần 5 năm, nhưng đã hoàn thiện được hệ thống chỉ huy, hệ thống quản lý theo chuyên ngành từ Cơ quan Bộ Tư lệnh đến các đồn, trạm cửa khẩu.
Tuy nhiên, đây là DATP trong Đề án tổng thể, do đó, việc thực hiện dự án phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa 3 Bộ: Công an, Ngoại giao và Quốc phòng nên không tránh khỏi những bất cập. Theo Đề án, Bộ Công an sẽ chủ trì xây dựng phần mềm dùng chung, trong khi đó, Bộ Công an hiện nay chỉ kiểm tra, kiểm soát XNC tại 3 cửa khẩu quốc tế, hành khách XNC chủ yếu là hộ chiếu, một số ít bằng giấy thông hành. Trong khi đó, BĐBP hiện đang quản lý 163 cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cảng biển nên phải kiểm soát, quản lý đối với phương tiện, người XNC bằng giấy thông hành, chứng minh thư hoặc các loại giấy tờ có giá trị XNC theo quy định của Hiệp định về Quy chế biên giới quốc gia, các thỏa thuận mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết với Chính phủ các nước tiếp giáp như Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia.
Ngoài ra, BĐBP còn có chức năng quản lý địa bàn, an ninh trật tự khu vực biên giới, cửa khẩu; quản lý người XNC và qua lại biên giới, quản lý người và phương tiện ra vào cảng biển, cấp giấy phép cho thuyền viên, phương tiện cập mạn tàu... Trên thực tế, số lượng người XNC bằng hộ chiếu điện tử qua các cửa khẩu do BĐBP quản lý chỉ chiếm 1/3 tổng số người XNC, còn lại 2/3 là XNC bằng các loại giấy tờ khác. Do đó, khi xây dựng phần mềm quản lý, kiểm soát hộ chiếu điện tử dùng chung, đây là một vấn đề hết sức phức tạp, chúng tôi đang đề xuất Bộ Công an khi xây dựng phần mềm dùng chung cần khảo sát, nghiên cứu kỹ những đặc điểm riêng biệt trong công tác XNC của BĐBP để xây dựng phần mềm phù hợp.
PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!