Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:57 GMT+7

Hệ lụy tảo hôn và "cuộc chiến" chưa có hồi kết (bài 3)

Biên phòng - Nạn tảo hôn diễn biến phức tạp gây ra những hệ lụy nặng nề ở các huyện vùng cao tỉnh Nghệ An, trong khi việc giải quyết vi phạm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng chưa quyết liệt, thiếu sự đồng nhất,  hiệu quả thấp. Hiện nay, một số cán bộ, đảng viên người dân tộc Mông đã đi đầu trong cuộc vận động xóa bỏ nạn tảo hôn áp dụng trong dòng họ, địa bàn mình sinh sống để làm gương, nhân rộng. Tuy nhiên, "cuộc chiến" với nạn tảo hôn vẫn chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều.  

Bài 3: Còn đó nhiều thách thức

Trở ngại trong giải quyết vi phạm

Xuất thân trong một gia đình đồng bào dân tộc Mông nghèo khó ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, anh Lỳ Bá Rùa, sinh năm 1994 đã vươn lên trong học tập và thực hiện được ước mơ trở thành bác sĩ. Hiện nay, anh Lỳ Bá Rùa đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Không chỉ nỗ lực góp sức mình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, bác sĩ Lỳ Bá Rùa là người lên án, đấu tranh mạnh mẽ với nạn tảo hôn tại địa phương.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nhôn Mai, BĐBP Nghệ An tuyên truyền pháp luật cho học sinh trên địa bàn. Ảnh: Viết Lam

Khi được hỏi về những hệ lụy của nạn tảo hôn trong cộng đồng dân tộc Mông, bác sĩ trẻ Lỳ Bá Rùa chia sẻ: "Việc các em lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi trưởng thành gây ra rất nhiều hệ lụy cho bản thân các em, gia đình và xã hội. Cũng vì thế mà nhiều trẻ em đồng bào Mông dang dở chuyện học hành, phải làm bố, mẹ khi chưa hoàn thiện cả về thể chất và nhận thức. Về góc độ khoa học, tảo hôn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi".

Cùng với những hệ lụy nặng nề, tảo hôn vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật và có nhiều mức xử phạt khác nhau. Cụ thể, Điều 47, Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 của Chính phủ quy định xử phạt đối với hành vi tổ chức tảo hôn như phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó.

Tại Điều 183, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định xử phạt đối với người có hành vi tổ chức tảo hôn như sau: “Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm”. Thậm chí, nếu áp dụng các tội xâm hại tình dục trẻ em được quy định tại Chương XIV (Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người) trong Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm 5 Điều (Điều 142, 144, 145, 146, 147) tùy từng hành vi phạm tội, khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Thời gian qua, chính quyền địa phương các huyện vùng cao tỉnh Nghệ An đã triển khai các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn tảo hôn nhưng chủ yếu là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của người dân. Tại một số địa phương đã áp dụng xử phạt các trường hợp vi phạm, tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp phải rất nhiều trở ngại. Bà Lô Thị Trà My, Chủ tịch UBND xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết: "Nếu áp dụng mức xử phạt hành chính thấp thì tính răn đe không cao, song xử phạt cao thì điều kiện kinh tế của người dân cũng không đáp ứng được, họ chây ì việc chấp hành. Xử lý hình sự thực sự rất khó áp dụng".

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, trong giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn toàn tỉnh còn 938 cặp tảo hôn, trong đó, tập trung nhiều nhất là trong cộng đồng dân tộc Mông định cư ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong. Một điều đáng lo ngại khác, độ tuổi tảo hôn ngày càng thấp, có những cặp tảo hôn mới 13-14 tuổi. Không chỉ người dân, còn nhiều cán bộ, đảng viên đang công tác trong bộ máy công quyền vẫn để con, em mình cưới vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi quy định.

Nêu cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên

Những năm gần đây, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có tỉ lệ tảo hôn khá cao. Địa phương biên giới này đang triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn tảo hôn. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, chính quyền địa phương đang đưa ra các giải pháp căn cơ, lâu dài.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thiện đề án về cải cách phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông để xin ý kiến các ban, ngành liên quan. Khi đề án được ban hành, cùng với áp dụng xử lý các trường hợp tảo hôn theo quy định của pháp luật thì việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là người dân tộc Mông trong việc đẩy lùi nạn tảo hôn được xác định rất quan trọng. Nội dung của đề án cũng có phương pháp xử lý cán bộ, đảng viên để con em, người thân kết hôn khi chưa đủ tuổi pháp luật quy định".

Gia đình bác sĩ Lỳ Bá Rùa – người đấu tranh mạnh mẽ với nạn tảo hôn tại địa phương. Ảnh: Viết Lam

Theo ông Thò Bá Rê, việc triển khai xây dựng đề án sẽ động chạm đến nhiều quan niệm, suy nghĩ xưa cũ của đồng bào mình. Nhưng vì lợi ích lâu dài, tương lai nòi giống của chính đồng bào dân tộc Mông nên ông vẫn quyết tâm cùng chính quyền địa phương sớm triển khai đề án vào thực tế đời sống. Ông lấy dẫn chứng, nhiều bản làng của đồng bào dân tộc Mông như bản Huồi Viêng, xã Đọoc Mạy; bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ..., những năm gần đây không còn xảy ra tình trạng tảo hôn.

Chúng tôi tìm đến bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ, nơi có 127 hộ/520 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Ông Vừ Vả Chống, Bí thư Chi bộ bản Trung Tâm khẳng định: "Đã nhiều năm nay, bản chúng tôi không còn xảy ra nạn tảo hôn. Có được kết quả đó là nhờ sự đồng lòng của bà con dân bản, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Trong quá trình sinh hoạt chi bộ, chúng tôi đều phân tích để đảng viên nhận thức rõ những hệ lụy mà nạn tảo hôn gây ra. Từ đó, đảng viên vận động gia đình, người thân kiên quyết không để con em mình lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi pháp luật quy định. Chúng tôi đưa những biện pháp phòng, chống tảo hôn vào quy ước của bản, trường hợp vi phạm sẽ bị phạt và kiểm điểm trước toàn dân. Ý thức của các gia đình vì thế dần được nâng lên, tảo hôn bị đẩy lùi".

Tin tưởng rằng, với việc triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, nạn tảo hôn trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn các huyện vùng cao tỉnh Nghệ An sẽ sớm được ngăn chặn, đẩy lùi.

Viết Lam

Bình luận

ZALO