Biên phòng - Thời gian qua, trên khu vực biên giới của tỉnh Đồng Tháp đã xuất hiện nhiều mô hình quần chúng tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc hoạt động có hiệu quả, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn khu vực biên giới. Trong đó, sự ra đời và hoạt động của “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới” cụm dân cư Giồng Duối là một trong những điểm sáng của phong trào này.
Có mặt tại ấp Bình Hòa Thượng, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp những ngày này, chúng tôi chứng kiến và ghi lại nhiều hình ảnh đẹp về hoạt động của “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới” cụm dân cư Giồng Duối thuộc ấp Bình Hòa Thượng.
Đang trong thời điểm nước lũ rút dần trên các con sông, cánh đồng, vì thế mà bà con ai cũng tất bật chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Đây cũng là khoảng thời gian các thành viên trong tổ tự quản bận rộn hơn 2 tháng trước đây, khi khu vực biên giới này chìm sâu trong nước, giờ là thời điểm tổ phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cầu Muống huy động người dân sửa sang lại con đường liên ấp bị sạt lở cũng như dọn dẹp, vệ sinh khu vực đường biên, cột mốc.
Khu vực cụm dân cư Giồng Duối có 218 hộ dân sinh sống, chủ yếu làm ruộng, một số khác mưu sinh bằng nghề giăng lưới, thả câu, trong đó, nhiều hộ không có đất sản xuất, cuộc sống rất khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo ở đây cao, chiếm gần 50% dân số trong cụm dân cư.
Ông Nguyễn Văn Leo (SN 1962), Tổ trưởng “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới” cho biết: “Cũng vì cuộc sống khó khăn nên không ít bà con phải rời quê hương lên thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... để làm thuê. Vì thế mà lúc mới thành lập, các thành viên trong tổ luôn có những biến động. Nhưng dù thế nào, mọi tổ viên đều nỗ lực duy trì hoạt động của mô hình này. Đến hiện tại, tổ chúng tôi có 16 tổ viên, đa phần là cựu chiến binh, tuổi đời từ 40 đến 60 tuổi. Mọi người đều sinh sống lâu năm ở địa bàn và có uy tín trong nhân dân. Vì thế, khi chúng tôi đi tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, các quy định, quy chế về biên giới, bà con thực hiện rất nghiêm chỉnh. Nhờ đó mà mỗi khi có vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn và khu vực đường biên, cột mốc, người dân đều thông tin nhanh chóng đến Đồn Biên phòng Cầu Muống và chính quyền địa phương”.
Từ khi được thành lập và đi vào hoạt động đến nay, “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới” cụm dân cư Giồng Duối đều duy trì sinh hoạt đều đặn mỗi tháng một lần. Tổ thường xuyên phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cầu Muống tuần tra đường biên, cột mốc mỗi tháng 3 lần. Thông qua những buổi sinh hoạt, tuần tra đó là dịp để mọi người gặp gỡ, trao đổi về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn sinh sống với cán bộ Biên phòng cũng như những dấu hiệu bất thường trên khu vực biên giới để có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Ông Trần Văn Ngà (SN 1953), thành viên trong “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới” tâm sự: “Bản thân được tham gia vào việc tự quản đường biên, cột mốc, tôi thấy vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của một người công dân. Hằng ngày, trong quá trình làm đồng khi thấy có bất kỳ những thay đổi, biểu hiện không bình thường trên các cột mốc, cũng như đường biên giới, tôi đều thông báo cho cán bộ đồn Biên phòng và chính quyền địa phương biết, để kịp thời xử lý”.
Một trong những đóng góp quan trọng của “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới” cụm dân cư Giồng Duối gần đây nhất phải kể đến đó là vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2018, khi đoàn phân giới cắm mốc của tỉnh Đồng Tháp tiến hành cắm 3 mốc phụ 236 (2)/1, 236 (2)/2, 236 (2)/3 trên khu vực biên giới. Thời điểm này, các thành viên trong tổ tự quản đều tạm gác mọi công việc gia đình lại, thay phiên nhau phối hợp với cán bộ Đồn Biên phòng Cầu Muống bảo đảm an ninh trật tự, không để người lạ đến quấy phá, cũng như trông coi máy móc, thiết bị của đoàn phân giới cắm mốc. Việc làm đó của tổ đã được chính quyền địa phương đánh giá rất cao.
Được biết, từ năm 2006 đến nay, Đồn Biên phòng Cầu Muống đã phối hợp với chính quyền 2 xã Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự thành lập 4 “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới” với 81 thành viên tham gia. Dưới sự chủ trì của chỉ huy Đồn Biên phòng Cầu Muống, các tổ đã hoạt động rất hiệu quả, huy động được sức mạnh toàn thể nhân dân trong việc nắm tin tức tình hình, xử lý nhanh, hiệu quả các vụ việc xảy ra trên địa bàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững bình yên trên địa bàn biên giới của tỉnh Đồng Tháp.
Đại úy Nguyễn Chí Công, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cầu Muống cho biết: “Việc các “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới” ra đời và hoạt động trong thời gian qua đã góp phần tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trên địa bàn trong việc xây dựng, bảo vệ đường biên, cột mốc. Đồng thời, nâng cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc sống bình yên trên biên giới của các đối tượng xấu, các thế lực thù địch. Người dân ai cũng tin tưởng vào lực lượng Biên phòng”.
Có thể khẳng định rằng, hiệu quả mô hình “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới” cụm dân cư Giồng Duối nói riêng và các “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới” trên khu vực biên giới của tỉnh Đồng Tháp nói chung được xem như “cánh tay nối dài” của lực lượng BĐBP trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
Hồ Phúc