Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:35 GMT+7

Hiểm họa có thể ngăn chặn

Biên phòng - Liên tiếp những vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng xảy ra trên các công trường xây dựng thời gian qua cho thấy tình trạng mất an toàn, đe dọa tính mạng của người lao động đang hết sức đáng báo động.

Tình trạng mất an toàn, đe dọa tính mạng của người lao động đang hết sức đáng báo động. Ảnh minh họa

Dư luận vẫn còn bàng hoàng và bức xúc trước vụ sập tường rào tại công trình đang xây dựng tại khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) vào ngày 14-5, khiến 10 người tử vong và 14 người bị thương. Chỉ sau đó 10 ngày, nhiều người lại chứng kiến vụ TNLĐ thương tâm trên công trình xây dựng thủy điện Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cướp đi sinh mạng 3 công nhân và làm 3 người khác bị thương...

Các vụ tai nạn trên được xác định do chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm các quy định về an toàn lao động, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải kịp thời kiểm soát, bịt những lỗ hổng trong quy định, quản lý và thực thi an toàn cho người lao động.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019, số vụ TNLĐ chết người giảm 6%, nhưng cả nước vẫn để xảy ra 8.150 vụ TNLĐ, làm 8.327 người bị nạn, trong đó có 927 người chết. Đáng chú ý là TNLĐ xảy ra nhiều nhất trong lĩnh vực xây dựng (chiếm hơn 33%), xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp.

Song, đó vẫn là bề nổi của tảng băng chìm, bởi nhiều vụ tai nạn bị chủ công trình, chủ thầu giấu giếm, cơ quan chức năng không thống kê được. Nhiều vụ TNLĐ gây hậu quả nghiêm trọng, người sử dụng lao động đã tự thỏa thuận bồi thường với gia đình nạn nhân, không báo cho cơ quan chức năng theo quy định.

Trong báo cáo của ngành lao động cũng chỉ rõ, 46% số vụ TNLĐ do lỗi của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, nguyên nhân từ phía người lao động cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ với các lỗi phổ biến như: Không thực hiện quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm 14,6%); không có thiết bị bảo đảm an toàn (chiếm 10%); không qua huấn luyện an toàn lao động (chiếm 12,31%)...

Vấn đề này khiến dư luận không khỏi băn khoăn về hiệu lực thi hành của hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật quy định khá đầy đủ, cụ thể về bảo đảm an toàn lao động, nhất là trong thi công xây dựng công trình và sử dụng máy móc, thiết bị thi công.

Con số TNLĐ do ngã chiếm 55%, 24% bị điện giật, 10% do sập đổ thiết bị trên công trình, 10% liên quan đến phương tiện bảo vệ cá nhân..., chỉ ra một thực tế, người sử dụng lao động chưa đầu tư thích đáng cho bảo hộ lao động, không thực hiện nghiêm túc quy định về đảm bảo an toàn cho người lao động...

Trong khi đó, 80% lực lượng lao động ở nước ta chưa qua đào tạo chuyên môn, thiếu thành thục trong sử dụng máy móc thiết bị và cường độ làm việc công nghiệp. Đặc biệt, một bộ phận lớn người lao động thiếu ý thức chấp hành kỷ luật lao động, tùy tiện về giờ giấc và hành vi.

Các chuyên gia lao động cảnh báo, TNLĐ rất khó kiềm chế nếu người lao động còn chưa được trang bị những kiến thức cần thiết và chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lao động trong quá trình làm việc.

Hiểm họa từ TNLĐ có thể ngăn chặn khi có sự vào cuộc và hưởng ứng tích cực từ nhiều phía. Trong đó, ngành lao động cần tập trung thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền để tạo nên ý thức thường trực và sâu rộng về an toàn, vệ sinh lao động trong toàn xã hội.

Chính quyền các cấp và ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực an toàn lao động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đây là một trong những giải pháp căn cơ nhất để ngành chức năng hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp, người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn một cách khoa học, đúng trình tự của pháp luật lao động.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO