Biên phòng - Tính đến thời điểm hiện nay, tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa có 1.838 lượt người dân sang Trung Quốc lao động "chui", trong đó, 675 người đã trở về do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều đáng nói là tình trạng này đang ảnh hưởng lớn đến trật tự xã hội ở địa phương; đồng thời tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi, thậm chí đe dọa tính mạng của người lao động.
|
BĐBP Thanh Hóa tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về hậu quả của việc sang Trung Quốc lao động "chui". Ảnh: Lê Đồng |
Những năm gần đây, tình trạng lao động thuộc huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm ăn gây đau đầu cho chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành. Mặc dù, mục đích của họ ra đi để tìm kiếm sự "đổi đời" nhưng thực tế lại chẳng giống như họ suy nghĩ. Nhiều người đã phải chịu tủi nhục, mất mát tiền bạc, tình cảm, thậm chí bặt vô âm tín, đánh đổi cả mạng sống…
Chúng tôi dạo quanh các thôn, xóm của xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc trong những ngày này, nhìn khung cảnh làng quê khá đìu hiu, vắng vẻ. Trong những ngôi nhà đơn sơ, nghèo nàn, chỉ có những cụ già ngồi bên những chén trà ngước mắt nhìn xa xăm, trẻ con thì lang thang quanh góc sân nhỏ. Khi hỏi chuyện, nhiều người cao niên trong làng cho biết, hầu hết bố mẹ bọn nhỏ đều sang Trung Quốc làm thuê kiếm tiền nuôi gia đình.
Qua trao đổi với người dân địa phương, chúng tôi được biết, những người trong độ tuổi lao động ở thôn đều đi lao động tại các địa phương khác như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hay đi lao động "chui" ở nước ngoài. Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, "phong trào" sang Trung Quốc làm thuê nở rộ, nhiều thanh niên của các địa phương trong huyện rủ nhau đi làm, trong khi không nắm được nhu cầu, quyền lợi lao động ở nước sở tại. Hầu hết những người sang Trung Quốc làm ăn đều thuộc diện nghèo khó, không có công ăn, việc làm ổn định. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ thường trắng tay trở về, thậm chí thêm nợ nần do mất trắng tiền môi giới, trong khi lương chưa kịp lĩnh đã bị Công an Trung Quốc bắt giam giữ và phạt tiền.
Như trường hợp anh Nguyễn Văn Thành ở xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, qua sự môi giới của người quen, nửa đêm lận đận theo chân người môi giới vượt biên sang Trung Quốc lao động với hy vọng có thể đổi đời. Nhưng tiền đâu chẳng thấy, vừa sang đến Trung Quốc thì bị Công an Trung Quốc truy đuổi và bị bắt tạm giam: "Tin theo lời môi giới của người quen, tôi chạy vạy, vay mượn được 5 triệu đồng để đưa cho người môi giới, hy vọng sang bên Trung Quốc chịu khó lao động, kiếm lấy ít vốn về quê làm ăn. Ai ngờ, vừa sang tới nơi thì bị Công an Trung Quốc vây bắt và giam tới 20 ngày mới được thả về nước. Bây giờ, tiền không có, việc làm cũng không lại thêm gánh nợ, không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh nợ nần".
Ở xã Hưng Lộc, không riêng anh Thành mà còn rất nhiều người khác cũng cùng chung cảnh ngộ, như anh Hoàng Văn Tiến, chị Nguyễn Thị Ba hay anh Nguyễn Văn Na… Họ đều rơi vào cảnh trắng tay và lâm vào cảnh nợ nần khi giấc mộng "vàng" không thực hiện được, do tin lời kẻ xấu. Gần đây nhất là trường hợp thương tâm của anh Đặng Mạnh Duy ở thôn Hưng Bắc, xã Hưng Lộc, bị thiệt mạng khi đi biển đánh cá thuê cho chủ tàu người Trung Quốc. Đây là những bài học đắt giá cho những lao động sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp.
Cần giải quyết từ gốc rễ
Khoảng 4-5 năm trở lại đây, nhiều người dân ở huyện Hậu Lộc rủ nhau sang Trung Quốc làm thuê, trong đó, rất nhiều trường hợp bị Công an Trung Quốc bắt giữ và trục xuất về nước vì nhập cảnh trái phép và lao động bất hợp pháp. Vấn nạn lao động "chui" còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác như: Người lao động bị bóc lột sức lực dẫn đến ốm đau bệnh tật, tai nạn lao động; thậm chí bị bắt bớ, đánh đập... bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giam rồi đẩy đuổi trở về quê với hai bàn tay trắng...
Thực trạng đau lòng nói trên nhẽ ra là lời cảnh tỉnh cho người dân tránh khỏi những tai ương cho bản thân và gia đình. Thế nhưng cho đến nay, nhiều người dân tại các vùng quê nghèo của huyện Hậu Lộc vẫn nghe theo những lời đường mật, rủ rê, lôi kéo xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Lê Duy Hùng, Chính trị viên Đồn BP Đa Lộc, BĐBP Thanh Hóa cho biết: "Vì cuộc sống khó khăn, không ít người dân trên địa bàn đã bất chấp tất cả để sang Trung Quốc làm thuê, mong thoát khỏi cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, người dân rất thiếu thông tin về nhu cầu lao động, chế độ đãi ngộ... trong khi nhận thức có phần còn hạn chế nên đã bị kẻ xấu lợi dụng.
Trước thực trạng này, đơn vị đã tăng cường công tác quản lý chặt chẽ địa bàn, nắm chắc tình hình để tham mưu cho chính quyền địa phương có biện pháp giải quyết. Đồng thời, đơn vị tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, phổ biến sâu rộng và vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng lôi kéo đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, trong đó có cả đối tượng nghi vấn liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn. Ngoài ra, đơn vị cũng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp mạnh để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng này".
Để hạn chế tình trạng người lao động tự phát sang Trung Quốc làm ăn, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, điều quan trọng đối với chính quyền địa phương là cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho mọi người dân hiểu rõ vấn đề này. Đồng thời, có các giải pháp hữu hiệu như đào tạo nghề, giải quyết những khó khăn về việc làm, thu nhập... để xử lý tận gốc vấn đề này.