Biên phòng - Cùng với tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19, tình trạng thông tin thất thiệt xung quanh dịch bệnh này cũng được lan truyền một cách rộng rãi trên mạng xã hội. Hành vi trên góp phần làm gia tăng tâm lý sợ hãi, hoang mang cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Chỉ liên quan đến tin đồn thất thiệt về bệnh nhân số 17 ở Hà Nội nhiễm Covid-19, các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố Hà Nội đã lập biên bản xử lý 23 trường hợp. Cũng liên quan đến đưa thông tin dịch bệnh không chính xác trên mạng xã hội, thời gian qua, hàng chục cá nhân đã bị cơ quan chức năng xử lý. Điển hình như ngày 6-3, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau xử phạt hành chính Đoàn Văn Đợi (28 tuổi, ngụ huyện Trần Văn Thời) 12,5 triệu đồng và Phan Ngọc Thía (29 tuổi, ngụ huyện Thới Bình) 10 triệu đồng vì cung cấp thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận: “Hiện tại, bệnh viện lớn Cà Mau đã phát hiện 2 ca nhiễm virus Corona và đang cách ly"...
Hiện, Việt Nam có gần 60 triệu người dùng mạng xã hội và trung bình người Việt Nam “tiêu tốn” khoảng 2,5 giờ trên mạng xã hội mỗi ngày. Lợi ích mà mạng xã hội mang lại giúp chúng ta nắm bắt thông tin nhanh nhạy hơn, kết nối được mọi người và cộng đồng. Đó cũng là phương tiện truyền thông, kinh doanh, tương tác rất hiệu quả.
Tuy nhiên, thời gian qua, người dùng mạng xã hội đang bị gây nhiễu loạn và hoang mang vì tin giả, nhất là trong thời điểm dịch bệnh. Lợi dụng khả năng ẩn danh trên mạng xã hội, một số người không ngần ngại đăng tải thông tin bịa đặt, ác ý về tình hình dịch bệnh. Có người đơn thuần chỉ lợi dụng sự nhẹ dạ của nhiều người đã phao tin nhảm, nhằm câu like, view, nhưng nhiều kẻ lại sử dụng những thông tin chưa kiểm chứng, thậm chí độc hại như là một phương tiện lý tưởng để kiếm tiền, để bán hàng...
Điều đáng lo là những tin tức chưa kiểm chứng gây hoang mang, khiếp hãi trong dân chúng thì lại càng được lan truyền, chia sẻ nhanh trên một diện rất rộng. Các tin thất thiệt còn có khả năng tạo các tâm lý phản đối, mâu thuẫn trong xã hội, khiến người dân không tin tưởng vào các cơ quan chức năng, chính quyền.
Các chuyên gia cho rằng, việc xuất hiện tin giả trên mạng xã hội cũng tương tự như sự lây lan của virus, bởi nó sẽ tác động trực tiếp đến “sức đề kháng” của người dùng. Sự sợ hãi căn bệnh này sẽ nghiêm trọng hơn bản thân loại virus Corona. Làm thế nào để ổn định lòng người và giữ cho họ bình tĩnh, đã trở thành một trọng điểm khác của việc phòng chống dịch bệnh.
Việc những cá nhân đưa những thông tin không chính xác không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm xã hội, mà còn vi phạm quy định của pháp luật. Hiện, mức xử phạt hành vi cung cấp thông tin sai sự thật dao động từ 20-30 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm và 10-15 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm. Từ ngày 1-4-2020, cá nhân có hành vi đưa tin sai sự thật, xuyên tạc gây ra hậu quả sẽ bị phạt tiền 20-30 triệu đồng.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng mức phạt đối với một số hành vi tung tin thất thiệt chưa đủ sức răn đe nên số vụ vi phạm pháp luật trên không gian mạng thời gian qua diễn ra tràn lan, khó kiểm soát. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần mạnh tay áp dụng các chế tài xử lý tin giả theo quy định của Bộ luật Hình sự và Luật An ninh mạng đối với những hành vi gây nguy hại đến đời sống chính trị, xã hội.
Mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích cho người dùng, nhưng nó cũng có thể trở thành con dao 2 lưỡi nếu như người sử dụng mạng xã hội không tỉnh táo và nắm rõ các quy định của pháp luật về mạng xã hội.
Bởi vậy, mỗi cá nhân cần thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội với những tin tức mà mình đăng tải, chia sẻ, có bộ lọc thật tốt để phát hiện tin giả, đặc biệt, không tự biến mình trở thành người lan truyền tin giả trong cộng đồng.
Thanh Thảo