Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:03 GMT+7

Hé lộ những bí ẩn từ bãi cọc Kinh Môn

Biên phòng - Năm 2015 và 2018, các nhà khảo cổ học đã phát hiện thêm bãi cọc Kinh Môn, tỉnh Hải Dương sau khi khai quật, đã hé mở nhiều bí ẩn về lịch sử chống ngoại xâm của tổ tiên ta.

y2jp_17b
Con đường xâm lược và chống xâm lược từ biển vào Thăng Long. Ảnh: Trịnh Sinh

Trong lịch sử quân sự nước ta có nghệ thuật đánh giặc bằng... cọc. Trong sách binh thư thời Nguyễn còn dạy cách làm cọc cắm sông như sau: “Cơ giữ nước tất lấy sông lớn làm hiểm. Song có sông lớn mà không chuẩn bị thì giữ thế nào?

Cho nên đóng cọc dưới lòng sông để ngăn bắt thuyền giặc, công hiệu gấp mười xích sắt chắn sông. Nên sai ba quân chuẩn bị cột gỗ độ 200 cái cũng được, đem đến cửa sông cắm xuống nước, xa gần so le, dài ngắn không đều, hình như răng chó cài nhau, để ngầm dưới mặt nước không để lộ ra. Thuyền giặc tiến đến thì tất bị cọc gỗ ngăn trở, dù thuyền nhẹ buồm căng gió tốt, ra sức mà chèo, cũng không đi được một bước”.

Ở một nước nhiệt đới, lắm sông ngòi như nước ta, người Việt từ xa xưa đã là các chiến binh giỏi thủy chiến, thạo cung nỏ. Họ lại còn giỏi dùng mưu khi đánh giặc trên sông. Vì thế, trong lịch sử có nhiều lần người Việt đã có lối đánh trên sông, nhử giặc vào chỗ mai phục bằng trận địa cọc. Trước tiên, họ phải rất am hiểu quy luật của thủy triều lên xuống ở vùng cửa sông như Bạch Đằng chẳng hạn.

Theo các nhà khoa học, mực nước sông lúc đỉnh và lúc thấp nhất của con nước chênh nhau lên tới 2,5-3,2m. Chỉ cần dụ địch vào lúc triều lên cao nhất, khi thuyền to cũng vượt qua được cọc ngầm, thì lúc thủy triều xuống, tập trung quân thủy bộ chặn giặc, phản công, giặc sẽ không còn đường rút, bãi cọc phơi ra, thuyền giặc bị đâm thủng, bị xô nghiêng, quân giặc hốt hoảng lo sợ, quân ta dễ dàng tiêu diệt.

Thư tịch ghi lại người anh hùng Ngô Quyền đã sử dụng cách cắm cọc ở Bạch Đằng vào năm 938 để đánh giặc phương Bắc. Khi đó, vua Nam Hán tự cầm quân, con vua Nam Hán là Hoằng Tháo chỉ huy chiến thuyền từ biển vào sông Bạch Đằng. Không ngờ, Ngô Quyền đã cho quân đem cọc lớn vạt nhọn, đầu bịt sắt, đóng ngầm nơi cửa biển. Khi triều lên, ông cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua chạy để Hoằng Tháo và thuyền giặc đuổi theo.

Khi đã qua vùng cắm cọc cũng là lúc nước triều xuống, bãi cọc nhô ra, đại quân ta mới dùng thuyền dưới nước và quân bộ trên bờ tiêu diệt. Thuyền giặc đều mắc vào cọc đầu bịt sắt mà lật úp, quân địch chết đuối quá nửa, tướng Hoằng Tháo bị bắt sống và bị giết chết. Thương con trai chết trận, vua Nam Hán cũng đành ngậm ngùi lui binh về nước và từ bỏ giấc mộng chinh phục phương Nam.

Hơn 40 năm sau, sông Bạch Đằng lại được vua Lê Đại Hành sai quân cắm cọc để ngăn quân Tống xâm lược. Tướng nhà Tống là Lưu Trừng kéo vào sông Bạch Đằng để tiến sâu vào đồng bằng Bắc bộ theo con đường sông quen thuộc mà các nhà viết sử đặt tên là “con đường xâm lược” từ sông Bạch Đằng qua sông Kinh Thầy đã vùng Lục Đầu Giang, sông Đuống để vào thành Đại La-Tống Bình, tức Hà Nội bây giờ.

Trận chiến diễn ra ở khu vực cửa sông Bạch Đằng, giằng co quyết liệt. Cuối cùng, quân giặc cũng bị đại bại. Tuy nhiên, sử sách cũng không nói rõ bãi cọc đã diệt được nhiều thuyền Tống, nhưng chắc chắn là nó cũng góp phần không nhỏ vào việc đánh bại quân giặc.

Hơn ba thế kỷ sau đó, sông Bạch Đằng lại loang máu giặc. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sử dụng cách đánh truyền thống “đóng cọc ở sông Bạch Đằng, phủ cỏ lên trên. Hôm ấy, nhân lúc thủy triều lên, Vương cho quân khiêu chiến rồi giả cách thua chạy, bọn giặc đuổi theo, quân ta cố sức đánh lại. Khi nước triều xuống, thuyền giặc vướng cọc hết.

Nguyễn Khoái chỉ huy quân Thánh dực, dũng nghĩa đánh nhau với giặc, bắt sống Bình chương Áo Lỗ Xích. Vua sai đem quân tiếp viện đến, tổ chức đánh lớn, quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết làm cho nước sông đỏ một màu máu. Quân ta bắt được 400 chiếc thuyền. Nội Minh tự Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lê Cơ Ngọc dâng lên thượng hoàng”.

Kể cũng lạ, quân xâm lược chẳng rút được kinh nghiệm gì từ những lần bị đại bại bởi cách đánh “cắm cọc” của người Việt trong trận chiến với Ngô Quyền và Lê Đại Hành mà vẫn phải chịu thua, trận sau đau hơn các lần trước. Ta vẫn một binh pháp quen thuộc, thậm chí quá đơn giản. Đương nhiên, nguyên nhân sâu xa là tinh thần cảm tử của đội quân “Sát Thát”. Nhưng nguyên nhân cụ thể thì cách đánh giặc Nguyên Mông của nhà Trần cũng khác cách đánh quân Nam Hán và quân Tống.

Hai lần đầu, quân xâm lược từ biển đánh vào và chiến trận chỉ quanh quẩn nơi cửa biển. Lần thứ ba, quân xâm lược trong thế phải rút lui, vì đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đã bị đánh chìm ở ngoài biển. Cuộc rút lui của quân địch từ hướng Vạn Kiếp theo sông Bạch Đằng ra biển. Một cuộc rút lui mệt mỏi, ra đến vùng cửa sông lại bị các bãi cọc của quân ta đâm thủng thuyền.

wd86_17a
Những chiếc cọc trong bãi cọc Kinh Môn đang lưu giữ tại chùa Nhẫm Dương. Ảnh: Trần Anh Dũng

Trong cuộc rút lui vào năm 1288 này, Ô Mã Nhi đã bị đánh chặn dọc đường, có thể sự ra đời của bãi cọc Kinh Môn là nằm trong suy tính của quân dân Đại Việt.

Bãi cọc này được nhân dân thôn Nghĩa Lộ, xã Hoành Sơn, huyện Kinh Môn, Hải Dương đào ao thả cá ở cánh đồng Cầu Thủ, đã phát hiện vào năm 2015 và được các nhà khảo cổ khai quật đầu năm 2018. Những chiếc cọc này có chiều dài khoảng 3m, đường kính khoảng 30cm, được vát nhọn hai đầu, cắm xuống đất. Hiện, một số cọc còn để tạm ở chùa Nhẫm Dương gần nơi phát hiện, trước khi đem về Bảo tàng Hải Dương.

Bãi cọc Kinh Môn nằm cách bãi cọc Bạch Đằng khoảng gần 40km đường sông. Điều đó cho thấy khả năng quân dân Đại Việt không chỉ cắm cọc ở Bạch Đằng, mà còn ở dọc đoạn sông chảy ra cửa Bạch Đằng, có một hệ thống bãi cọc mà bãi cọc Kinh Môn chỉ là một trong số đó. Đáng chú ý, Kinh Môn khi đó là nơi đóng đại bản doanh của Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông để chỉ huy quân sĩ chiến đấu.

Vì thế, bãi cọc Kinh Môn rất quan trọng trong việc phòng thủ đường sông, góp phần hướng quân Nguyên chọn lựa lối lui quân qua các đoạn sông hướng về bãi cọc lớn hơn ở Bạch Đằng để tiêu diệt. Chính Ô Mã Nhi đã sai lầm khi nhận định mà thư tịch còn ghi: Không cho quân rút về đường biển bằng các dòng sông thuận tiện hơn vì sợ thủy quân nhà Trần vây chặt, vì thế, chọn con đường qua sông Đá Bạc, sông Bạch Đằng sẽ đỡ nguy hiểm hơn. Ngờ đâu, sai lầm chiến thuật này của địch lại rơi vào cái bẫy đã được giăng sẵn của quân Đại Việt, bởi bãi cọc trên sông Bạch Đằng.

Bãi cọc Kinh Môn vẫn còn chứa chất nhiều câu hỏi cần được giải đáp, nhưng một điều chắn chắn: Đây là một mắt xích quan trọng trong trận chiến thắng quân Nguyên Mông bằng các bãi cọc năm 1288, một trận chiến oai hùng mà Trương Hán Siêu trong bài “Bạch Đằng Giang phú” còn cảm thán:

“Đến nay sông nước tuy chảy hoài,

Mà nhục quân thù khôn rửa nổi”.

Giáo sư, Tiến sĩ  Trịnh Sinh

Bình luận

ZALO