Biên phòng - Cuối tháng 7 vừa qua, Hội nghị giao ban về công tác phối hợp phòng, chống tội phạm mua bán người (MBN) năm 2017 do Cục Cảnh sát Hình sự (CSHS), Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an phối hợp với Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) BĐBP tổ chức đã thành công tốt đẹp. Đây là minh chứng cho sự “chung tay” giữa lực lượng chức năng hai bên trong phòng, chống tội phạm MBN và mở ra hướng phối hợp mới, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Muôn kiểu tội phạm MBN
Những năm qua, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, tình hình tội phạm cũng gia tăng và hoạt động ngày càng tinh vi, nhất là tội phạm MBN diễn biến hết sức phức tạp gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
Tội phạm MBN hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu trên các tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc (chiếm 70%), Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia (chiếm 11%), còn lại sang các nước khác như Singapore, Malaysia và các nước châu Âu, châu Phi. Địa bàn trung chuyển là các tỉnh tuyến biên giới Việt - Trung, trọng tâm là biên giới các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai.
Cùng với buôn lậu ma túy và vũ khí, nạn nhân MBN đã trở thành một loại hàng hóa với lợi nhuận cao. Đáng chú ý là việc các đối tượng phạm tội hình thành nhiều đường dây, băng, ổ nhóm sử dụng công nghệ cao, internet, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và có tính liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức tội phạm trong và ngoài nước, đan xen với các loại tội phạm khác như ma túy, cờ bạc, lừa đảo, mại dâm... Bên cạnh đó, bọn tội phạm không chỉ thực hiện mua bán phụ nữ, trẻ em, mà còn mua bán cả đàn ông, trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng...
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, bọn tội phạm MBN hoạt động với nhiều hình thức ngày càng tinh vi. Chúng luôn lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hoàn cảnh kinh tế khó khăn và lòng tham của nạn nhân để dụ dỗ, lôi kéo họ thông qua các hoạt động đi làm việc ở thành phố, vùng biên giới hoặc nước ngoài “lương cao”; kết hôn với người nước ngoài; nhận con nuôi bất hợp pháp; giả vờ yêu đương, rủ đi chơi ở các tỉnh biên giới mua sắm, du lịch… Nhiều nạn nhân bị bán cho các ổ mại dâm ở nước ngoài, bị bóc lột tình dục, lao động, thậm chí đưa đi xuất cảnh trái phép để bán nội tạng. Các cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều vụ chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, trong đó có trẻ sơ sinh ở khu vực giáp biên.
Tình trạng bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán diễn ra hết sức phức tạp tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là Hà Giang và Lai Châu. Lợi dụng địa bàn miền núi phía Bắc hiểm trở, dân cư thưa thớt, những đối tượng trong nước câu kết với đối tượng người Trung Quốc nhằm lúc đêm tối, địa bàn vắng vẻ, đột nhập vào nhà dân, dùng hung khí khống chế, tấn công người lớn để bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em bán qua biên giới, hoặc tổ chức bắt cóc phụ nữ khi đi làm trên nương rẫy, trên đường đi chợ về bán qua biên giới.
Tại các tỉnh phía Nam, tình hình môi giới hôn nhân bất hợp pháp xảy ra phổ biến. Tội phạm MBN trong nước câu kết với các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… để tổ chức xem mặt, chọn vợ, kết hôn giả; lợi dụng khó khăn về kinh tế và sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác của người dân, đưa ra nước ngoài bán làm vợ bất hợp pháp, hoặc bán cho nhà hàng ép làm gái mại dâm.
Bên cạnh đó, tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động thời vụ diễn biến phức tạp và gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Lực lượng BĐBP và Công an đã triệt phá nhiều đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động trái phép, các đường dây cò mồi, môi giới lao động thu tiền của người lao động và tổ chức xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, thu giữ giấy tờ tùy thân để cưỡng ép lao động, hoặc bắt lao động nhưng không trả tiền công, hoặc báo cho cơ quan chức năng nước sở tại kiểm tra, bắt giữ và đẩy đuổi, trục xuất về nước, cướp tiền công của họ.
Ngoài tội phạm MBN hoạt động chuyên nghiệp, còn có các đối tượng từng là nạn nhân bị mua bán, sau đó cũng trở thành đối tượng móc nối lừa gạt phụ nữ, trẻ em bán ra nước ngoài. Qua công tác điều tra, các lực lượng chức năng còn phát hiện thêm thủ đoạn mới nổi lên là các đối tượng ít đưa nạn nhân qua các đường mòn, lối mở như trước mà đi hợp pháp bằng hộ chiếu qua các cửa khẩu với lý do đi du lịch…, sau đó sang Trung Quốc sẽ thu, giữ hộ chiếu để khống chế nạn nhân.
Những thành công từ sự phối hợp
Theo báo cáo tại Hội nghị giao ban về công tác phối hợp phòng, chống tội phạm mua bán người, trong quá trình phối hợp, lực lượng BĐBP và lực lượng CSHS đã bám sát các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự chỉ đạo của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, đặc biệt là Quy chế phối hợp số 1972/QCPH/TCCS-BTLBĐBP ngày 17-6-2016. Qua đó, đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình tội phạm hình sự, tập trung tại các các tuyến, địa bàn trọng điểm, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo các cấp giải quyết các điểm nóng về hình sự tại địa bàn biên giới và nội địa, không để bị động, bất ngờ.
Theo thống kê của các lực lượng BĐBP và CSHS, từ tháng 1-2016 đến tháng 7-2017, đã phát hiện 540 vụ MBN với 768 đối tượng, giải cứu 1.489 nạn nhân (riêng 6 tháng đầu năm 2017, đã phát hiện 157 vụ với 245 đối tượng, giải cứu 361 nạn nhân); khởi tố 341 vụ với 522 đối tượng liên quan đến tội phạm này. Điển hình như Chuyên án 126M giữa Cục CSHS phối hợp với Cục PCMT&TP (Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam) đấu tranh triệt phá đường dây MBN từ Đồng Tháp, Đắk Lắk sang Trung Quốc ép làm gái mại dâm và ép làm vợ bất hợp pháp do đối tượng Phạm Thanh Sang, SN 1986, trú tại 1020/5 ấp Hòa Định, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cầm đầu. Kết quả, bắt 2 đối tượng, giải cứu 9 nạn nhân. Hiện nay, vụ án được chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Tháp tiến hành điều tra mở rộng và thực hiện các hoạt động tố tụng có liên quan.
Trong năm 2017, Cục CSHS phối hợp với Cục PCMT&TP tiến hành điều tra, khám phá Chuyên án QB 125 “Đấu tranh triệt phá đường dây MBN từ Quảng Bình sang Trung Quốc ép làm gái mại dâm và ép làm vợ bất hợp pháp” do đối tượng Ngô Quốc Viện, sinh năm 1986, trú tại Hải Dương cầm đầu. Kết quả, bắt được 2 đối tượng, giải cứu 4 nạn nhân, hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ đề nghị truy tố. Tháng 4 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã xét xử vụ án MBN do Ngô Quốc Viện cầm đầu.
Với những kết quả đã đạt được, qua tổng kết công tác phối hợp giữa lực lượng PCMT &TP ĐBBP và lực lượng CSHS, Tổng cục Cảnh sát trong phòng, chống tội phạm MBN, cho thấy, từ sau khi triển khai thực hiện Quy chế phối hợp đến nay, quan hệ giữa hai lực lượng BĐBP và CSHS ngày càng gắn bó; cơ chế phối hợp ngày càng phát huy hiệu quả, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh, ngăn chặn tội phạm MBN vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.
Thanh Thuận