Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:08 GMT+7

Hệ lụy từ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Tảo hôn và hôn nhân cận huyến thống là tập tục tồn tại lâu đời ở nhiều vùng miền của nước ta, phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là các dân tộc rất ít người, các dân tộc cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Cán bộ dân số truyền thông, cấp tờ rơi cho vị thành niên - thanh niên tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái. (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: TTXVN

Hôn nhân cận huyết thống là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những nam và nữ có cùng dòng máu về trực hệ (là những người có quan hệ huyết thống, trong đó người này sinh ra người kia kế tiếp nhau); giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba).

Bên cạnh đó, tảo hôn là tình trạng lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định (nam chưa đủ 20 tuổi trở lên và nữ chưa đủ 18 tuổi trở lên). Đây là điều cấm được phát luật của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và 2014.

Hiện nay, tình trạng hôn nhân cận huyết và tảo hôn là vấn đề xã hội phức tạp và nan giải, diễn ra chủ yếu trong vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn mà phổ biến ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Kết hôn cận huyết và tảo hôn không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ em mà còn kéo lùi sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có tỷ lệ mắc các bệnh di truyền, bệnh tật, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, suy giảm sức khỏe, tử vong sơ sinh cao hơn so với những đứa trẻ bình thường khác. Những bệnh mà trẻ em được sinh ra từ hôn nhân cận huyết thống thường mắc phải như: bạch tạng, rối loạn chuyển hóa, thiếu men G6PD, hồng cầu liềm, dị dạng về xương, bụng phình to, thiểu năng trí tuệ, ốm yếu, mù màu…

Trong số những trẻ được sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống thì có tới 25% khả năng bị bệnh và 50% mang gen bệnh tan máu bẩm sinh di truyền Thalassemia hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh, người bệnh cần phải điều trị suốt đời, với chi phí rất tốn kém. Việt Nam có trên 5 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh, được xếp vào khu vực có nguy cơ cao. Tỷ lệ mang gen bệnh cao tập trung chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng DTTS, vùng có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao. Những bệnh này sẽ di truyền tiếp cho đời sau, làm suy thoái giống nòi, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Bên cạnh đó, phụ nữ kết hôn cận huyết thống khi sinh con rất dễ tử vong, bệnh tật, không có cơ hội lao động, dẫn đến cuộc sống khó khăn, nguy cơ tan vỡ trong hôn nhân cao. Nhiều trẻ em gái không có cơ hội làm mẹ vì cơ thể yếu ớt, bệnh tật, cơ thể phát triển không toàn diện. Kết hôn cận huyết cũng làm hạn chế cơ hội học tập của phụ nữ.

Đối với tảo hôn, trẻ em gái kết hôn sớm sẽ làm cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em gái dưới độ tuổi 15 mang thai sẽ có nguy cơ chết do mang thai và sinh đẻ cao so với phụ nữ trên 20 tuổi. Những biến chứng do mang thai khi cơ thể trẻ em gái chưa hoàn thiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của hàng chục nghìn trường hợp mỗi năm ở người mẹ ở độ tuổi 15-19. Các rủi ro bé gái gặp phải khi mang thai đó là sản phụ tử vong, biến chứng khi sinh, khó chuyển dạ, đẻ non. Các bệnh liên quan đến mang thai sớm, tần suất mang thai, khoảng cách giữa các lần mang thai ngắn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và năng suất lao động của các trẻ em gái, phụ nữ tảo hôn.

Bên cạnh đó, khi kết hôn sớm trẻ em cả nam lẫn nữ sẽ hạn chế cơ hội học tập, vui chơi, giải trí và được tự do tham gia các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi. Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn khi tuổi đời còn ít, phải nghỉ học, mất cơ hội học tập, thiếu kiến thức xã hội, cản trở họ được tiếp thu những nền giáo dục tiên tiến, hiện đại nhằm phát triển tối đa nhân cách, tài năng, các khả năng về trí tuệ và thể chất của trẻ em. Từ đó, giảm khả năng tìm kiếm việc làm, thu nhập thấp dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao, hôn nhân dễ tan vỡ, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em.

Với những hệ lụy đó, hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của đói nghèo, thất học, suy giảm chất lượng dân số, gây hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển xã hội.

Hoài Thanh

Bình luận

ZALO