Biên phòng - Thống kê của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2023 rất thấp so với kế hoạch được giao. Bước sang 2023, vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư công tăng khoảng 25% so với năm 2022 lên tới khoảng 711.000 tỷ đồng. Đến nay đã giao được hơn 90% tổng số vốn Quốc hội đã quyết nghị nhưng giải ngân chỉ đạt 14,66%.
Cụ thể, chỉ có 3 bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%; 47/52 bộ, cơ quan trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, đặc biệt là có tới 32 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch.
Theo chuyên gia tài chính, tình trạng giải ngân vốn chậm là vấn đề nóng hiện nay nhưng đã tồn tại từ hàng chục năm trở lại đây. Mặc dù, các cấp, ngành, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xử lý quyết liệt. Thế nhưng việc khắc phục những tồn tại, yếu kém về quản lý đầu tư xây dựng nói chung, giải ngân vốn đầu tư công nói riêng còn rất chậm.
Với tiến độ giải ngân hiện nay, chắc chắn cả năm 2023 sẽ không giải ngân hết lượng vốn trong dự toán ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư phát triển. Điều này dẫn đến hệ quả có tiền không tiêu được, phải chuyển nguồn sang năm sau, mục tiêu chính sách không đạt yêu cầu.
Khi quyết định dự toán ngân sách Nhà nước 2023, trước nguy cơ suy thoái hiện hữu, Quốc hội đã phải chấp nhận tăng tỷ lệ bội chi ngân sách, nới lỏng chính sách tài khóa để có nguồn bổ sung, tăng nguồn đầu tư nhà nước. Nhà nước còn nới lỏng chính sách tiền tệ để thu hút nguồn lực tăng cho đầu tư phát triển.
Bây giờ có tiền lại không tiêu được thì mục tiêu này không còn ý nghĩa. Tiền đi vay vẫn phải trả lãi suất. Rõ ràng, sự chậm trễ trong đầu tư công dẫn đến lãng phí ghê gớm và tăng gánh nặng cho ngân sách.
Các cơ quan quản lý đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm như: thể chế, cơ chế, chính sách chưa điều chỉnh phù hợp, kịp thời, quy định phức tạp về ngân sách, đất đai, môi trường; tổ chức thực thi không nhất quán; hạn chế trong xây dựng kế hoạch; chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư… Cùng với đó, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh và nhiều nơi còn thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu gây sức ép và khó khăn trong triển khai các dự án đầu tư công.
Đáng lo ngại là không ít lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương chần chờ, sợ trách nhiệm, thủ tiêu sự năng động sáng tạo, không dám làm, khiến nhiều dự án “đóng băng”. Rõ ràng vấn đề chế độ trách nhiệm với người đứng đầu cần phải được xem xét cụ thể. Người đứng đầu phải dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung, điều này đã được quy định rất rõ. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ trì trệ, đồng nghĩa với suy thoái, tụt hậu, cần có chế độ xử lý tùy theo từng mức độ để chấn chỉnh lại trật tự kỷ cương.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công không chỉ mang lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội mà còn là một trong những giải pháp hết sức quan trọng và thiết thực để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Mới đây, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tập trung hướng dẫn và tổng hợp chung nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về việc kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 sang năm 2023.
Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, các chuyên gia cho rằng cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; kịp thời điều chỉnh các đơn giá cho phù hợp với thực tiễn để bảo đảm công trình có chất lượng bền vững… Đồng thời, có chế tài xử lý các chủ đầu tư, ban quản lý dự án không thực hiện hết kế hoạch vốn đã được giao.
Thanh Thảo