Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 09/06/2023 02:37 GMT+7

Hiệp định RCEP: Hiện thực hóa kỳ vọng thịnh vượng

Biên phòng - Bước sang năm mới 2022 cũng là thời điểm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực, dỡ bỏ rất nhiều rào cản thương mại để mở ra một thời đại mới với những cơ hội phát triển thịnh vượng mới.

Khu vực cảng Đình Vũ và cảng Tân Vũ, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Thanh Trúc

Thỏa thuận toàn diện, bao trùm

Theo các nhà phân tích thương mại quốc tế, Hiệp định RCEP có hiệu lực là sự kiện mang nhiều ý nghĩa to lớn. Dễ thấy nhất, Hiệp định RCEP góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký kết với từng nước đối tác; tối đa hóa các lợi ích kinh tế; góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19...

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới. Đặc biệt, GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

Nhìn lại hành trình kể từ khi khởi nguồn đến khi bắt đầu có hiệu lực, Hiệp định RCEP đã trải qua 8 năm với 31 vòng đàm phán, 15 cuộc họp của Ủy ban đàm phán thương mại và 19 vòng đàm phán cấp bộ trưởng để tiến đến việc các quốc gia cùng ký kết thỏa thuận. RCEP là một văn kiện dài hơn 14.000 trang với 20 chương, cùng với các phụ lục và lịch trình đã cụ thể hóa “kiềng ba chân” gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử.

RCEP tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các nước ký kết trong vòng 20 năm, đồng thời thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp khi cho phép việc xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia nào ký thỏa thuận mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.

Để có thể mở ra các cơ hội thúc đẩy thương mại và đầu tư, RCEP cũng phải trải qua một hành trình nhiều trắc trở, thách thức. Những vấn đề nổi cộm có thể kể đến như việc một số quốc gia có sự thay đổi chính phủ, kéo theo việc các nhà lãnh đạo mới của đất nước có những ưu tiên khác so với chính quyền tiền nhiệm. Một trong những dấu mốc về thách thức của RCEP là tháng 11-2019, Ấn Độ tuyên bố rút khỏi đàm phán. Trong những tháng tiếp theo, đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện và hoành hành đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và sự tăng trưởng của các nền kinh tế.

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào tháng 11-2020 dưới sự chủ trì của Việt Nam - Chủ tịch ASEAN 2020, RCEP chính thức được ký kết, bước đầu hiện thực hóa những khát vọng thịnh vượng toàn cầu.

Theo giới chuyên gia thương mại quốc tế, RCEP đúng như tên gọi của mình khi không chỉ là một thỏa thuận thương mại đơn thuần, mà còn thực sự là một thỏa thuận toàn diện. Về kinh tế, giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực trong khu vực, thúc đẩy việc tạo thuận lợi cho thương mại và tự do hóa đầu tư, nâng cao trình độ hội nhập kinh tế. Đồng thời thúc đẩy việc khôi phục kinh tế, cũng như sự thịnh vượng lâu dài của khu vực. Song hành với đó, RCEP sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô người tiêu dùng chiếm khoảng 30% dân số thế giới, mang lại thêm 209 tỷ USD hàng năm trong doanh thu toàn cầu và 500 tỷ USD cho thương mại thế giới vào năm 2030.

Mặt khác, RCEP cộng hưởng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ước tính sẽ bù đắp tổn thất kinh tế toàn cầu do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc gây ra. Theo kết quả đánh giá của giới chuyên gia thương mại, 2 hiệp định này sẽ giúp các nền kinh tế của Đông Bắc Á và Đông Nam Á hoạt động hiệu quả hơn, kết nối các thế mạnh về công nghệ, sản xuất, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên.

Trên thực tế trong khoảng 10 năm gần đây, quá trình tự do hóa thuế quan đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể đối với 15 nước thành viên RCEP thông qua một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FDA) rộng khắp. Dẫu vậy, RCEP vẫn có vai trò vô cùng quan trọng khi tiếp tục giảm bớt các hàng rào thuế quan đối với thương mại hàng hóa, thiết lập các quy tắc chất lượng cao hơn cho thương mại dịch vụ, bao gồm các điều khoản tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp lĩnh vực dịch vụ từ các nước thành viên RCEP. Cùng với đó, RCEP cũng sẽ giảm bớt các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên, như thủ tục hải quan và kiểm dịch cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Việt Nam trước cơ hội và thách thức mới

Theo đánh giá của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), khi RCEP chính thức có hiệu lực, ước tính có thể làm tăng thu nhập toàn cầu lên 186 tỷ USD mỗi năm, đến năm 2030 và thêm 0,2% vào nền kinh tế của các quốc gia thành viên.

Theo Bộ Công thương, RCEP có hiệu lực mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Hiệp định này cũng mở rộng cơ hội để Việt Nam và các nước ASEAN trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài. Giới chuyên gia thương mại cũng cho rằng, hiệp định này sẽ góp phần hữu hiệu tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Việt Nam lâu nay thường được đánh giá là một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Việt Nam cũng đang nỗ lực xây dựng nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để đón đầu dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển. Điều này làm rộng mở hơn các cơ hội tăng tốc thu hút đầu tư từ các nước thành viên RCEP.

Cũng theo Bộ Công thương, việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử..., tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực. Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...

Đánh giá từ giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, RCEP cũng sẽ mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp Việt còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Cam kết trong RCEP cũng sẽ làm giảm thuế quan của nhiều nước trong khối đối với hàng hóa Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn từ Trung Quốc. Một số ngành sẽ bị ảnh hưởng bởi việc giảm thuế quan này. Hiện nay, kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên cũng sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO