Biên phòng - “Hãy cứu biển” là chủ đề của buổi triển lãm được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Đại sứ Đại dương xanh, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (nghệ danh Lekima Hùng) tổ chức từ ngày 4 đến 9-6, tại Trung tâm triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh (29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Những bức ảnh tại buổi triển lãm như một hồi chuông gióng lên về thực trạng ô nhiễm rác thải đáng báo động ở Việt Nam, đem đến cho người xem những cảm xúc khó quên.

Đến năm 2050, rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cá ở biển và đại dương
Các sản phẩm từ nhựa và ni lông ra đời đã mang lại những tiện ích lớn cho đời sống con người, tuy nhiên, việc sử dụng những sản phẩm này đã và đang để lại những hậu quả khôn lường đối với môi trường, sức khỏe con người và các sinh vật biển. Phải mất hàng trăm năm, thậm chí là hàng nghìn năm, các chất phát thải nhựa mới bị tiêu hủy. Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có tới 500 tỷ túi nhựa được sử dụng, 8 đến 12 triệu tấn nhựa bị rò rỉ ra biển. Nếu xu hướng này tiếp tục, đến năm 2050, rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cá ở biển và đại dương.
Là một quốc gia với tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe con người, trong đó, ô nhiễm rác thải nhựa chiếm một phần không nhỏ. Với hơn 3.000km đường bờ biển dọc theo chiều dài đất nước, mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa qua 112 cửa sông. 80% lượng rác thải biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Các con số này cho thấy, đã đến lúc chúng ta phải hành động ngay trong cuộc chiến chống rác thải nhựa nhằm cứu lấy đại dương xanh.
Phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định: “Rác thải nhựa là một trong những thách thức toàn cầu, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các quốc gia từ Chính phủ, doanh nghiệp tới người dân”. Bà cũng kêu gọi mọi người nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường để tạo ra một Việt Nam xanh hơn, sạch hơn.
Trước những tác hại tiêu cực từ rác thải nhựa đối với môi trường biển, Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều giải pháp thiết thực nhằm khắc phục tình trạng trên. Tháng 10-2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức chính trị-xã hội ký kết phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn.
Vượt 7.000km xuyên Việt “săn” rác thải nhựa
Triển lãm “Hãy cứu biển” trưng bày hơn 100 bức ảnh, được lựa chọn từ hơn 3.000 bức ảnh được tác giả Lekima Hùng chụp dọc theo hơn 3.000km bờ biển, tại 28 tỉnh, thành phố và hơn 100 cửa sông trên cả nước. Chụp ảnh về rác thải màu sắc thường rất u ám, nhưng trong các tác phẩm của Lekima Hùng, ta lại thấy những gam màu rực rỡ, không có một tông màu đen trắng nào được sử dụng, điều này làm nổi bật lên sự đa dạng, muôn màu của rác thải trong đời sống.
Mối cơ duyên đưa anh đến với ý tưởng chụp rác thải nhựa, xuất phát từ biến cố lớn của gia đình. Cách đây 5 năm, người mẹ thân yêu của anh mắc phải căn bệnh ung thư quái ác. Trước nỗi đau đó, anh lặng lẽ quan sát cách sinh hoạt của gia đình, đặc biệt là của mẹ để tìm hiểu nguyên nhân, chính thói quen dùng lại chai nhựa có chất BPA để đựng nước uống phần nào đã gây ra căn bệnh hiểm nghèo cho mẹ của anh. Từ đó, nhiếp ảnh gia trẻ nhận thấy rằng, rác thải nhựa đang tác động vô cùng xấu đến sức khỏe của con người và môi trường, đặc biệt là môi trường đại dương. Đó chính là lí do thôi thúc anh lên đường, săn rác thải nhựa, cứu đại dương.
Để có những bức ảnh đẹp, phản ánh chân thực bức tranh ô nhiễm biển, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng đã mất một năm để nghiên cứu, tìm hiểu về nhựa và trải qua 7.000km xuyên Việt để săn rác thải nhựa trong năm 2018. Anh chia sẻ, một người anh lớn tuổi của tôi là nhiếp ảnh gia Nick Ut, người đã chụp bức ảnh “Em bé Napalm” gây ấn tượng mạnh với người xem, gần 10 năm trước đã nói với tôi rằng “muốn chụp tốt, phải hiểu rõ những gì mình đang chụp”.
Chia sẻ về thực trạng rác thải nhựa đổ ra biển ở Việt Nam, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng cho biết, trên đường đi, tôi đã đi qua hơn 100 cửa sông đổ ra biển, cứ khoảng 20km là gặp một cửa sông. Trong quá trình thực hiện bộ ảnh này, tôi đã được rất nhiều người dân giúp đỡ, họ vô tư cho tôi chụp hình. Nhưng cũng không ít người dân, không thích tôi chụp ảnh khi họ vứt rác. Nhiều bức ảnh tôi phải chụp trộm hoặc quay lén nên đôi khi có những thước phim quay xong, bố cục không được chuẩn. Lại có những nơi, họ định đổ rác ra biển, nhưng khi nhìn thấy tôi thì họ dừng lại, các xe ô tô đổ rác cứ nối đuôi nhau, không đổ. Với mong muốn có được những bức hình chân thực, tôi đã cố nán lại để chờ đợi. Nhưng đến khi họ gọi điện thoại cho ai đó thì tôi phải đi vì sợ rằng sẽ có nguy hiểm.
Những khó khăn, thách thức mà nhiếp ảnh gia Lekima Hùng gặp phải đã không uổng công anh, khi anh sở hữu một bộ sưu tập ảnh rất giàu giá trị nội dung. Anh chia sẻ: Máy ảnh của tôi đã ghi lại những vùng toàn rác, những con người oằn mình trong rác. Khi những bức ảnh được chia sẻ, rất nhiều nơi đã được dọn dẹp, tôi được bạn bè gửi lại những bức hình tại chính những nơi đó, chỉ khác là đã không còn rác.
Thông qua buổi triển lãm, tác giả cũng muốn gửi đến mọi người một thông điệp: “Chúng ta chỉ có một hành tinh, chúng ta chỉ có một đại dương, vì vậy, chúng ta có chung một nhiệm vụ đó là giảm rác thải nhựa đổ ra đại dương”.
Hoàng Chang