Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:42 GMT+7

Đại tá, nhà văn Chu Lai:

“Hình ảnh người lính mang quân hàm xanh luôn ấn tượng với tôi”

Biên phòng - Có mặt tại Giao lưu văn học nghệ thuật chủ đề “Hào khí cách mạng Việt Nam” do Nhà văn hóa BĐBP tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2019), Đại tá, nhà văn Chu Lai bày tỏ: “Tôi luôn sẵn lòng chia sẻ và bày tỏ tình cảm đặc biệt của mình với lực lượng BĐBP. Các đồng chí có vinh dự được mang quân hàm xanh trên vai. Đó là màu xanh của sông núi nước Nam, của hy vọng, của tình yêu, của kiêu dũng. Màu xanh gian nan vất vả, vinh quang nhưng cũng quá đỗi tự hào”.

kmtf_9a
Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tặng hoa Đại tá, nhà văn Chu Lai tại buổi giao lưu văn học nghệ thuật “Hào khí cách mạng Việt Nam”. Ảnh: TTH 

Đại tá, nhà văn Chu Lai sinh năm 1946, tại Hưng Yên. Ông là một nhà văn trưởng thành từ chiến tranh cách mạng và chứng kiến, ghi lại bằng văn học suốt chiều dài lịch sử cuộc chiến tranh chống Mỹ, giải phóng đất nước của QĐND Việt Nam. Khi còn ở tuổi thanh niên, ông là một chiến sĩ đặc công hoạt động ở ven đô Sài Gòn. Và cả cuộc đời ông cho đến nay không ngừng nghỉ sáng tác văn học, kịch bản phim và sân khấu về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng. Luôn tự nhận mình chỉ đơn giản là một người lính già, ông nói: Tuy tôi tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, vẻ ngoài thì hơi “ọp ẹp”, nhưng ở trong tôi luôn cháy một ngọn lửa mạnh mẽ muốn sáng tác, muốn viết và sống như những người lính thực thụ, muốn yêu thương và chia sẻ với đồng chí, đồng đội của mình nhiều hơn nữa. 

Bàn về văn học nghệ thuật mang tinh thần của “Hào khí cách mạng Việt Nam”, Đại tá, nhà văn Chu Lai khẳng định, chủ đề này bao gồm cả một thời kỳ với khối lượng các tác phẩm đồ sộ với nhiều đề tài, nhiều phương pháp thể hiện và chưa bao giờ cũ đi. Ông đặc biệt nhấn mạnh nhiều hình tượng nghệ thuật mà chính mình đã sử dụng để dựng lên tác phẩm văn học về người lính trong chiến tranh là: Hình ảnh của phụ nữ trong chiến tranh, các nữ chiến sĩ, nữ quân y, hình ảnh bà mẹ Việt Nam anh hùng, hình ảnh cựu chiến binh, nữ dân quân, người vợ lính...

Ông viết về người lính ở đồng bằng (trong tiểu thuyết Nắng đồng bằng), người lính chiến trường Tây Nguyên (Khúc bi tráng cuối cùng), người lính biệt động Sài Gòn, người lính hậu chiến làm kinh tế (Ăn mày dĩ vãng, Cuộc đời dài lắm)... Mới đây, tưởng như tập hợp những sáng tác dày dặn của ông về người lính đã đủ, nhưng Đại tá, nhà văn Chu Lai tiếp tục gây ngạc nhiên bằng tiểu thuyết ra đời năm 2016 đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam “Mưa đỏ” viết về chiến trường Quảng Trị trong 81 ngày đêm quyết chiến – cơn mưa máu ám ảnh nhất, day dứt nhất như cảm xúc mà tiểu thuyết có thể mang lại cho độc giả. 

Miêu tả người lính như vốn có – đó là bí quyết của sáng tác văn học đề tài người lính và chiến tranh cách mạng. Họ phải thực như đời thực - kinh nghiệm của người lính già cầm bút được chia sẻ một cách chân thành. Với sự trui rèn qua khói lửa chiến tranh cùng với cảm hứng lãng mạn cách mạng, ông đã viết nên những tác phẩm đồ sộ, vạm vỡ về đề tài này. Thêm nữa, từng đề tài lại phù hợp với một loại hình nghệ thuật. Văn học tải đi câu chuyện một cách toàn cảnh và chi tiết nhất, điện ảnh lộng lẫy và lan tỏa số đông công chúng, sân khấu cô đọng và hình tượng lại chọn lọc được những khán giả riêng. Nhà văn Chu Lai sẽ tiếp tục bền bỉ theo đuổi phong cách sáng tác của mình. Có những tác phẩm ra đời từng là “vết cứa” của chiến tranh, nhưng để lại ấn tượng vĩnh viễn trong lòng độc giả.

Đại tá, nhà văn Chu Lai nói rằng, mỗi lần ông có dịp tiếp xúc với người lính Biên phòng, đến các đồn, trạm biên giới cùng ăn, cùng ở, cùng hành quân với cán bộ, chiến sĩ là mỗi lần để lại những xúc cảm khó quên. Khẳng định một cách chắc nịch rằng, nếu còn sức khỏe, ông sẵn sàng đi tới những miền cao, suối sâu, hải đảo, nơi các đồn, trạm đứng chân để viết tiếp những bản anh hùng ca về hình ảnh người lính quân hàm xanh. 

Thời đại nào cũng thế, bí mật bất ngờ của tiềm năng quân sự luôn nằm ở ý chí con người chứ không hoàn toàn ở bất cứ vũ khí hiện đại nào. Hào khí của dân tộc, lòng tự trọng của mỗi người là tài sản vô giá. Không có chủ nghĩa anh hùng lãng mạn thì không có những người lính đi đến cùng của cuộc chiến. Lòng yêu nước không của riêng thế hệ nào và luôn được thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Nếu như ngay lúc này, phẩm hạnh dân tộc, an nguy của đất nước bị xâm phạm thì không chỉ BĐBP mà chính tôi cũng sẽ là một người lính thực thụ - Đại tá Chu Lai khẳng định. 

Người lính Biên phòng hôm nay đối mặt với nhiều gian khổ, cam go theo một cách mới. Họ phải là những con người có tâm trạng, có tình yêu, có cảm xúc, như thế mới bất khả chiến bại. 

Thụy Văn

Bình luận

ZALO