Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 10/06/2023 01:17 GMT+7

Hiến đất cho BĐBP để làm việc có ích cho nhân dân

Biên phòng - Mặc dù cuộc sống không dư dả, thế nhưng 2 gia đình người Vân Kiều ở thôn Xà Đưng (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã tự nguyện hiến 2.600m2 đất cho Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị làm nhà công tác địa bàn và thư viện biên giới. Trong khó khăn, gian khổ, sự gắn bó mật thiết quân-dân luôn là bài ca tươi đẹp nhất ở nơi biên cương Tổ quốc.

Bà Hồ Thị Thanh và cậu ruột ông Hồ Văn Vỹ trong ngày khởi công nhà công tác địa bàn và phòng đọc biên giới của Đồn Biên phòng Hướng Lập. Ảnh: Hoàng Xuân Biên

Những tấm lòng vàng

Sau trận lũ lịch sử năm 2020, trong số các mạnh thường quân đến thăm, tặng quà hỗ trợ cho người dân ở xã Hướng Lập, Hướng Việt (huyện Hướng Hóa) có anh Lê Văn Khôi (trú tại tỉnh Nghệ An). Thấy những người lính Biên phòng, đồng bào Vân Kiều vất vả, anh Khôi có nhã ý tặng Đồn Biên phòng Hướng Lập một khoản tiền xây dựng nhà công tác địa bàn kiêm phòng khám quân y để chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân.

Nhóm thiện nguyện Chia sẻ-Sharing (do bà Mai Thị Hạnh, phu nhân của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm chủ nhiệm) cũng “góp” 150 triệu đồng để dựng căn nhà truyền thống của đồng bào Vân Kiều làm phòng đọc biên giới. Người dân, đặc biệt là trẻ em, thanh niên có thể đến đây để đọc sách. Phòng đọc trang bị máy tính có kết nối mạng internet cho mọi người tra cứu thông tin. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập cũng nhất trí đóng góp ngày lương và công xây dựng để có thể xây nhà, làm thư viện to, đẹp hơn.

Để hiện thực hóa chủ trương này, một khó khăn đặt ra là lựa chọn vị trí để xây nhà công tác địa bàn và phòng đọc biên giới. Theo Trung tá Nguyễn Công Trình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập, hiện tại, đơn vị đang duy trì tổ công tác địa bàn Trăng Tà Puồng (tại thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Hóa). Tuy nhiên, nhà địa bàn được xây ở vị trí cao, đã nhiều lần bị sét đánh khi trời mưa, rồi không có nguồn nước, bộ đội phải chở từng can nước về dùng. Bên cạnh đó, ở vị trí này, sóng điện thoại rất yếu, muốn nghe, gọi phải đi ra sân hoặc chạy xuống đường Hồ Chí Minh. Điều này gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng.

Qua khảo sát, tại thôn Xà Đưng có đất rẫy nhà ông Hồ Viết Lờ và ông Hồ Văn Vỹ bằng phẳng, có nguồn nước và đặc biệt là ngay mặt đường Hồ Chí Minh. Nghe thông tin về việc làm ý nghĩa của Đồn Biên phòng Hướng Lập, gia đình 2 ông Hồ Viết Lờ và Hồ Văn Vỹ đã nhất trí hiến tổng diện tích 2.600m2 đất cho đơn vị xây dựng nhà công tác địa bàn và thư viện biên giới, được UBND xã Hướng Việt chứng thực.

Trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập cho biết: “Sau khi xây dựng xong, tổ công tác tại thôn Trăng Tà Puồng chuyển về vị trí mới sẽ rất thuận lợi trong quản lý địa bàn. Với sự đồng hành, hỗ trợ của người dân và các tổ chức thiện nguyện, chúng tôi sẽ cố gắng cống hiến, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân”.

Những điều lớn lao

Tìm hiểu về hoàn cảnh của 2 gia đình hiến đất cho Đồn Biên phòng Hướng Lập càng thấy giá trị của việc làm này. Vì thiếu đất canh tác nên năm 1997, vợ chồng ông Hồ Viết Lờ, bà Hồ Thị Tuyết di cư từ bản Sê Pu (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa) sang thôn Xà Đưng (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa). Cùng đợt di dân năm ấy, có vợ chồng ông Hồ Văn Vỹ, bà Hồ Thị Thanh.

Ngoài diện tích ruộng được cấp, để có thêm thu nhập, những lúc rảnh rỗi, gia đình ông Hồ Viết Lờ và ông Hồ Văn Vỹ chủ động khai hoang làm rẫy trồng ngô, sắn, bời lời. Diện tích đất được khai hoang, ngay trục đường Hồ Chí Minh nhánh Tây chạy qua địa phận thôn Xà Đưng được chính quyền địa phương cấp giấy quyền sử dụng đất.

Đại tá Đinh Xuân Hùng thăm ông Hồ Viết Lờ. Ảnh: Hoàng Xuân Biên

Thực ra, cũng như nhiều gia đình khác, cuộc sống chỉ phụ thuộc vào diện tích lúa nước ít ỏi và rẫy thì còn nhiều gian truân. Trận lũ lịch sử cuối năm 2020 khiến ruộng nhà ông Hồ Viết Lờ, ông Hồ Văn Vỹ bị vùi lấp gần hết, bởi vậy mà 1 mét đất canh tác cũng vô cùng giá trị. Cuộc sống khó khăn, các con của hai ông phải gửi cháu cho ông bà nuôi để vào miền Nam làm công nhân. Bởi vậy mà chưa khi nào, gia đình ông Hồ Viết Lờ, ông Hồ Văn Vỹ được coi là gia đình khá giả. Thế nên, việc 2 “hộ nghèo” này hiến 2.600m2 đất khiến nhiều người bất ngờ đến nể phục.

Sau khi đồng ý hiến đất cho Đồn Biên phòng Hướng Lập, ông Hồ Văn Vỹ không may qua đời vì bệnh nặng. Cũng có vài người nói ra, nói vào với bà Thanh, nào là chồng đã mất, cần phải giữ tài sản cho bản thân, cho con cháu. Thế nhưng, bà Thanh nghĩ, điều mọi người nói không phải không có lí, nhưng đó là tâm nguyện của vợ chồng bà. Tấm lòng của BĐBP đối với dân thế nào, ai cũng hiểu, nhất là trong khó khăn, thiên tai, hoạn nạn.

Năm 2020,Thiếu tá Lê Văn Dùy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt cũng vì đi cứu người dân trong lũ dữ mà bị thương. Sau lũ, chính những người lính Biên phòng đã kêu gọi mạnh thường quân, cùng chính quyền địa phương lo cái ăn, cái mặc, cây, con giống, làm nhà cho bà con. Bởi vậy, việc hiến đất vẫn phải tiếp tục vì để đáp nghĩa với người lính Biên phòng và đây cũng là ý nguyện của người chồng trước khi mất.

Ngày 5/6/2022, Đồn Biên phòng Hướng Lập và các nhà tài trợ đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà công tác địa bàn và phòng đọc biên giới ở thôn Xà Đưng. Đúng ngày khởi công, Đại tá Đinh Xuân Hùng, Chính ủy BĐBP Quảng Trị đã trân trọng nói lời cảm ơn những nhà tài trợ, đặc biệt là gia đình ông Hồ Viết Lờ, gia đình bà Hồ Thị Thanh. Người lính Biên phòng thực hiện nhiệm vụ trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng được nhân dân che chở, đùm bọc thì khó khăn nào cũng vượt qua.

Đáp lại lời của Đại tá Đinh Xuân Hùng, bà Hồ Thị Thanh đã nói: “Các anh Biên phòng lấy đất để xây phòng khám chữa bệnh cho bà con, làm thư viện cho lũ trẻ. Tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập đối với người dân trên địa bàn ai cũng biết. Thế nên, tôi nghĩ rằng, không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình khác cũng luôn ủng hộ việc làm của BĐBP”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO