Biên phòng - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo (gọi tắt là Nghị quyết số 623), Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác hậu cần phù hợp với nhiệm vụ thực tế của đơn vị. Hiệu quả thiết thực trong công tác bảo đảm hậu cần đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, công tác của cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

BĐBP Thanh Hóa được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 213,6km đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với nước bạn Lào, 102km bờ biển, có 11 đồn Biên phòng tuyến biên giới đất liền, 1 Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng, 4 đồn Biên phòng tuyến ven biển, 1 Hải đội và Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Quân đội có nhiều chủ trương, chính sách lớn quan tâm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho nhân dân ở khu vực biên giới, hải đảo, đầu tư xây dựng cơ bản các đồn, trạm Biên phòng. Vì vậy, khu vực biên giới của tỉnh Thanh Hóa đã có bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, đời sống nhân dân còn khó khăn đã ảnh hưởng đến công tác bảo đảm hậu cần của các đồn Biên phòng.
Đại tá Ngyễn Văn Thú, Chính ủy BĐBP Thanh Hóa cho biết: Quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 623, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện với lộ trình, nội dung, chỉ tiêu, biện pháp trên từng mặt công tác hậu cần phù hợp với đặc điểm địa bàn, nhiệm vụ của từng đơn vị.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 623, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhất là thiên tai, bão, lũ, dịch bệnh, giá cả thị trường biến động, nhưng Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác hậu cần sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực.
Theo Thượng tá Nguyễn Đăng Mạnh, Chủ nhiệm Hậu cần BĐBP Thanh Hóa: Với tinh thần “tự lực, tự cường”, chủ động “thấy trước, lo trước” công tác hậu cần, các đơn vị BĐBP Thanh Hóa luôn chú trọng dự trữ lượng vật chất, phương tiện hậu cần theo đúng quy định, đủ về số lượng, tốt về chất lượng. Cơ quan Hậu cần Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức bảo đảm tốt các mặt hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập và tham gia phòng chống bão, lũ lụt, tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai...
Điểm nổi bật là Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tích cực, chủ động khai thác tạo nguồn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất nâng cao đời sống bộ đội. Các đơn vị đã được quy hoạch, cải tạo mặt bằng để chủ động phát triển các mô hình tăng gia sản xuất phù hợp với điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của vùng miền để phát triển chăn nuôi.
Hiện nay, cơ bản các đơn vị BĐBP Thanh Hóa đã có chuồng chăn nuôi từ 10 đến 15 con lợn thịt. Một số đơn vị thường xuyên duy trì chăn nuôi trên 30 con lợn như Đồn Biên phòng Quang Chiểu, Đồn Biên phòng Bát Mọt; duy trì các đàn gia súc, gia cầm với số lượng bình quân mỗi đơn vị từ 50 đến 100 con các loại. Các đơn vị tổ chức tăng gia rau, củ, quả đạt 140 đến 145kg/người/năm; thịt các loại từ 35 đến 50kg/người/năm; cá từ 10 đến 13kg/người/ năm; giá trị tăng gia sản xuất đạt trên 1,5 triệu đồng/người/năm. Từ công tác tăng gia sản xuất, đưa vào ăn thêm cho bộ đội bình quân đạt trên 2.000 đồng/người/ngày.
Điển hình là khu tăng gia sản xuất tập trung ở Đồn Biên phòng Pù Nhi với trên 5ha cỏ voi để phát triển đàn bò; tổ chức nuôi 1.000 con gà đẻ trứng, 500 con gà thịt, trồng trên 800 gốc chuối, xen canh các loại cây ăn quả và rau xanh. Sản phẩm thu từ tăng gia sản xuất của đơn vị đạt bình quân trên 50 triệu đồng/năm, tạo ra nguồn cung ứng thực phẩm sạch tại chỗ cho cán bộ, chiến sĩ và bán ra thị trường.
Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng dịch, chủ động liên hệ với ngành y tế tại địa phương có biện pháp phòng ngừa các dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm H5N1, H7N9, dịch Ebola qua cửa khẩu, dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, trong 2 năm qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, BĐBP tỉnh đã tập trung thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng dịch, chăm sóc tốt sức khỏe cho bộ đội, duy trì và bảo đảm quân số khỏe đạt trên 98,6%. Bảo đảm đầy đủ phương tiện, nhiên liệu phục vụ cho các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất của đơn vị; bảo đảm tuyệt đối an toàn kho tàng, cơ sở vật chất và an toàn giao thông.

Đến nay, 100% đơn vị đã tổ chức bếp ăn tập trung, chia ăn theo định suất đúng quy định, bảo đảm ăn theo cơ cấu hợp lý. Trang bị dụng cụ nhà ăn, nhà bếp cơ bản đồng bộ. Các đơn vị đã tích cực, chủ động cải tiến việc chế biến món ăn nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày cho bộ đội... Nhà ăn, nhà bếp bảo đảm sạch sẽ, các khu nấu, chế biến bố trí hợp lý, khoa học. Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh cũng đã có bước đột phá trong khai thác, hỗ trợ nguồn kinh phí của địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở doanh trại, mua sắm các loại phương tiện, trang bị... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, công tác của bộ đội.
Có thể khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 623, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị BĐBP tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác hậu cần phù hợp với nhiệm vụ thực tế của đơn vị, đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, học tập, công tác của cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Quốc Toản