Biên phòng - Việc một học sinh 16 tuổi ở Đà Nẵng nhập viện cấp cứu sau khi bị ngộ độc tinh dầu thuốc lá điện tử đã một lần nữa đánh động dư luận xã hội về mối nguy hiểm của các loại thuốc lá thế hệ mới.
Thực tế, vài năm trở lại đây, thuốc lá thế hệ mới gồm: thuốc lá điện tử (vape, pod), thuốc lá nung nóng được giới trẻ Việt Nam ưu chuộng nhờ thiết kế sản phẩm hiện đại, bắt mắt, đa dạng kiểu dáng, cùng nhiều hương vị khác nhau.
Ngoài ra, giới trẻ bị cuốn theo trào lưu hút thuốc lá điện tử khi tin theo thông tin sai lệch: sản phẩm này ít gây hại sức khỏe, sử dụng thuốc lá điện tử có hiệu quả trong việc cai thuốc lá điếu. Kết quả điều tra cho thấy, đến năm 2020, riêng lứa tuổi từ 13-17 sử dụng thuốc lá điện tử đã chiếm 2,6%.
Tuy nhiên, thuốc lá thế hệ mới hoạt động theo cơ chế làm nóng dung dịch lỏng (chất lỏng điện tử) tạo ra sol khí cho người dùng hít vào. Dung dịch trong thuốc lá điện tử có chứa nicotine, chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật... là các chất gây nghiện, gây hại đến sức khỏe người hút và người hít phải khói.
Các nghiên cứu Bộ Y tế đã chứng minh, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có tác hại không thua kém thuốc lá truyền thống. Nếu sử dụng lâu dài, người nghiện dạng thuốc lá này sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh phổi, tổn thương phổi, mắc ung thư. Trong số 40.000 ca tử vong do các nguyên nhân từ thuốc lá tại Việt Nam hằng năm có nhiều bệnh nhân hút thuốc lá thế hệ mới.
Đáng lo ngại là không chỉ nhận thức sai lệch về sự nguy hiểm của thuốc lá điện tử, mặt hàng này còn dễ dàng đặt mua qua hàng nghìn cửa hàng chuyên kinh doanh online trên các trang mạng xã hội.
Mặt khác, các quy định cấm hút thuốc lá không chế tài được thuốc lá điện tử, vốn chỉ sử dụng các loại tinh dầu. Bởi, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 định nghĩa: thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác.
Thế nên, nhiều trẻ vị thành niên công khai sử dụng thuốc là điện tử, nhiều người thoải mái hút thuốc lá điện tử ở nơi công cộng vì không lo ngại bị xử lý.
Trước tình trạng gia tăng và trẻ hóa đối tượng hút thuốc lá ở thanh thiếu niên, từ năm 2020 đến nay, Bộ Y tế liên tục đề nghị cơ quan chức năng liên quan cần cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với thuốc lá điện tử. Đối với thuốc lá nung nóng, Bộ Y tế đề xuất phải được quản lý như thuốc lá truyền thống.
Thế nhưng, đến thời điểm này, câu chuyện nên cấm hay nên quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng vẫn chưa có câu trả lời chính thức.
Khoảng trống các quy định liên quan đến thuốc lá điện tử đang tạo điều kiện cho các sản phẩm này bị “thả nổi” trên thị trường. Các mặt hàng thuốc lá thế hệ mới chủ yếu được nhập khẩu theo con đường không chính thống, nguồn gốc không rõ ràng, chưa được cơ quan nhà nước kiểm soát, nên nguy cơ mất an toàn, gây hại cho sức khỏe người sử dụng rất cao.
Chỉ khi có chế tài pháp luật và hàng rào kỹ thuật đầy đủ, các cơ quan chức năng mới quản lý, xử lý, ngăn chặn hiệu quả các sản phẩm này, nhất là việc kiểm soát, xử phạt những hành vi quảng cáo, buôn bán trái quy định đang tràn lan trên không gian mạng.
Theo các chuyên gia pháp luật, trước mắt, thuốc lá điện tử phải được điều chỉnh bởi các quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Điển hình như xử phạt việc kinh doanh buôn bán thuốc lá điện tử mà không có giấy phép kinh doanh, xử phạt hành vi bán hoặc cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với người sử dụng thuốc lá tại nơi công cộng.
Với sự độc hại, gây nhiều hệ lụy cho người sử dụng, dư luận mong muốn, Nhà nước sớm đưa thuốc lá điện tử vào danh mục cấm.
Hoàng Lâm