Biên phòng - Tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị, con đường đến trường học tập còn rất gian truân đối với nhiều trẻ em. Để sẻ chia bớt khó khăn với các gia đình nghèo và động viên con trẻ đến trường học tập, các đơn vị BĐBP Quảng Trị đã đồng loạt triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”.
Nhờ đó, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã có điều kiện đến trường, vươn lên trong học tập. Nói về ý nghĩa và hiệu quả của chương trình và mô hình đầy tính nhân văn này, đồng chí Nguyễn Sĩ Huấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã chia sẻ với phóng viên Báo Biên phòng:
- Đakrông là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Trị, có đường biên giới đất liền dài 52,707km tiếp giáp với tỉnh Salavan của nước bạn Lào; có 5 xã biên giới với 35 thôn (bản) là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô... Trong những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Quảng Trị với nhiều chủ trương, chính sách, dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở nên đời sống của nhân dân khu vực biên giới nơi đây từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn mới có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, hiện nay, tại các xã biên giới của huyện, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, mặt bằng dân trí còn thấp, hoàn cảnh nhiều gia đình còn khó khăn đã ảnh hưởng lớn trong việc đến trường học tập của một số em nhỏ. Bằng sự nỗ lực, cố gắng của ngành giáo dục, sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo, tinh thần hiếu học của các em học sinh nên việc huy động học sinh đến trường của huyện Đakrông đạt tỷ lệ khá cao (mẫu giáo: 97,5%, tiểu học: 99,85%, trung học cơ sở: 94%). Hệ thống giáo dục các cấp học đáp ứng nhu cầu học tập của con em, trường lớp, cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo cho việc dạy và học; nhận thức về việc học tập của con trẻ trong phụ huynh được nâng lên, đồng thời tạo được phong trào học tập sâu rộng trong quần chúng nhân dân.
Trong khi đó, một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học tập, cùng với những khó khăn, thiếu thốn về vật chất và quan niệm chưa thật sự tiến bộ nên các bậc phụ huynh còn thiếu sự quan tâm đến việc học tập của con cái. Mặc dù các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, đội ngũ làm công tác giáo dục đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng chưa huy động tối đa học sinh đến trường và tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học vẫn còn diễn ra.
- Là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo của một huyện miền núi biên giới còn gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, trong đó có công tác giáo dục, đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả của Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” do các đồn Biên phòng triển khai thời gian qua?
- Phải nói rằng, Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” do cán bộ, chiến sĩ ở các đồn Biên phòng triển khai thực hiện là chương trình, mô hình hết sức có ý nghĩa, có giá trị nhân văn, thể hiện hình ảnh đậm nét về tình quân dân nơi biên giới. Qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và 3 năm thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” đã đem lại kết quả thiết thực, giúp nhiều học sinh nghèo vùng cao biên giới đang gặp khó khăn trong cuộc sống có thêm điều kiện tới trường.
Hiện nay, trên địa bàn 5 xã biên giới của huyện Đakrông, các đồn Biên phòng: Cửa khẩu quốc tế La Lay, Ba Nang, A Vao đang nhận nuôi 11 em theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” và nhận hỗ trợ 13 em theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng, thời gian hỗ trợ đến khi các em học hết lớp 12. Cùng với đó, các đồn Biên phòng còn thường xuyên hỗ trợ các em về áo quần, đồ dùng học tập, sách vở, xe đạp... giúp các em có điều kiện tốt hơn để đến trường. Điều đáng trân trọng hơn nữa là số tiền dành cho việc thực hiện chương trình được trích từ tiền lương và quỹ tăng gia sản xuất của cán bộ, chiến sĩ, vì thế, lại càng mang nhiều ý nghĩa hơn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của BĐBP đối với các em học sinh nơi biên giới; giúp các em có thêm động lực, niềm tin vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong học tập.
Qua nắm bắt và báo cáo của các trường có các em học sinh được các đồn Biên phòng nhận đỡ đầu, nhận nuôi dưỡng đều có kết quả học tập khá tốt, nhiều em cố gắng vươn lên trong học tập, đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi. Một số em được các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nhận đỡ đầu, trực tiếp nuôi dưỡng, thời gian đầu mới đến trường còn nhiều bỡ ngỡ, học lực kém, thậm chí có em đã lớn tuổi đọc, viết còn yếu thì nay các em đã tiến bộ rất nhiều.
Không chỉ đơn thuần nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng các em học tốt, các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng còn thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, nhà trường trong quản lý, giáo dục, rèn luyện, giúp đỡ các em ngày càng chăm ngoan, học giỏi, tiến bộ và trưởng thành.
- Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Đồng chí kỳ vọng thế nào về chương trình mang tính nhân văn sâu sắc này?
- Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về “xây dựng xã hội học tập”, cũng như Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của huyện Đakrông. Chương trình và mô hình này cũng đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của những người chiến sĩ mang quân hàm xanh trong việc chung tay, góp sức với chính quyền địa phương, ngành giáo dục nhằm phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn còn có những hạn chế nhất định về trình độ dân trí.
Mong rằng, Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” sẽ tiếp tục được duy trì thực hiện và nhân rộng giúp cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thêm cơ hội vươn lên trong học tập, hiện thực hóa ước mơ được tới trường học tập để vun đắp tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ trẻ.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thành Phú (thực hiện)