Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:25 GMT+7

“Hiến kế” đưa Luật Biên phòng Việt Nam sớm đi vào cuộc sống

Biên phòng - Vừa qua, Đoàn khảo sát số 2 của Bộ Quốc phòng do Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP, Phó ban Thường trực Ban soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam làm trưởng đoàn đã có các buổi làm việc, lấy ý kiến, khảo sát thực tế phục vụ xây dựng Nghị định này. Những ý kiến đóng góp được đúc rút từ thực tiễn công tác sẽ góp phần xây dựng Nghị định hoàn chỉnh, thống nhất giúp thực thi Luật Biên phòng Việt Nam hiệu quả.

Đại diện Hải quan thành phố Đà Nẵng đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Trúc Hà

Qua 2 ngày làm việc, Đoàn khảo sát của Bộ Quốc phòng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam. Hầu hết ý kiến bày tỏ thống nhất với các nội dung của dự thảo Nghị định và cho rằng, với bố cục 5 chương, 31 điều là hợp lý, khoa học và chặt chẽ. Về nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể, chi tiết một số điều của Luật Biên phòng Việt Nam làm cơ sở để thực thi nhiệm vụ biên phòng đạt hiệu quả cao nhất, tuy nhiên, vẫn cần chỉnh sửa và bổ sung cho sát với thực tế công tác. Đại diện Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự, UBND các quận Sơn Trà, Hải Châu... và đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố Đà Nẵng đã có những đóng góp thiết thực, xác đáng, tập trung làm rõ về vấn đề phối hợp giữa các bên đối với lực lượng BĐBP; về hệ thống tổ chức của BĐBP; kiến nghị về chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với BĐBP cũng như quyền hạn, tổ chức, cơ chế phối hợp hoạt động của lực lượng BĐBP... Và theo các đại biểu thì những điều đó cần “luật hóa” trong Nghị định.

Đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng cho rằng, nên đưa Thông tư 175/2013/TT-BQP về quy định quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự và Nghị định 02/NĐ-CP ngày 5-9-2013 về phòng thủ dân sự (nội dung Chỉ huy trưởng BĐBP các tỉnh, thành là ủy viên của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự) vào Tờ trình của Bộ Quốc phòng (phần cơ sở thực tiễn) vì liên quan đến trách nhiệm của BĐBP (Điều 3, dự thảo Nghị định) để làm rõ thêm nhiệm vụ của BĐBP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay, hệ thống giám sát hành trình tàu đánh bắt xa bờ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nên “cấp quyền” cho BĐBP để nâng cao hiệu quả giám sát, bởi BĐBP có hệ thống liên lạc với các chủ phương tiện, khi phát hiện tàu cá vi phạm có thể ngay lập tức liên lạc, nhắc nhở... Và việc này nên được thể hiện trong Nghị định.

Đặc biệt, nhiều đại biểu có chung ý kiến về chế độ chính sách đối với BĐBP. Theo đó, từ Pháp lệnh BĐBP đến Luật Biên phòng Việt Nam đã có những bước phát triển nhưng cần phải cụ thể hơn. Đại diện Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng cho rằng, Điều 27 của Nghị định nên thay vì dùng từ “cấp đất” mà dùng từ “giao” thông qua đấu giá hoặc tùy từng khu vực, mức độ cụ thể mà có thể “miễn, giảm” và trình luôn Chính phủ quy định ngay trong Nghị định, không đợi Bộ Tài chính phê duyệt. Khi Chính phủ đã quy định, địa phương căn cứ vào đó thực hiện thay vì “chờ đợi”. Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cũng cho rằng, chính sách cho lực lượng phòng chống tội phạm của BĐBP phải tương ứng với lực lượng của Công an thì mới đồng bộ và phải cụ thể ngay trong Nghị định thay vì giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Dự thảo Nghị định nêu, cán bộ BĐBP phải có 20 năm công tác mới nhận được Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc” là quá dài. Theo ông Nam, cần rút ngắn thời gian, có thế thì mới thể hiện được tính ưu việt, đổi mới của Luật Biên phòng Việt Nam so với Pháp lệnh BĐBP.

Đoàn khảo sát cũng nhận được nhiều ý kiến từ những người lính Biên phòng trực tiếp làm nhiệm vụ để thấy cần có những điều chỉnh, bổ sung. Hiện nay, ở Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố, chỉ có Đội Đặc nhiệm của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm và cán bộ Đội Phòng chống ma túy và tội phạm ở các đồn Biên phòng mới được hưởng 15% tiền phụ cấp đặc thù. Tuy nhiên, trong thực tế, cán bộ điều tra, chỉ huy phòng vẫn trực tiếp tham gia nhiệm vụ nhưng lại không được hưởng chế độ phụ cấp. Bên cạnh đó, lực lượng Trinh sát cũng là lực lượng gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nhưng lại không được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù.

Ngoài ra, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được thực tiễn công tác. Lực lượng phòng chống tội phạm khi bắt tội phạm đối diện với nhiều nguy cơ, nguy hiểm như đối tượng bị HIV, các bệnh truyền nhiễm nhưng chỉ di chuyển bằng xe máy, xe ô tô mà chưa có xe chuyên dụng. Chính quyền thành phố Đà Nẵng từng nhất trí cấp kinh phí, nhưng việc cấp phép cho các xe chuyên dụng lại thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng nên cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Đoàn khảo sát của Bộ Quốc phòng đi khảo sát thực tế tại cảng Tiên Sa. Ảnh: Trúc Hà

Thiếu tá Phạm Đình Ân, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Tiên Sa, BĐBP thành phố Đà Nẵng cũng cho rằng, đơn vị có nhiệm vụ đón, tiễn và làm quy trình thủ tục cho các tàu nước ngoài nhưng phương tiện chưa xứng tầm đối ngoại. Cũng là ý kiến đóng góp về trang bị, phương tiện cho BĐBP, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết thêm: “Sơn Trà là địa phương có nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ. Mỗi khi xảy ra tai nạn trên biển, cần cứu hộ, cứu nạn, các phương tiện của BĐBP thành phố Đà Nẵng hoạt động rất khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện sóng gió cấp 8, cấp 9. Vậy khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, truy bắt tội phạm trên biển, phát hiện tàu nước ngoài vi phạm thì phương tiện của BĐBP có thể đáp ứng được trong điều kiện thời tiết khó khăn hay không?”.

Thiếu tướng Lê Văn Phúc cảm ơn và ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại diện các sở, ngành, địa phương của thành phố Đà Nẵng, đồng thời nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp cho việc xây dựng Nghị định tại hội nghị là những ý kiến quan trọng giúp đoàn khảo sát bổ sung vào xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, đoàn khảo sát sẽ tổng hợp, trình Ban soạn thảo để phục vụ công tác chỉnh lý, bổ sung, từng bước hoàn thiện dự thảo Nghị định để báo cáo Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan thẩm định, sau đó trình Chính phủ xem xét ban hành.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO