Biên phòng - Xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam là một trong 10 xã được chọn làm điểm của cả nước trong việc triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016". Qua 4 năm thực hiện, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Không chỉ chấp hành nghiêm Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, 4 năm qua, đồng bào các dân tộc nơi đây còn là "tai mắt" của BĐBP trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Đã thành thông lệ, cứ tối thứ 5 hằng tuần, các thành viên trong Tổ tuyên truyền pháp luật của Đồn BPCK Nam Giang và xã La Dêê lại đến từng nhà trong thôn để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân; mỗi tối một chủ đề, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.
Với đặc thù là địa phương có đến hơn 97% là đồng bào dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng sinh sống, nên Tổ tuyên truyền pháp luật của đồn và xã La Dêê đã biên soạn những nội dung luật ngắn gọn, trọng tâm, dễ hiểu và đều được dịch thành 3 thứ tiếng: Cơ Tu, Ve, Tà Riềng... để họp dân tuyên truyền các văn bản pháp luật mới ban hành đến bà con. Trong buổi tuyên truyền luật này, ngoài những nội dung chính của các văn bản luật mới ban hành, Tổ tuyên truyền pháp luật còn biểu dương nhóm hộ dân làng Công Tơ Rơn đã phát hiện và kịp thời báo cho cơ quan chức năng nhiều vụ việc liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Qua những buổi tuyên truyền như thế này, bản thân ông A Lăng Ngôn, thôn Công Tơ Rơn, xã La Dêê, cũng như bà con trong bản đã hiểu và nâng cao nhận thức của mình trong việc chấp hành pháp luật ở địa phương. Ông cho biết, bà con trong thôn ai cũng thực hiện đúng theo Luật Biên giới quốc gia và quy chế khu vực biên giới khi qua lại các bản của Lào để thăm thân, trao đổi hàng hóa và học tập kinh nghiệm sản xuất.
Không chỉ tuyên truyền bằng tiếng đồng bào, mà trong 4 năm thực hiện Đề án, toàn xã La Dêê đã xây dựng được 8 tủ sách pháp luật với hơn 500 đầu sách; thành lập 3 Câu lạc bộ (CLB) tuyên truyền, tư vấn pháp luật, trong đó, ngoài lực lượng nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Nam Giang, còn có 6 tuyên truyền viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã tổ chức hòa giải, tư vấn pháp lý cho hàng nghìn lượt đồng bào về hôn nhân-gia đình, vay vốn sản xuất, thủ tục xuất nhập cảnh...; tổ chức tốt Ngày Pháp luật Việt Nam, các hội thi tìm hiểu Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
Theo ông Brao Ngưu, Chủ tịch UBND xã La Dêê, trong thời gian qua, các tuyên truyền viên thường xuyên phối hợp nắm tình hình địa bàn thông qua các hoạt động như họp thôn, họp chi bộ, sinh hoạt cộng đồng tại thôn bản để tuyên truyền lồng ghép chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó, trình độ nhận thức về pháp luật của nhân dân được nâng lên. "So với các năm trước đây, từ khi triển khai đề án thì bà con chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt hạn chế vấn đề vi phạm pháp luật" - ông Ngưu cho biết thêm.
Thiếu tá Đỗ Xuân Trinh, Đồn BPCK Nam Giang cho biết thêm, thông qua thực hiện Đề án, trình độ hiểu biết về pháp luật của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị được nâng cao, nhất là các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đại tá Văn Ngọc Quế, Chính ủy BĐBP Quảng Nam cho biết: Ngoài các buổi sinh hoạt chuyên đề, các buổi họp dân, các hoạt động kết nghĩa bản - bản, hoạt động văn hóa nhân các dịp lễ, Tết đều lồng ghép với các nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào nơi biên giới, hải đảo. Mong rằng, lãnh đạo tỉnh cũng như các ban, ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể tiếp tục quan tâm, đầu tư để làm sao công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được sâu rộng hơn, hiệu quả hơn với tinh thần thượng tôn pháp luật, xây dựng xã hội mọi người tuân thủ và làm theo Hiến pháp và pháp luật.
Từ kinh nghiệm thực tế 4 năm thực hiện Đề án ở tỉnh Quảng Nam, có thể rút ra một vấn đề là: Cách tuyên truyền pháp luật phải thật sự ngắn gọn, gần gũi, sát thực với đồng bào, dùng tiếng đồng bào để nói cho đồng bào nghe, hiểu, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, đưa người dân địa phương vào các tổ tư vấn, tuyên truyền pháp luật để thuận tiện hơn trong công tác tuyên truyền... Với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, một khi nhận thức về pháp luật được nâng lên, thì việc tiếp thu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ dễ dàng hơn và thấm nhuần sâu hơn. Từ đó, sẽ góp phần tạo ra những bản làng văn minh, tiến bộ, sống thượng tôn pháp luật, đồng thời, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
4 năm qua, thực hiện Đề án tại xã La Dêê nói riêng và ở khu vực biên giới của tỉnh Quảng Nam nói chung đã đạt kết quả, đó là: Tình trạng vi phạm pháp luật trong nhân dân giảm hơn 80% so với thời điểm chưa triển khai Đề án. Trên địa bàn không còn xảy ra tình trạng vượt biên trái phép, xâm canh xâm cư, các tập tục lạc hậu hầu như bị xóa bỏ, bà con tích cực tham gia phong trào bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, 100% thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa...
Hồng Anh