Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 06:52 GMT+7

“Hết dịch, con sẽ về chăm sóc mẹ”

Biên phòng - Đó là những tâm sự đầy cảm xúc của Thượng úy Đỗ Ngọc Mỹ, cán bộ Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang trong những ngày căng mình chốt chặn tại các đường mòn, lối mở để ngăn chặn người dân xuất cảnh trái phép, tuyên truyền cho người dân phòng, chống dịch Covid-19. Đằng sau những nỗ lực của bản thân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà đơn vị giao, trong anh vẫn còn nỗi niềm lo lắng cho người thân trong gia đình mình.

8f4s_12a
Lán dã chiến nằm sát đường mòn biên giới tại thôn Hạng Chá Lủng, xã Ma Lé. Ảnh: Kim Nhượng

Điểm chốt chặn trên đường mòn dẫn lên cột mốc 411 nằm tại thôn Hạng Chá Lủng, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang lởm chởm, nhấp nhô toàn đá. Căn lán bằng vải bạt dã chiến được dựng ngay trên đó, nằm lẻ loi giữa thung lũng, nhìn qua thôi cũng khiến người ta có cảm giác cô quạnh. Chúng tôi đến đây, được chứng kiến cảnh sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ đang chốt chặn chống dịch Covid-19 càng thấy khâm phục họ. Thượng úy Mỹ mặc trên người bộ quân phục với áo bông, mũ bông dày cộp, vội vã ra đón chúng tôi, xuýt xoa nói: “Vào lán đi, không ở ngoài lạnh lắm”. Đúng thật, hôm đó, nhiệt độ bên ngoài  ước chừng chỉ khoảng 3-4 độ C, cộng thêm mưa phùn khiến cho ai nấy run lên bần bật vì rét.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), Thượng úy Mỹ được chỉ huy Đồn Biên phòng Lũng Cú giao nhiệm vụ phụ trách lán dã chiến chốt chặn tại đây. Anh cho biết: “Điểm chốt chặn nằm ở vị trí quan trọng, trong đó cả hai thôn Hạng Chá Lủng và Gì Thàng đều phải qua con đường mòn này để sang bên kia biên giới, phía đối diện là thôn Mã Lâm và Tìa Kính thuộc huyện Ma Ly Po, châu Vân Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Người dân ở 4 thôn này đều có quan hệ anh em thân tộc nên trước đó, việc đi lại thăm thân và trao đổi hàng hóa cũng thường xuyên hơn. Từ khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đã lập chốt tại đây để tuyên truyền cho bà con hiểu về dịch bệnh nguy hiểm này, giải thích cho họ không qua lại qua đường mòn, đồng thời ngăn chặn những trường hợp xuất cảnh trái phép”.

Theo như lời Thượng úy Mỹ, tại điểm chốt này có 3 cán bộ của đơn vị cùng 2 dân quân xã phụ trách. Từ ngày lập chốt tới nay, anh cùng đồng đội của mình đã xử lý, nhắc nhở hơn 50 người dân có ý định qua biên giới thăm thân. Khi được cán bộ Biên phòng tuyên truyền, giải thích, họ đã ý thức và quay trở lại bên kia biên giới. 

Thượng úy Mỹ quê ở Vĩnh Phúc. Anh là con một, từ nhỏ đã mồ côi cha nên theo mẹ sang Phú Thọ sinh sống. Tại đây, anh em họ hàng đều không có ai. Đến nay, mẹ anh đã gần 70 tuổi, không còn được khỏe và nhanh nhẹn như trước. Chính vì thế, dù ở nơi đâu, làm gì, anh cũng lo nghĩ đến mẹ ở một mình. Anh đã tiết kiệm được một khoản tiền, xây cho mẹ già căn nhà cấp 4 nhưng vẫn còn chưa xong do thực hiện nhiệm vụ tăng cường lên biên giới cho các chốt chống dịch. Anh tâm sự: “Nhiều lúc, nghĩ thương mẹ, có một thân một mình trong khi tuổi cao, ốm đau, bệnh tật suốt. Tháng vừa qua, mẹ tôi đi cấp cứu 2 lần đều phải nhờ hàng xóm đưa đi”. 

Nghe anh tâm sự, tôi liền hỏi anh, tại sao anh không xin đơn vị về nghỉ tranh thủ trông nom mẹ? Anh đáp: “Lúc đầu, tôi cũng có ý định đó, nhưng trong đơn vị cũng có nhiều anh em hoàn cảnh khó khăn, nếu mình xin nghỉ, anh em khác cũng xin nghỉ thì đơn vị làm sao có thể hoàn thành nhiệm vụ được. Hơn nữa, bản thân tôi đi chống dịch, thường xuyên tiếp xúc với bà con ở bên kia biên giới, rồi người dân đi làm thuê..., nguy cơ lây nhiễm cao. Vì thế, tôi ở lại, thường xuyên gọi điện về động viên mẹ”. Dứt lời, anh bấm điện thoại gọi cho mẹ. Anh dặn dò mẹ giữ gìn sức khỏe. “Mẹ yên tâm, hết dịch, con sẽ về chăm sóc mẹ” – Anh hứa với người mẹ kính yêu của mình.

r53z_12b
Thượng úy Đỗ Ngọc Mỹ tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Kim Nhượng

Nghe chuyện của anh Mỹ, chúng tôi thực sự cảm phục anh, người con hiếu thảo, đầy tinh thần trách nhiệm với công việc. Tôi tò mò hỏi anh: “Tại sao chỉ có mình anh với mẹ, bà xã anh đâu?” Nghe xong, anh chỉ mỉm cười rồi nhìn ra phía núi trước mặt: “Chúng tôi chia tay nhau mấy năm rồi, cũng vì tôi đi biền biệt cả năm. Cô ấy không thông cảm được”. Anh lắc đầu, cái lắc đầu làm cho chúng tôi hiểu ra câu chuyện và thấy mình thật sự vô duyên...

Thiếu tá Hà Văn Đô, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú cho biết: “Công tác phòng, chống dịch Covid-19 luôn được cấp ủy, chỉ huy đơn vị đặt lên hàng đầu, trong đó, chúng tôi chú trọng việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Trong đơn vị có nhiều đồng chí có hoàn cảnh éo le như bố bị ung thư đang nằm cấp cứu trong bệnh viện, hay vợ chuẩn bị sinh con..., nhưng anh em luôn tự nguyện ở lại thực hiện nhiệm vụ chống dịch và Thượng úy Đỗ Ngọc Mỹ là một trong những trường hợp như vậy. Nắm bắt được hoàn cảnh của cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi luôn động viên anh em khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đẩy lùi dịch bệnh”.

Thiếu tá Hà Văn Đô: “Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chỉ huy đơn vị đã triển khai công tác phòng, chống dịch ngay từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. 100% cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai 6 tổ công tác, trong đó, 5 chốt dã chiến trên các đường mòn, lối mở, thành lập 1 tổ phản ứng nhanh, 1 tổ kiểm soát lưu động do đồng chí đồn trưởng trực tiếp phụ trách, trực 24/24 giờ. Tính cho tới thời điểm hiện tại, toàn bộ công dân được phía Trung Quốc trao trả, đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành địa phương tiến hành thăm khám và cách ly theo quy định”. 

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO