Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 08:19 GMT+7

Hệ lụy từ việc sử dụng động vật hoang dã để chữa bệnh

Biên phòng - Do thiếu nhận thức và lầm tưởng về tác dụng bị thổi phồng của các bài thuốc cổ truyền từ động vật hoang dã (ĐVHD) nên nhiều người vẫn lùng mua các sản phẩm như mật gấu, cao hổ, sừng tê giác, vảy tê tê… mà không biết chúng đều là các sản phẩm bất hợp pháp và không có công dụng thần dược như quảng cáo, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh từ việc trực tiếp sử dụng và mua bán chúng. Ở một khía cạnh khác, việc sử dụng sản phẩm từ động vật trực tiếp làm gia tăng hoạt động tội phạm săn bắt, mua bán trái phép ĐVHD khiến nhiều loài đã biến mất, một số loài bị đe dọa tuyệt chủng.

Tại Việt Nam, hiện chỉ có thể nhìn thấy tê giác tại các vườn thú phục vụ khách tham quan, du lịch. Ảnh: Bích Nguyên

Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS, TS) Phạm Thanh Huyền, Viện Dược liệu, từ ngàn xưa, nhân loại đã dựa vào cây cỏ và động vật để cải thiện sức khỏe và tinh thần, thường là những loài sẵn có tại địa phương và trong tình trạng không bị đe dọa. Tuy nhiên, việc diễn giải sai nội dung gốc các bài thuốc cổ cùng nỗ lực quảng bá đầy vụ lợi của những nhà cung cấp bộ phận ĐVHD và các trang trại nuôi nhốt động vật đã làm sai lệch ít nhiều bản chất y học cổ truyền.

Dưới tác động của những lời đồn thổi, hầu hết các sản phẩm hoặc bộ phận ĐVHD quý, hiếm đều được mua bán trái phép với giá “trên trời” kèm theo nội dung quảng cáo về tác dụng bị thổi phồng như có thể điều trị ung thư và chữa mọi chứng nan y. Vì vậy, ngày càng kích thích nhu cầu sử dụng của một bộ phận người dân.

Hiện nay, sản phẩm được săn lùng nhiều hơn cả để chữa bệnh là mật gấu, vảy tê tê, sừng tê giác, cao hổ... Vậy liệu có màu nhiệm như lời đồn thổi? PGS, TS Phạm Thanh Huyền khẳng định, mặc dù có dược tính nhất định, song trong hầu hết các trường hợp, việc sử dụng các vị thuốc liên quan đến mật gấu để chữa bệnh chỉ được lý giải theo lý luận cổ truyền Trung Quốc và cho tới nay, có rất ít nghiên cứu xác minh hiệu quả lâm sàng của các bài thuốc này. Ở Trung Quốc, mật gấu được dùng chủ yếu trong các bài thuốc hạ nhiệt, làm sáng mắt, tiêu độc, làm sạch gan, giảm mỡ gan...

Tuy nhiên, theo lý thuyết của y học cổ truyền Trung Hoa, mật gấu không có chức năng bảo vệ gan và không thể dùng để điều trị những rối loạn thị giác gây ra bởi gan và thận yếu. Bên cạnh đó, do vị rất đắng và tính hàn nên mật gấu rất dễ làm tổn thương tỳ, lách và dạ dày, vì vậy, cần chống chỉ định cho những trường hợp yếu tỳ, lách, dạ dày hoặc có máu hàn.

Tương tự, vảy tê tê cũng được đồn thổi như thần dược. Tuy nhiên, theo PGS, TS Phạm Thanh Huyền, vảy tê tê có vị mặn, tính hàn, chỉ giúp thông kinh lạc, trừ phong, hoạt huyết, tiêu nhọt, lợi tia sữa... chứ không phải là thần dược có thể chữa đái tháo đường, tăng cường sinh lực, điều trị ung thư, chữa viêm xoang... như đồn thổi. Thậm chí, nếu sử dụng không đúng cách còn có thể gây nguy hiểm, bởi vảy tê tê vốn chứa độc tố và có thể gây ung thư.

Trong khi đó, sừng tê giác và cao hổ cũng được thổi phồng về công năng chữa bệnh mà chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh tính hiệu quả, càng không thể trở thành thần dược có thể trị khỏi bệnh trong một thời gian ngắn. Chính nhận thức hạn chế của con người đã khiến nhiều loại ĐVHD bị săn lùng, tiêu thụ mà không biết rằng, việc sử dụng sản phẩm ĐVHD tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ truyền nhiễm dịch bệnh từ động vật sang người.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm trong 50 năm qua đều bắt nguồn từ ĐVHD. Thói quen tiêu thụ ĐVHD đã tạo điều kiện cho nhiều virus lạ tiến sang người và gây ra những đại dịch làm chết rất nhiều người và gây sự gián đoạn lớn về kinh tế. Ví dụ như dơi lây truyền virus Ebola, SARS, MERS, bệnh dại; muỗi lây bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, Zika, sốt Tây sông Nile, sốt vàng da...

Gia tăng tội phạm về động vật hoang dã

Với niềm tin cho rằng, vảy tê tê có thể chữa bách bệnh, một số người Việt Nam lùng mua vảy tê tê với giá cao, điều này vô hình trung biến Việt Nam vừa trở thành thị trường trung chuyển vảy tê tê sang các nước khác, vừa tiêu thụ tê tê. Thống kê của Tổ chức Wildlife Justice Commission (WJC), từ năm 2016 - 2019, ước tính, có khoảng 206,4 tấn vảy tê tê bị thu giữ từ 52 vụ buôn lậu trên toàn cầu, trong đó, Việt Nam liên quan đến gần 70% các vụ thu giữ.

Nhu cầu sử dụng mật gấu tăng cao cũng khiến nhiều loài gấu suy giảm quần thể và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Từ năm 2007, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cảnh báo, có 6/8 loài gấu trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng, chiếm 75%. Trong khi đó, số lượng hổ, tê giác cũng giảm mạnh do nạn săn bắn, mua bán trái phép. Tính đến năm 2019, thế giới chỉ còn chừng 3.900 cá thể hổ hoang dã và khoảng 27.300 cá thể tê giác trong tự nhiên. Thực tế ở Việt Nam, tê giác Java một sừng, hổ đã bị tuyệt chủng, nhiều loài linh trưởng khác đang trên bờ vực tuyệt chủng, số lượng tê tê cũng giảm sút nghiêm trọng, nhiều loài rùa đang bị đe dọa.

Nghiên cứu mới nhất vừa được công bố vào tháng 11-2021 do Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) thực hiện chỉ ra rằng, từ năm 2010, Việt Nam liên quan đến hơn 700 vụ bắt giữ ĐVHD với tổng cộng ít nhất 123 tấn ngà voi, 111 tấn vảy tê tê và 2,7 tấn sừng tê giác. Cũng từ năm 2010, căn cứ vào các vụ bắt giữ ĐVHD được xác nhận trên toàn cầu, Việt Nam liên quan đến hoạt động buôn lậu bộ phận và sản phẩm của ít nhất 18.000 cá thể voi, 111.000 cá thể tê tê và 976 cá thể tê giác. Tuy nhiên, những con số này chỉ phản ánh một phần nhỏ tệ nạn mua bán, sử dụng ĐVHD mà Việt Nam liên quan vì phần lớn hoạt động buôn lậu diễn ra mà không bị phát hiện.

Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), qua thông tin người dân phản ánh đến đường dây nóng 1800-1522, năm 2020 ghi nhận 2.907 vụ vi phạm về ĐVHD tại Việt Nam với tổng vi phạm đơn lẻ lên tới 7.651, tăng gần gấp đôi số vụ được ghi nhận năm 2019. Điều này minh chứng tình trạng buôn bán, tiêu thụ ĐVHD vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO