Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:14 GMT+7

Hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đối với phụ nữ dân tộc thiểu số

Biên phòng - Thời gian qua, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu sổ (DTTS).

Tư vấn cho bà mẹ người DTTS ở Điện Biên về phòng tránh bệnh ở trẻ em. Ảnh: Yến Nhi

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015 cho thấy, tỷ lệ tảo hôn chung của 53 DTTS là 26,6%, trong đó tỷ lệ tảo hôn cao nhất thuộc các DTTS sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn như: Mông 59,7%; Xing Mun 56,3%, La Ha 52,7%. Gia Rai 42%; Raglay 38,3%; Bru - Vân Kiều 38.9%,... Trong 40/53 DTTS, tỷ lệ này là trên 20%, trong đó có 13 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 40-50% trở lên; 6 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 50-60% trở lên.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống diễn ra nhiều tại vùng DTTS. Các DTTS có tỷ lệ tảo hôn cao gấp 6 lần so với dân tộc Kinh và gấp gần 3,5 lần so với tỷ lệ chung của cả nước; trong đó 25/53 DTTS có tỷ lệ tảo hôn trên 10%. Các dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phụ nữ; đồng thời làm giảm chất lượng giống nòi, chất lượng dân số. Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Phụ nữ kết hôn cận huyết thống khi sinh con rất dễ bị tử vong, bệnh tật và đứa con sinh ra cũng dễ tử vong hoặc bệnh tật, chậm phát triển, suy dinh dưỡng. Những đứa trẻ được sinh ra từ các cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống thì có tới 25% khả năng bị bệnh và 50% mang gen bệnh tan máu bẩm sinh di truyền Thalassemia. Nước ta được xếp vào khu vực có nguy cơ cao với hơn 5 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh, hơn 20.000 bệnh nhân cần được điều trị.

Đồng thời, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng là một những nguyên nhân dẫn tới đói nghèo kéo dài. Trên thực tế, các địa phương có tỉ lệ đói nghèo cao thường diễn ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhiều. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của đói nghèo, thất học, suy giảm chất lượng cuộc sống… Những đứa con được sinh ra bởi cặp vợ chồng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống thường dị tật, ốm yếu, sẽ gây gánh nặng y tế lên gia đình, xã hội; nên cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là rào cản đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đã cam kết thực hiện với Liên Hợp Quốc như: Giảm tình trạng đói nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam nữ, giảm tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và đấu tranh chống các bệnh dịch.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống khiến chất lượng dân số suy giảm, kéo theo chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS cũng kém hơn các vùng miền khác trên cả nước. Những gia đình kết hôn cận huyết thống với gánh nặng kinh tế sẽ ít có cơ hội được cho con cái học tập; người mẹ, người cha ít được tham gia những lớp, khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kĩ năng…

Trước thực trạng trên, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội miền núi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền gắn với phát động các phong trào vận động đồng bào DTTS giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào về hậu quả của hôn nhân cận huyết thống, qua đó giúp người dân hiểu được những hệ lụy nghiêm trọng mà hôn nhân cận huyết thống gây ra cho bản thân họ và xã hội. Ngành dân số, y tế phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung tuyên truyền về kĩ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, thanh niên. Trong đó, tập trung vào các địa bàn có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao. Đẩy mạnh công tác truyền thông, cung cấp kiến thức về sự phát triển tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì…

Tuấn Khang

Bình luận

ZALO