Biên phòng - Trước tình hình dịch Covid-19 có thể lan rộng hầu khắp các tỉnh, thành, Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra khai báo y tế tại các cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc. Vấn đề đặt ra là vào thời điểm này, khách du lịch nước ngoài nghĩ gì về công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, từ đó, có ý thức đáp ứng phù hợp? Song song với thực tế này, việc tuyên truyền trên mặt trận văn hóa được xem là thức thời và hiệu quả.
Một hướng dẫn viên tại Hạ Long chuyên phục vụ các đoàn khách nước ngoài đi thăm vịnh cho biết, tình hình dịch bệnh thay đổi từng giờ trên thế giới, phá vỡ toàn bộ kế hoạch về các hành trình du lịch trước đó. Hiện nay, các tour, tuyến du lịch trên cả nước được ước tính theo buổi, tức là từ sáng đến chiều có thể phải thay đổi để đáp ứng tình hình. Vì vậy, có thể nhận thấy, khu du lịch nào đáp ứng nhanh nhất với các phương án chỉ đạo chống dịch thì sẽ giảm thiểu được thiệt hại, đồng thời, không gây hậu quả lâu dài.
Cũng phản ánh từ các hướng dẫn viên du lịch cho thấy, khách du lịch nước ngoài chịu ảnh hưởng của cách thức tuyên truyền trên quốc gia của họ. Trước khi châu Âu mất kiểm soát với dịch bệnh, người dân các quốc gia ở đây vẫn cho rằng châu Á đang sợ hãi thái quá với một bệnh cúm thông thường. Và việc kiểm soát dịch tễ một cách cực đoan như vậy sẽ mang đến nhiều thiệt hại về kinh tế và du lịch.
Tại Hải Phòng, các nhóm du khách tới từ Hà Nội, trước đó đến từ các quốc gia ở nhiều châu lục khác nhau tỏ ra bình thản trước dịch bệnh. Họ không đeo khẩu trang, miễn cưỡng dùng dung dịch khử trùng tay khi cán bộ Biên phòng yêu cầu tại các bến cảng du lịch. Một vài du khách cười cợt khi nhân viên y tế địa phương yêu cầu đo thân nhiệt và ghi danh vào phiếu theo dõi y tế. Quan sát cho thấy, sau ngày 16-3, việc đeo khẩu trang bắt buộc tại các địa điểm công cộng đã có tác dụng. Các hướng dẫn viên yêu cầu du khách đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động công cộng và nói rõ hành động này nhằm bảo vệ cộng đồng và bảo vệ thành quả chống dịch của Việt Nam.
Có thể thấy, việc kiên định với mục tiêu chống dịch ngay từ đầu đã giúp các địa phương giảm các yếu tố nguy cơ. Tại các vùng núi hẻo lánh, nơi có đồng bào dân tộc sinh sống và người dân có thể không biết chữ, không tiếp cận được phương tiện thông tin đại chúng, lực lượng BĐBP đã dùng xe ô tô và dùng loa công suất lớn để đi khắp các ngõ ngách dân cư đọc các cảnh báo nguy cơ và khuyến cáo dịch tễ. Ở các tuyến đảo, không chỉ khách du lịch, người dân đi lại từ đất liền ra đảo và ngược lại cũng phải đo thân nhiệt và ghi lại hành trình.
Tại Hải Phòng, tuyến phố chính thường tập trung đông nhất khách du lịch nước ngoài có bố trí dày đặc các pa nô tấm lớn ngoài trời để cảnh báo về dịch bệnh. Trên các phương tiện công cộng và khu vui chơi ngoài trời đều có cảnh báo nhắc nhở. Lãnh đạo địa phương chia sẻ, dường như hình thức truyền thông xưa cũ vốn rất hiệu quả của Việt Nam là tranh cổ động và áp phích lại mang đến hiệu quả bất ngờ nhất. Các tấm áp phích có thể ngay lập tức trở thành bộ mặt của cả một dãy phố, một cơ quan, một thành phố - điều đó tác động thẳng vào ý thức con người, dẫn đến thái độ đúng mực và hành vi cũng thay đổi.
Điều đáng mừng là việc tuyên truyền trên mặt trận văn hóa đã thấy rõ hiệu quả. Hầu như các đáp ứng của mọi ngành nghề, mọi tầng lớp nhân dân đã được kích hoạt. Nhiều tổ chức và cá nhân tình nguyện quyên góp vật chất, trang thiết bị y tế chống dịch. Các văn nghệ sĩ, người ảnh hưởng với công chúng có thái độ tích cực, sáng tác các ca khúc, thơ, tranh cổ động, viết các bình luận tích cực về hiệu quả chống dịch của Việt Nam mang đến thành công bất ngờ trên diện rộng, thay đổi hành vi thói quen từ xấu đến tốt của người Việt.
Bài hát “Ghen Cô Vy” – một ca khúc viết lại lời với giai điệu đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc đã được truyền thông thế giới khen ngợi về hiệu quả chống dịch bệnh. Tuyên truyền văn hóa luôn có chỗ đứng và vai trò, chỉ cần được sử dụng đúng lúc, đúng mục đích. Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngay từ đầu đã nhận định công tác tuyên truyền phải diễn ra trên mọi mặt trận, đặc biệt là mạng xã hội với lượng người dân tiếp cận nhanh nhất, đông đảo nhất. Việc dành được thế chủ động và kiểm soát môi trường xã hội thông tin đã giúp cho điều tra dịch tễ dễ dàng hơn.
Tương tự như vậy, hiện, công tác khai báo y tế tại các cơ sở lưu trú trên toàn quốc cần tiến hành nghiêm túc. Thông thường, các khách sạn từ 3 sao trở lên đạt tiêu chuẩn thì việc khai báo y tế dễ hơn do tên tuổi nơi đến của du khách đều được quản lý. Với các khách sạn và nhà nghỉ, đặc biệt là các homstay và căn hộ cho thuê thường không đảm bảo đủ thủ tục quản lý hành chính. Ngoài hệ thống các tổ chức xã hội và chính quyền địa phương, đơn vị quản lý an ninh trật tự địa bàn như BĐBP cũng khá vất vả trong điều kiện chống dịch hiện tại. Việc rà soát, cảnh báo tới từng cơ sở kinh doanh du lịch là khối lượng công việc khổng lồ cần đáp ứng.
Chưa kể, nhân viên quản lý cơ sở lưu trú cũng phải có kiến thức và nền tảng kỹ năng sử dụng công nghệ. Điều dễ nhất họ có thể làm là dùng điện thoại thông minh có ứng dụng "Khai báo sức khỏe du lịch" thực hiện quét mã QR của khách được cấp khi nhập cảnh hoặc tìm theo mã khai báo y tế của khách trên thiết bị di động, hoặc tìm theo số hộ chiếu đối với khách đã khai báo thông tin tại cửa khẩu để khai báo và theo dõi y tế.
Khi dịch bệnh xảy ra trên toàn cầu, mỗi du khách buộc phải minh bạch danh tính và hành trình. Việc này còn bảo vệ họ và khi cần có thể nhanh nhất tiếp cận với y tế địa phương khi họ đến. Trong trường hợp khách chưa khai báo y tế tại cửa khẩu thì nhân viên hướng dẫn và hỗ trợ khách khai báo điện tử. Điều này phù hợp với tình trạng hiện nay khi toàn dân buộc phải khai báo y tế và nâng cao ý thức chống dịch Covid-19.
Thụy Văn