Biên phòng - 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết 765 của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đổi mới cơ chế chỉ đạo, quản lý, chương trình huấn luyện khoa học, bám sát thực tiễn trên các tuyến biên giới và yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Nhờ đó, chất lượng huấn luyện ở các đơn vị cơ sở có bước chuyển biến tiến bộ, hòa nhập chung với toàn quân.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương “Nhiệm vụ huấn luyện được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên (CTV) các cấp, là trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi cán bộ, chiến sĩ”..., Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành Nghị quyết 454 về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo trong BĐBP, với chủ trương “4 xây, 4 chống”. Với chủ trương này, ngoài việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm huấn luyện chung của toàn quân là “cơ bản-thiết thực-vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, công tác tổ chức huấn luyện trong toàn lực lượng đã được phân rõ trách nhiệm ở từng cấp; từ cơ quan Bộ Tư lệnh đến Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành và các đồn Biên phòng sát với chức năng, nhiệm vụ.
Trong đó, cơ chế chỉ đạo, quản lý điều hành công tác huấn luyện được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy BĐBP, sự chỉ đạo của Tư lệnh, Chính ủy và người chỉ huy, chính ủy (CTV) các cấp. Đồng thời, chất lượng huấn luyện, mức độ hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện và xây dựng đơn vị cũng được gắn với trách nhiệm của từng cấp ủy Đảng, người chỉ huy và từng cán bộ, chiến sĩ.
Ở cấp Bộ Tư lệnh, để công tác huấn luyện thực chất, chuyên sâu, với chủ trương “4 xây”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã quan tâm chăm lo xây dựng cơ quan huấn luyện và đội ngũ cán bộ huấn luyện có năng lực để tham mưu toàn diện cho Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh về công tác huấn luyện chiến đấu, giáo dục đào tạo. Còn ở cấp BĐBP tỉnh (thành), “4 xây” tập trung vào nâng cao năng lực của đội ngũ cấp ủy, chỉ huy, kiện toàn đội ngũ cán bộ Ban Tác huấn, hình thành đội ngũ cán bộ giỏi, năng động để lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu đã được gắn chặt với nhiệm vụ tác chiến, quản lý biên giới của các đơn vị; lấy hiệu quả công tác sẵn sàng chiến đấu và quản lý bảo vệ biên giới làm thước đo kết quả huấn luyện.
Bộ Tư lệnh BĐBP xác định: Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn biên phòng, BĐBP còn là một thành phần trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới, là lực lượng đầu tiên nổ súng chiến đấu khi có kẻ thù xâm lược, do đó, BĐBP cần phải được huấn luyện tốt về quân sự quốc phòng, tác chiến phòng thủ, sử dụng thành thạo hỏa lực được trang bị. Để nâng cao chất lượng huấn luyện các nội dung quân sự, đáp ứng yêu cầu là một thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký Quy chế phối hợp với tất cả các quân khu, trong đó xác định rõ quân khu giúp đỡ các đơn vị BĐBP trong địa bàn huấn luyện các nội dung về quân sự.
Bên cạnh đó, thông qua thực tiễn nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và quản lý bảo vệ biên giới để bổ sung nội dung, biện pháp huấn luyện, làm cho huấn luyện ngày càng thiết thực, hỗ trợ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng chi bộ, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Đối với các đơn vị cơ sở gồm: Đồn Biên phòng, hải đội, các tiểu đoàn huấn luyện không có cơ quan quân huấn chuyên trách, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện, duy trì thực hiện nghiêm chế độ huấn luyện theo phân cấp (cấp trên huấn luyện cho cấp dưới, cán bộ huấn luyện cho chiến sĩ, chỉ huy huấn luyện cho đơn vị). Đồng thời, các nội dung huấn luyện ở các đơn vị cơ sở được tổ chức gọn nhẹ, phù hợp với đặc thù hoạt động nhỏ lẻ, phân tán của cán bộ, chiến sĩ.
Cùng với công tác huấn luyện trên thao trường, bãi tập, “4 xây” cũng chú trọng giáo dục truyền thống cho cán bộ chiến sĩ, phổ biến, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, công tác, kinh nghiệm xử lý các tình huống trong bảo vệ biên giới và vận động quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Qua đó, đã tạo dựng được lòng tin, niềm tự hào để cán bộ, chiến sĩ phấn đấu, nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ nói chung, nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu nói riêng.
Cùng với “4 xây”, “4 chống” cũng được triển khai quyết liệt từ cơ quan Bộ Tư lệnh đến Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố và các đồn, hải đội, các tiểu đoàn huấn luyện BĐBP để khắc phục “căn bệnh” không sâu sát, thiếu hiểu biết trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, hay huấn luyện chay, đối phó, không thiết thực, kém hiệu quả, thiếu trách nhiệm trong công tác huấn luyện, “làm dở, báo cáo hay...”. Nhờ thực hiện quyết liệt “4 chống” trong huấn luyện, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã xóa bỏ được những lực cản, sự trì trệ trong công tác huấn luyện chiến đấu, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết 765 của Quân ủy Trung ương đã đặt ra.
Có thể khẳng định, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP trong “4 xây”, “4 chống”, đặc biệt là trong “4 chống” trong thực hiện Nghị quyết 765 của Quân ủy Trung ương, 5 năm qua, công tác huấn luyện của BĐBP được triển khai nghiêm túc, có sự đổi mới với nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả; việc duy trì chế độ huấn luyện đã đi vào nền nếp; cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo, thiếu động bộ trong chỉ đạo, tổ chức huấn luyện. Đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn đã quản lý, chỉ đạo công tác huấn luyện cụ thể, sâu sát, quyết liệt; kết quả huấn luyện luôn gắn liền với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.
Các cơ quan các cấp đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp trên hình thành hệ thống giáo trình, tài liệu, thao trường, bãi tập từng bước chuẩn hóa theo toàn quân và hướng dẫn các đơn vị thực hiện huấn luyện theo chức năng, nhiệm vụ theo hướng lấy kiểm tra thực hành, kiểm tra thực tế là chính, gắn nội dung kiểm tra với chức trách nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ cũng được chú trọng đổi mới với nhiều hình thức đa dạng như (hội thao, hội thi, kiểm tra, phúc tra) bám sát đối tượng huấn luyện và yêu cầu nhiệm vụ, tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ các đơn vị hăng hái sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện.
Hương Mai