Biên phòng - Do nhà sản xuất vũ khí và nhà thầu quốc phòng Roketsan (Thổ Nhĩ Kỳ) phát triển, hệ thống tên lửa phòng không Sungur được Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên không như máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình, máy bay và trực thăng.

Hệ thống tên lửa Sungur được phát triển để thay thế các hệ thống tên lửa Stinger POST (FIM-92B) và Stinger RMP (FIM92C) hiện có của TAF. Hệ thống cung cấp khả năng phòng không tầm ngắn cho các lực lượng mặt đất cơ động và cố định.
Từ tháng 9/2013, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (MoND) đã ký hợp đồng với nhà sản xuất Roketsan để cho ra đời hệ thống tên lửa phòng không di động Sungur. Dự án bao gồm thiết kế, phát triển và sản xuất hệ thống tên lửa này. Các cuộc thử nghiệm bắn đầu tiên của hệ thống tên lửa Sungur diễn ra vào năm 2018 và 2019. Hệ thống Sungur sau khi được thiết kế đã hoàn thành xuất sắc tất cả các bài kiểm tra bắn và được tuyên bố sẵn sàng đưa vào trang bị cho TAF vào tháng 7/2020. Lô đầu tiên của hệ thống phòng không di động vác vai (MANPADS) phiên bản nhánh của hệ thống Sungur đã được chuyển giao cho TAF vào tháng 7/2022.
Sungur là hệ thống tên lửa khóa trước khi phóng và được tích hợp vào các nền tảng khác nhau. Tên lửa có thể được phóng từ thiết bị cầm tay hoặc từ máy bay không người lái, từ các thiết bị quân sự trên bộ và hải quân. Hệ thống Sungur được coi là một phần của hệ thống phòng không quốc gia nhiều lớp của Thổ Nhĩ Kỳ. Hệ thống có thể được lắp trên xe bọc thép VURAN 4×4 đa năng do nhà sản xuất quốc phòng BMC của Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo. Trên xe bọc thép luôn có một xạ thủ phát hiện và tổ chức tấn công mục tiêu. Trong xe bọc thép có một bảng điều khiển và màn hình hiển thị màu đa chức năng, hai cần điều khiển để hỗ trợ người điều khiển trong việc xác định và bắn mục tiêu.
Phiên bản hệ thống tên lửa phòng không Sungur mới nhất có tầm bắn xa và khả năng cơ động cao, khả năng chiến đấu không đối xứng. Phiên bản này có thiết kế thân thiện với người dùng, cung cấp cho người vận hành một màn hình quan sát và theo dõi. Hệ thống Sungur cung cấp phạm vi theo dõi bao phủ 360 độ để phát hiện mục tiêu. Trên hệ thống có lắp một tháp pháo phòng không có thể xoay 360 độ. Tháp pháo có hai bệ phóng tên lửa (tên gọi PORSAV) với tổng số là 4 tên lửa. Tên lửa có thể tấn công mục tiêu ở cự ly từ 500m đến 8km, lên đến độ cao 4km so với mực nước biển. Khả năng bắn khi đang di chuyển của hệ thống tên lửa phòng không cho phép tấn công mục tiêu khi đang di chuyển.
Hệ thống phòng không phát hiện và theo dõi các mục tiêu bằng bộ chỉ định laser và bộ định vị phạm vi (tên gọi STAR SAFIRE 380 HLD). Bộ chỉ định laser chiếu sáng các khu vực rộng để cung cấp khả năng nhận biết tình huống và nhắm mục tiêu chính xác trong thời gian thực, trong khi công cụ tìm phạm vi giúp xác định vị trí mục tiêu. STAR SAFIRE 380 HLD có thể hoạt động trong mọi điều kiện, cả ngày lẫn đêm. Hệ thống vũ khí trong Sungur được trang bị đầu đạn xuyên giáp và bán giáp có sức nổ cao.
PORSAV trong hệ thống Sungur là tên lửa phóng tự động hoàn toàn được dẫn đường bởi thiết bị dò tìm hình ảnh hồng ngoại (IIR). Tên lửa có thể hoạt động ở chế độ khóa trước khi phóng. Tên lửa được trang bị một đầu đạn xuyên giáp và bán giáp nổ nặng 3kg được nạp bằng đạn vonfram. Động cơ phóng cho phép tách tên lửa khỏi ống phóng.
Hệ thống tên lửa Sungur được tích hợp HERIKKS-6 - một hệ thống chỉ huy và kiểm soát cảnh báo sớm phòng không, cho phép Sungur nhận thông tin từ các radar bên ngoài và sử dụng thông tin để chuẩn bị một cuộc tấn công mục tiêu. Hệ thống chỉ huy và kiểm soát trong Sungur cũng có thiết bị nhận dạng bạn hoặc thù (IFF) để phát hiện và xác định các lực lượng thiện chiến trên chiến trường.
Thu Minh