Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:10 GMT+7

Hệ lụy tảo hôn và "cuộc chiến" chưa có hồi kết (bài 2)

Biên phòng - Nhận thấy những hệ lụy nặng nề của nạn tảo hôn, một bộ phận người dân trong cộng đồng dân tộc Mông ở Nghệ An đã lên tiếng cảnh tỉnh, răn đe con em mình. Tuy nhiên, nỗi sợ mất con khiến nhiều gia đình vẫn chọn cách tổ chức đám cưới cho các cặp "vợ chồng" trong độ tuổi học trò, dù họ biết rằng, mình đang tiếp tay cho hành vi trái pháp luật và gián tiếp kiềm chế tương lai con trẻ.

Bài 2: Người lớn "chạy theo" con trẻ

Nỗi sợ mất con!

Khi biết H.Y.H, người dân tộc Mông, ở một xã biên giới của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã có bạn trai, bố mẹ em rất buồn bã, ra sức thuyết phục cô học trò lớp 7 tạm gác chuyện tình cảm tập trung học tập. Tuy nhiên, H đã không nghe lời và còn dọa tự vẫn nếu bị phản đối chuyện yêu đương. Sợ mất con, gia đình đành phải chiều lòng tổ chức đám cưới cho con về nhà chồng. Nhưng chỉ 2 tháng sau, H đã trở về nhà bố mẹ đẻ vì bị chồng ruồng rẫy.

Ông Lỳ Dua Nù chia sẻ với phóng viên về thực trạng tảo hôn trong cộng đồng dân tộc Mông. Ảnh: Anh Sơn

Từ nhỏ, H vốn chăm ngoan, học giỏi. Bố mẹ em rất vui mừng, luôn mong muốn, tạo điều kiện để cô bé phấn đấu học tập tốt, trưởng thành, sau này có nghề nghiệp ổn định. Chuyện học tập của H cũng rất thuận lợi khi nhà ở gần trường học, hằng ngày, sau giờ lên lớp lại về nhà cùng bố mẹ. Càng lớn lên, cô nữ sinh dân tộc Mông trở nên xinh đẹp và học giỏi. Bố mẹ H vui mừng, xen lẫn lo lắng về viễn cảnh cô bé sớm lấy chồng. Bởi, ở tuổi 15, đang là học sinh lớp 7, H đã có nhiều bạn khác giới để ý, tán tỉnh. Cô nữ sinh dường như đã phải lòng với một trong số bạn trai theo đuổi mình bấy lâu? Bố mẹ của cô học trò biết chuyện, luôn theo sát, động viên con gái tránh xa cạm bẫy "bắt vợ".

Tuy nhiên, H vẫn không chịu nghe lời bố mẹ, người thân, thường xuyên liên lạc, hẹn hò với bạn trai, chểnh mảng chuyện học tập. Thấy con gái như vậy, mẹ của H buồn bã, khóc cạn nước mắt, người bố nóng giận đánh cả con gái. Còn H nói với bố mẹ sẽ tìm đến cái chết nếu bị ngăn cản chuyện tình yêu. Dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2021, cô học trò bỗng dưng mất liên lạc với gia đình. Tuy lo lắng nhưng bố mẹ H đã phần nào đoán được nguyên nhân con gái "mất tích" và đang ở đâu nên cũng không buồn đi tìm nữa. Đúng 3 ngày sau, H gọi điện thoại báo với bố mẹ đã theo "chồng" về quê mới ở một xã biên giới cùng huyện. Trong cuộc điện thoại ngắn ngủi, cô gái tuổi 15 cũng không quên nói với bố mẹ chuẩn bị mọi thứ để tổ chức đám cưới. Nghe đâu "chồng" cũng chỉ lớn hơn H 2 tuổi, đang sống phụ thuộc vào gia đình.

Dù rất buồn bã, bố mẹ của H phải nuốt nước mắt vào trong, chuẩn bị mọi thứ để tổ chức đám cưới cho con, tiếp đón nhà thông gia chu đáo, mong con có được hạnh phúc. Đám cưới của cô học trò lớp 7 có cả trăm lít rượu, không chỉ người lớn, nhiều bạn học cùng lớp, cùng trường cũng đến chúc phúc. Sau đám cưới, H theo chồng về quê bắt đầu cuộc sống mới. Thế nhưng, chỉ sau 2 tháng lấy chồng, H đã trở về gia đình bố mẹ đẻ vì mâu thuẫn với chồng. Bố mẹ em dù rất đau lòng vẫn mở rộng vòng tay đón con về nhà. Họ còn khéo léo động viên để H trở lại trường học sau biến cố lớn của tuổi đầu đời.

Ông Hạ Giống Hùa, Bí thư Chi bộ bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Mông tại địa phương cho biết: "Bây giờ rất nhiều gia đình đồng bào dân tộc Mông phản đối chuyện thanh niên lấy vợ, cưới chồng khi chưa đủ tuổi mà pháp luật quy định. Họ cũng khuyên răn con em mình tránh xa nạn tảo hôn, tuy nhiên, thái độ chưa quyết liệt vì sợ bọn trẻ suy nghĩ tiêu cực, hành động dại dột. Đáng lo ngại là lớp trẻ trong cộng đồng lại dễ dàng từ bỏ cuộc sống khi gặp bế tắc, bất hạnh".

Mặt trái từ sự bùng nổ của mạng xã hội

Bản Hợp Thành, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An là nơi định cư của các gia đình đồng bào dân tộc Mông nằm chênh vênh trên sườn núi. Bản vẫn còn nghèo khó và nạn tảo hôn diễn ra phức tạp. Khi được hỏi về thực trạng tảo hôn tại bản làng, ông Lỳ Dua Nù, ở bản Hợp Thành, châm lửa hút thuốc lào, chìa bàn tay nhẩm tính, rồi nói: "Cả bản có 11 cháu lấy vợ, lấy chồng trong độ tuổi học sinh. Gia đình tôi cũng đang rất lo lắng cho đứa cháu gái mới học lớp 7, cứ sợ nó bỏ học theo chồng. Cháu nó đi học về chỉ ôm điện thoại và thích làm đẹp thôi, không chịu làm gì, buồn lắm!”.

Nhờ sự gần gũi, quan tâm giáo dục của nhà trường và gia đình, nhiều học sinh dân tộc Mông ở huyện Kỳ Sơn đã tránh xa nạn tảo hôn. Trong ảnh: Vợ chồng ông Lầu Nhìa Danh và Thò Y Tồng, trú tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn thường xuyên giáo dục, động viên con trai là Lầu Bá Sơn đang ở trọ học tại thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Viết Lam

Thực trạng nạn tảo hôn trong cộng đồng dân tộc Mông diễn ra nhức nhối là vậy nhưng ông Nù và nhiều người khác cũng không thể giải thích được nguyên nhân vì sao? Biết ông Nù nguyên là cán bộ công tác tại Phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn, tôi đưa ra ý kiến vốn nghe được từ nhiều người nói lại: "Phải chăng nạn tảo hôn là do xuất phát từ tục bắt vợ và cần người để lao động trong các gia đình của đồng bào dân tộc Mông?". Ông Nù nghe vậy, liền xua tay nói rằng: "Không phải đâu, tục bắt vợ vốn đẹp lắm, thế hệ tôi ngày xưa cũng lập gia đình nhờ đi bắt vợ cả. Giờ thì tục lệ đó mất hẳn rồi, không còn nữa. Bọn trẻ bây giờ, chúng nó tự nguyện theo nhau sớm quá, gia đình muốn cản cũng khó. Còn cần lao động thì càng không phải vì giờ cuộc sống không còn phụ thuộc quá nhiều vào nương rẫy nữa".

Rồi ông Nù giải thích rõ hơn về tục bắt vợ của đồng bào dân tộc mình. Theo đó, ngày trước, khi đến tuổi trưởng thành, lao động sản xuất thành thạo, thanh niên đồng bào dân tộc Mông sẽ tìm hiểu về bạn tình. Khi đã thương yêu nhau, được sự đồng ý của bố mẹ hai bên, vào mùa Xuân, chàng trai sẽ nhờ thêm bạn bè, người thân đến kéo người yêu về ra mắt gia đình, dòng họ. Sau đó, đôi nam nữ sẽ được gia đình hai bên tổ chức đám cưới theo phong tục để bắt đầu cuộc sống mới. "Bây giờ nhiều cháu chưa biết nấu cơm, giặt quần áo... đã vội lấy vợ, cưới chồng. Nhưng chỉ sau một thời gian, không sống được với nhau, lại đường ai nấy đi, con gái tìm đường về nhà bố mẹ đẻ, dang dở chuyện học hành cũng như tương lai phía trước. Có đứa nghĩ quẩn tìm đến cái chết" - ông Nù khẳng định như vậy.

Nhìn đứa cháu gái mắt đang nhìn chăm chăm vào chiếc điện thoại thông minh, ông Nù nói thêm: "Lớp trẻ đang chịu những tác động rất lớn từ mặt trái của internet, mạng xã hội. Phần lớn học sinh đi học xa nhà đều được bố mẹ mua cho điện thoại di động để liên lạc khi cần thiết. Thế nhưng, chỉ có thời gian lên lớp, thầy cô còn quản lý được, khi về ký túc xá, phòng trọ, chúng chỉ bám mặt vào điện thoại. Trên mạng có quá nhiều thông tin xấu độc, không phù hợp với trẻ vị thành niên trong khi nhận thức của bọn trẻ còn hạn chế nên dễ bị cuốn theo, sa ngã. Đây cũng là một nguyên nhân lớn khiến nạn tảo hôn tăng cao”.

Bài 3: Còn đó nhiều thách thức

Viết Lam

Bình luận

ZALO