Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:56 GMT+7

Hậu phương vững chắc của những người lính “tăng cường”

Biên phòng - Vợ Thượng úy Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: “Anh cứ an tâm lên đường, ở nhà đã có em gánh vác tròn công việc”. Còn vợ Đại úy Nguyễn Bản thì khảng khái kiểu đặc sệt của con gái ở đảo: “Không có chi, bình thường mà anh”.

Vợ chồng Đại úy Đinh Đại Nghĩa và 2 con. Ảnh: Gia đình cung cấp

Tại thị trấn huyện Ba Tơ, cách thành phố Quảng Ngãi hơn 60 km, chị Nguyễn Thị Lệ (sinh năm 1989), cứ sáng sớm lại hối hả đưa 2 con đi học. Chị và Đại úy Đinh Đại Nghĩa cưới nhau năm 2014, đến nay đã có 2 cháu bé kháu khỉnh. Cháu Đinh Gia Linh 3 tuổi rưỡi và Đinh Gia Khánh 25 tháng tuổi. Hạnh phúc với đôi vợ chồng trẻ là 2 đứa con, có cả nếp, cả tẻ. Vợ chồng chị đã tạo lập được ngôi nhà nhỏ ở phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi, nhưng công việc của chị vẫn cách nhà hơn 60km và việc chăm sóc con được chia sẻ cho gia đình cha, mẹ cả 2 bên.

Chồng chị là Đại úy Đinh Đại Nghĩa (sinh năm 1989), cán bộ Phòng Chính trị, BĐBP Quảng Ngãi. Đại úy Nghĩa là người đồng bào dân tộc H,rê, quê ở thị trấn Ba Tơ. Cha của Đại úy Nghĩa là ông Đinh Xuân Quynh, nguyên là Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Ba Tơ. Ông Quynh từng là học sinh miền Nam ra học tại Hải Phòng và trở về miền Nam sau năm 1975, vì vậy, ông luôn động viên con trai út theo cách của một người cha từng trải, phải biết cống hiến cho xã hội để góp phần xây dựng đất nước.

Chị Lệ cho biết: “Anh hay đi xa nhà, nên con cũng quen cảnh quấn lấy mẹ và ông bà ở 2 bên nội, ngoại. Do cha đi công tác xa nhà dài ngày nên các con thường dồn dập hỏi ba đâu, chừng nào ba về”. Chị Lệ xác định, đã làm vợ lính thì có lúc phải chia xa, gặp nhiều vất vả, vợ lính phải gánh vác công việc thay cho người đàn ông trong gia đình. “Tự đáy lòng, tôi thầm chúc cho anh và đồng đội đi tăng cường phòng, chống Covid-19 hoàn thành tốt nhiệm vụ, bởi vì nếu biên giới không canh gác kỹ, để lọt người vượt biên, lây lan dịch bệnh thì sẽ ảnh hưởng đến cả cộng đồng” - chị Lệ chia sẻ.

Tại huyện đảo Lý Sơn, trong đợt tăng cường cho BĐBP Tây Ninh đợt này có Đại úy Nguyễn Bản, cán bộ Đồn Biên phòng Lý Sơn, BĐBP Quảng Ngãi. Ở đảo đang vào mùa thu hoạch tỏi đầu năm, giữa cuộc sống nhộn nhịp thì cũng có một khoảng bình lặng ở gia đình Đại úy Bản. Chị Lê Thị Cúc, vợ Đại úy Bản cho biết, chị rất ngại trả lời phỏng vấn, vì không biết nói gì. Khi phóng viên hỏi về chuyện động viên chồng như thế nào để anh hoàn thành nhiệm vụ trong đợt tăng cường, chị chỉ trả lời ngắn gọn là “chúc anh lên đường bình an và hoàn thành nhiệm vụ”.

Chị chia sẻ thêm về người chồng của mình, chị cho biết, quê anh ở trong đất liền (xã Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi), khi anh ra đảo Lý Sơn công tác thì hai người gặp nhau và lập gia đình vào năm 2010. Anh chị có 1 con gái là Lê Thị Diệu My, 10 tuổi. Do anh đi xa nên bản thân phải cố gắng gánh vác mọi công việc trong gia đình. Trước đây, anh đã từng vào đất liền và công tác tại Đại đội Huấn luyện - Cơ động BĐBP Quảng Ngãi. Đó cũng là khoảng thời anh xa nhà. Bởi giữa đảo và đất liền giờ đây đã thông thương bằng tàu siêu tốc, tuy nhiên, vào mùa Đông thì con đường ra đảo liên tục bị kẹt vì sóng gió.

Tại khu nhà trọ trên đường Phan Bội Châu, thành phố Quảng Ngãi, ngoài công việc cơ quan giờ kiêm thêm cả việc đưa đón con kể từ khi chồng chị nhận quyết định đi tăng cường, cắm chốt chống dịch Covid-19 ở tuyến biên giới Tây Ninh chị Nguyễn Thị Kiều (sinh năm 1989), vợ Thượng úy Đinh Tiên Hoàng, cán bộ Phòng Trinh sát, BĐBP Quảng Ngãi trở nên bận rộn hơn. Chị cho biết, 2 vợ chồng quê ở huyện miền núi Sơn Hà, anh Hoàng là người đồng bào dân tộc H,rê ở tận thôn Làng Rê, xã Sơn Kỳ. Do anh Hoàng lớn lên ở một vùng quê nghèo khó nhất ở Quảng Ngãi, nên đã rèn cho anh ý chí vượt khó, vươn lên.

Ngày 25-3, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi tổ chức gặp mặt, giao nhiệm vụ cho 30 quân nhân tăng cường cho BĐBP Tây Ninh thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19.

Chị Kiều chia sẻ, cha mẹ chồng đều già yếu và đã qua đời, ông từng là cán bộ tập kết ra miền Bắc, lấy vợ người Hà Nội, sau năm 1975 thì quay trở về Quảng Ngãi. Khi nhận quyết định tăng cường cho BĐBP Tây Ninh, anh Hoàng luôn động viên vợ rằng, công việc trên này sẽ được anh và đồng đội hoàn thành tốt, vì mỗi người lính vào thời điểm này phải hết sức trách nhiệm thì đất nước mới tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Hàng ngày, cô con gái Đinh Kim Vũ (5 tuổi) nhảy nhót như chú chim non và hỏi: “Mẹ ơi, ba đâu, khi nào ba về?”. Ngôi nhà trọ của chị Kiều lại vang lên tiếng cười khi người cha ở phương xa gọi về nói chuyện. “Dù là con gái, nhưng còn nhỏ đã cá tính, mạnh mẽ, chắc con bé giống ba, không khó khăn nào có thể làm sờn lòng”- chị Kiều tâm tình.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO