Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 29/09/2023 07:19 GMT+7

Hết lòng vì học sinh nghèo vượt khó

Biên phòng - Trong những câu chuyện về Đại úy Nguyễn Văn Bằng, Trợ lý quần chúng, Phòng Chính trị, Trường Trung cấp 24 Biên phòng, phần nhiều đều gắn liền với học sinh nghèo vượt khó. Từ việc bỏ tiền túi ra đóng góp hay vận động người thân, bạn bè cùng chung tay, chàng sĩ quan trẻ luôn cố gắng mang những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em vốn thiệt thòi. Với tình thương và trách nhiệm, Đại úy Nguyễn Văn Bằng luôn đồng hành cùng các em mở cánh cửa mới để bước tiếp trên con đường tới trường.

0512_16
Đại úy Nguyễn Văn Bằng cùng em Lê Thị Phương Hướng và bác gái của em. Ảnh: N.V.B

Đã mấy tháng nay, cứ vào tối thứ 3 hàng tuần, Đại úy Nguyễn Văn Bằng lại đi 10 cây số để dạy kèm cho cô học trò nhỏ Lê Thị Phương Hướng, ở thôn Bằng Tạ, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội. Phương Hướng là một trong 2 học sinh được Phòng Chính trị, Trường Trung cấp 24 Biên phòng nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Thực ra, chỉ huy không giao nhiệm vụ cho Đại úy Nguyễn Văn Bằng đến kèm Phương Hướng học bài mà do anh đề xuất. Khi được giao phụ trách công tác quần chúng, anh chủ động gặp gỡ, thăm hỏi 2 học sinh của Phòng Chính trị đỡ đầu để 2 em thật sự là “con nuôi” đúng như ý nghĩa của chương trình. Ngay lần đầu đến thăm Phương Hướng, Đại úy Nguyễn Văn Bằng đã rất thương cô học trò nhỏ. Mẹ và bố em lần lượt mất vì ung thư khi em mới học lớp 2. Nhà có 2 anh em, Phương Hướng về ở với bác gái, còn anh trai về ở với chú họ. Nói vậy đủ để hiểu được những thiệt thòi mà em đã, đang trải qua. 

Đại úy Nguyễn Văn Bằng đã đề xuất với chỉ huy Phòng Chính trị cho phép hàng tuần đến kèm Phương Hướng học tập, bởi em còn nhỏ, không có người kèm cặp nên chỉ đạt học lực trung bình. Mỗi lần tới, anh dành thời gian hướng dẫn Phương Hướng viết chữ cho đẹp hơn và đúng chính tả, cùng làm lại cho nhuần nhuyễn những bài toán trong sách giáo khoa, rồi 2 chú cháu cùng nhau học thuộc bài thoại tiếng Anh. Phương Hướng đang học lớp 5, kiến thức nhiều, chuẩn bị chuyển cấp, bởi vậy nếu thứ 7, Chủ nhật không phải trực hay về thăm nhà, Đại úy Nguyễn Văn Bằng lại đến kèm thêm cho Phương Hướng 1 buổi. Anh cũng đã chủ động liên hệ với thầy Nên, giáo viên chủ nhiệm của Phương Hướng nhờ quan tâm hơn tới cô học trò nhỏ có hoàn cảnh rất đặc biệt này. Trước tình cảm và sự quan tâm của người lính biên phòng, thầy Nên đã yêu cầu các bạn trong lớp chia sẻ, giúp đỡ Phương Hướng để em luôn được sống trong sự yêu thương của bạn bè. Năm học 2019-2020, Phương Hướng đã có những tiến bộ rõ nét trong các môn học. Các thầy, cô giáo dạy Toán, tiếng Việt, Anh văn dành nhiều lời khen Phương Hướng vì sự chăm ngoan cũng như những cố gắng trong học tập. 

Bà Lê Thị Tuyến, là bác ruột, đang nuôi dưỡng Phương Hướng là người phụ nữ thuần nông, chất phác và thật thà. Khi nói về cán bộ Trường Trung cấp 24 Biên phòng, bà không giấu được xúc động bởi với người phụ nữ này, các chú biên phòng đang cùng gia đình bà thay cha mẹ nuôi nấng và hơn cả là dạy dỗ cháu nên người. Bà chia sẻ: “Vợ chồng em trai tôi mất sớm, thương cháu quá nên có nói với chồng đưa về nhà chăm sóc. Nhưng bản thân tôi quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng chỉ mong sao đủ nuôi gia đình, nuôi cháu gái côi cút. Nay được các chú biên phòng giúp đỡ, tôi và ông nhà rất xúc động và thấy mình phải có trách nhiệm hơn với cháu. Các chú không chỉ giúp tiền bạc, quan tâm tặng quà ngày lễ, tết, khai giảng, mà còn đến dạy dỗ cháu học bài”. Bà Luyến xúc động là điều không khó hiểu, bởi anh trai của Phương Hướng cũng vì khó khăn mà phải bỏ học giữa chừng. Năm 2018, lúc ấy anh trai của Phương Hướng vừa học hết lớp 11, mặc dù học giỏi nhưng phải nghỉ học để về Hà Nội làm công nhân cho một xưởng bánh kẹo. Mỗi tháng, ngoài chi phí sinh hoạt, anh gửi một ít về phụ bác nuôi em với mong muốn, em gái không phải nghỉ học giữa chừng như mình. 

Đại úy Nguyễn Văn Bằng đã có thời gian dài công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị. Là cán bộ của nhà trường đi thực tế, Đại úy Bằng luôn gắn bó với đơn vị, với địa bàn. Khi còn công tác ở biên giới, Đại úy Bằng là một trong những người khởi xướng nhiều hoạt động vì học sinh vùng cao biên giới, như: “Tiết học biên giới”, “Ổ bánh mỳ biên giới”. Anh tự soạn giáo án, nhiều lần trực tiếp đứng lớp để truyền tải tình yêu biên giới đến những cô, cậu học trò nhỏ. Mô hình “Ổ bánh mỳ biên giới” được Đoàn thanh niên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay triển khai vào cuối năm 2017. Ban đầu, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đóng góp tiền để mua bánh mỳ cho học sinh tiểu học trên địa bàn. Đại úy Nguyễn Văn Bằng chia sẻ những hình ảnh, câu chuyện về chiếc bánh mỳ giúp học sinh Pa Cô ấm bụng hơn khi đến trường khiến nhiều người xin được “góp phần”. Đến nay, “Ổ bánh mỳ biên giới”, “Tiết học biên giới” là một phần không thể thiếu khi đến trường của học sinh nơi vùng cao biên giới La Lay.

Khôi Nguyên

Bình luận

ZALO