Biên phòng - Sau 10 năm thực hiện, Chương trình phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) với Bộ Tư lệnh BĐBP trong công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại ở khu vực biên giới, biển, đảo (sau đây gọi tắt là Chương trình phối hợp) đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của toàn xã hội và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước về ý thức quốc gia, quốc giới, khẳng định vị thế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp từ Trung ương đến địa phương, với vai trò là Cơ quan Thường trực của hai bên, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT) và Cục Chính trị BĐBP (Bộ Tư lệnh BĐBP) đã tham mưu cho cấp trên ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp. Hằng năm, Cục Thông tin đối ngoại và Cục Chính trị BĐBP đã tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện; tổ chức triển khai khảo sát, xây dựng đề án, lắp đặt các cụm thông tin đối ngoại.
Ở cấp địa phương, hằng năm, các Sở TT&TT và Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố xác định việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành; quan tâm bố trí kinh phí, huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện chương trình. Trong quá trình thực hiện đã chủ động, thường xuyên trao đổi, thống nhất nội dung, biện pháp triển khai và phối hợp chặt chẽ trong mọi hoạt động. Qua đó, kịp thời khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả.
Thực hiện Chương trình phối hợp, các đơn vị của hai bên đã có nhiều cách làm hay, đa dạng hóa các hình thức thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại như: Tuyên truyền qua mạng lưới truyền thanh cơ sở, cổ động trực quan, tuyên truyền miệng; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tuyên truyền qua hoạt động đối ngoại biên giới. Các hình thức đó mang lại hiệu quả thiết thực và nhận được sự ủng hộ, ghi nhận của chính quyền, cán bộ, nhân dân khu vực biên giới.
Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua mạng lưới truyền thanh cơ sở được triển khai hiệu quả với các cụm loa được lắp đặt tại các xã, phường, thị trấn, khu dân cư và hệ thống loa tuyên truyền lưu động của các đồn Biên phòng. Tại các cụm thông tin đối ngoại, cụm pa nô tại khu vực cửa khẩu, trạm kiểm soát Biên phòng và các cụm dân cư được tiến hành hiệu quả, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại; hình ảnh, nội dung trình chiếu được thiết kế đẹp mắt, ngắn gọn, đầy đủ thông tin và hiệu ứng hấp dẫn.
Đối với hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan, đơn vị của Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ TT&TT đã phối hợp có hiệu quả với các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, phát huy hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền. Trong giai đoạn 2011-2021, ước tính có hàng vạn tin, bài, phóng sự, phim tài liệu đã được tuyên truyền, quảng bá sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương.
Đặc biệt, thông qua hoạt động đối ngoại biên giới, đối ngoại Biên phòng trở thành một kênh thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại hiệu quả. Qua các chương trình giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào - Campuchia và 176 cặp cụm dân cư kết nghĩa hai bên biên giới đã giúp cho lực lượng bảo vệ biên giới và chính quyền nhân dân các nước có chung đường biên giới thêm hiểu biết, tin cậy và tự nguyện giúp đỡ nhau phát triển kinh tế - xã hội, cứu trợ nhau trong lúc thiên tai, dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị BĐBP đã duy trì tốt các thư viện, hệ thống tủ sách pháp luật phục vụ công tác thông tin. Đến nay, các đồn Biên phòng đều phát huy tốt hệ thống “Tủ sách pháp luật” ở trung tâm xã và các điểm bưu điện văn hóa xã. Các đơn vị cũng thường xuyên bổ sung nguồn sách, củng cố phòng đọc để giúp cán bộ và nhân dân có điều kiện tìm tòi, nghiên cứu, bổ sung kiến thức khoa học vào thực tiễn cuộc sống.
Ngoài ra, hệ thống trang thiết bị thông tin đối ngoại ở khu vực biên giới cũng được đầu tư đồng bộ, khai thác hiệu quả đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại. Từ năm 2012 đến nay, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP và các tỉnh biên giới xây dựng 19 cụm thông tin đối ngoại, cụm thông tin điện tử tại các khu vực cửa khẩu quốc tế đường bộ và các trung tâm giao thương. Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ trì và đang triển khai nhiệm vụ “Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện hiện đại cho các đồn Biên phòng trên toàn tuyến biên giới, phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới”.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã chủ trì và tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thông tin đối ngoại khu vực biên giới; phối hợp với các địa phương đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, lối mở tại các tỉnh biên giới. Nhiều tỉnh, thành cũng chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương để đầu tư hạ tầng, trang thiết bị thông tin các xã, phường biên giới.
Qua 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp, các cơ quan chức năng và đơn vị của Bộ TT&TT và Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chương trình đã đề ra. Công tác thông tin đối ngoại đã được các cấp, các ngành nhận thức đúng đắn và giúp cho các cơ quan, đơn vị hai bên thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của ngành mình. Việc nâng cao nhận thức được thể hiện rõ ở những kết quả nổi bật như: Tình hình vi phạm quy chế biên giới giảm rõ rệt, tình trạng vi phạm pháp luật giảm cùng với ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân ở khu vực biên giới cũng có những chuyển biến tích cực.

Việc hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa BĐBP Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia là cơ sở tin cậy để các cơ quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng. Đồng thời, giúp các lực lượng chức năng phối hợp xử lý các vụ việc xảy ra trên biên giới được nhanh, gọn và đơn giản về thủ tục hành chính, đồng thời, thúc đẩy thông thương hàng hóa và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhân dân hợp tác, đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...
Nhân dân hai bên biên giới Việt Nam với các nước láng giềng đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách của hai nước giáp biên; nhiều phong trào, mô hình được thực hiện có hiệu quả ở biên giới có sức lan tỏa đến nhiều nước và bạn bè trên toàn thế giới; đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, tình đoàn kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng; góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trọng Thành