Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 09:31 GMT+7

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6):

Hậu phương vững chắc của người lính nơi tuyến đầu

Biên phòng - Mỗi khi có dịp lên biên cương, gặp gỡ, trò chuyện với những người lính Biên phòng, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về người vợ của các anh với sự thương yêu và sẻ chia đong đầy. Trong gia đình người lính Biên phòng, khi mà người chồng thường xuyên vắng nhà, mọi việc đều dồn lên đôi vai người vợ. Những người vợ đằng đẵng chờ chồng giữa thời bình, vừa làm mẹ, “làm cha” của các con đã trở thành điểm tựa vững chắc, góp phần giúp người lính Biên phòng yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên biên giới.

Vợ chồng Thiếu tá Phạm Thắng và hai con chụp ảnh tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang. Ảnh: Quốc Bình

Trong chuyến đi công tác tại tỉnh Điện Biên, chúng tôi có dịp ghé thăm ngôi nhà của chị Nguyễn Mai Hoa, vợ Thiếu tá Phạm Thắng, công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang, BĐBP Điện Biên. Nhìn dáng người nhỏ nhắn của chị Hoa, ít ai nghĩ rằng, chị đã phải một mình vượt qua nhiều thử thách khi làm vợ lính Biên phòng.

Sáng nào cũng vậy, chị Hoa đều tất bật chuẩn bị đồ ăn sáng, sách vở cho các con đến trường. Buổi trưa, khi tan sở là chị lại vội về nhà chuẩn bị cơm nước cho con để con kịp học buổi chiều. Chị Hoa hiện công tác tại Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên. Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng nhưng khi quyết định kết duyên với người lính Biên phòng, để được gần nhau hơn, chị đã xin chuyển công tác lên Điện Biên.

Có chồng là BĐBP, thường xuyên xa nhà nên mọi việc trong gia đình đều do bàn tay chị lo toan, vun vén. “Chồng ở biên giới, vợ, con ở nhà ốm đau, đi viện cũng một mình lo toan. Ngay cả chuyện xây nhà cũng một mình chị đứng ra xoay xở vật liệu, công thợ. Thế nên, sau 3 năm khởi công, nhà mới hoàn thiện được cầu thang, trát, sơn tường...” - Chị Hoa tâm sự.

Không chỉ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chị Hoa còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hiện, chị là Bí thư Chi đoàn Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn cơ sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên. Chị thường xuyên đứng ra tổ chức các hoạt động của Đoàn thanh niên như: Phối hợp với Đoàn thanh niên các bản văn hóa du lịch tại thành phố Điện Biên Phủ xây dựng cảnh quan, môi trường; kết nối với các công ty du lịch tổ chức tour du lịch kết hợp làm thiện nguyện; kết nối với hội thiện nguyện tổ chức tặng quà cho nhiều điểm trường ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên; tặng quà các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang; tham gia các hoạt động tri ân, “đền ơn, đáp nghĩa” gia đình chính sách, người có công với cách mạng...

Từ năm 2020, khi cả nước căng mình trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Thiếu tá Phạm Thắng cùng đồng đội thường trực sẵn sàng chiến đấu trên biên giới để phòng, chống dịch và chống xuất, nhập cảnh trái phép nên càng ít dịp được về thăm nhà. Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các đồn Biên phòng trực 100% quân số, chị Hoa quyết định đưa cả 2 con lên đơn vị thăm chồng và ăn Tết luôn tại đồn Biên phòng. Chị Hoa bảo: “Lên thăm chồng, được anh dẫn lên chúc Tết anh em đang trực chiến trên các chốt phòng, chống dịch Covid-19 ở biên giới càng thấy thương chồng và đồng đội của anh. Những lúc ấy mới cảm nhận được những khó khăn của mình chẳng thấm vào đâu so với công việc người lính Biên phòng đang làm. Bản thân mình phải chăm lo mọi việc gia đình để chồng yên tâm công tác”.

Cũng là vợ lính Biên phòng, từ nhiều năm nay, chị Lưu Thị Dương, người dân tộc Thái, giáo viên Trường Mầm non xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cũng thay chồng nuôi dạy các con và làm tròn bổn phận với gia đình nhà chồng. Chồng chị là Trung úy Tẩn Chỉn Quang (người dân tộc Dao), công tác ở Đồn Biên phòng Huổi Luông, BĐBP Lai Châu.

Chị Lưu Thị Dương và hai con luôn vững vàng trước khó khăn để chồng yên tâm công tác. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vợ chồng chị Dương sinh được 2 cháu, nhưng cháu lớn 7 tuổi bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh từ nhỏ nên không tự đi lại được, trí não chậm phát triển. Sự vất vả nuôi dưỡng 2 con nhỏ thêm bội phần khi chồng chị thường xuyên công tác xa nhà. Nhà vắng chồng, mọi việc trong nhà đều do chị Dương lo liệu. Hằng ngày, sau giờ lên lớp, cô giáo Dương lại tất tả về nhà chăm con bị bệnh. Hằng tháng, mẹ con lại bồng bế nhau vượt 60km đường núi về Bệnh viện tỉnh Lai Châu để điều trị bệnh...

Chị Dương cho biết, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, chồng chị thỉnh thoảng còn được đi tranh thủ về nhà với vợ, con. Từ khi anh lên chốt phòng, chống dịch, hai vợ chồng chỉ gặp mặt nhau trên điện thoại. “Tôi hiểu nhiệm vụ, trách nhiệm nặng nề của người lính BĐBP nên luôn động viên anh cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Biết chồng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống ma túy và tội phạm trên biên giới, tôi càng nỗ lực khắc phục khó khăn để anh yên tâm công tác. Như bao người vợ lính khác, chúng tôi tâm niệm mình phải vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, xứng đáng với sự hy sinh, gian khổ của các anh nơi tiền tuyến. Những thành tích của anh lập được chính là động lực để tôi chăm lo con cái mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc” - Chị Dương chia sẻ.

Những người như chị Hoa, chị Dương cũng như bao người vợ lính Biên phòng trên mọi miền biên cương Tổ quốc không chỉ là điểm tựa về tinh thần, mà còn là hậu phương vững chắc để những người lính trên tuyến đầu yên tâm công tác, chắc tay súng bảo vệ sự bình yên biên giới.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO