Biên phòng - Người lính Biên phòng thường xuyên xa gia đình, quê hương để thực hiện nhiệm vụ ở những nơi xa xôi nhất, khó khăn nhất nơi tuyến đầu Tổ quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Nhưng hơn ai hết, trong thẳm sâu tâm hồn, những người lính Biên phòng luôn biết ơn những người vợ, người mẹ của các anh nơi hậu phương luôn thấu hiểu, cảm thông để các anh yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió. Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP về vấn đề này.
- Thưa Đại tá Văn Ngọc Quế, là người đã từng trải qua những cương vị công tác khác nhau của cuộc đời người lính trong BĐBP, Đại tá có thể chia sẻ về đặc thù của những người lính Biên phòng?
- Người lính Biên phòng luôn gắn liền với biên cương, hải đảo của Tổ quốc, những nơi heo hút nhất, gian khổ nhất, nơi mà mọi người hay dùng từ “nơi rừng thiêng, nước độc”... Đa số cán bộ, chiến sĩ (CBCS) BĐBP đều xa gia đình, quê hương, bản quán, chỉ có rất ít dịp được ở bên gia đình.
Bản thân tôi đã có trên 30 năm công tác, chủ yếu ở xa gia đình, nhất là những năm tháng tuổi trẻ lăn lộn ở đơn vị cơ sở nên thấu hiểu những khó khăn, vất vả của đồng đội. Đối với người lính nói chung, BĐBP nói riêng thì đồn là nhà, người thân chính là đồng đội, anh em đơn vị. Những chiến sĩ trẻ cũng như tôi của 30 năm về trước không được gần gia đình. Chúng tôi luôn mang trong mình sức trẻ và nhiệt huyết để cống hiến, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương, bảo vệ biên giới quốc gia...
- Trong điều kiện xa xôi cách trở và khó khăn như vậy thì làm thế nào để những người lính Biên phòng có thể giữ gìn và chăm lo cho hậu phương, hạnh phúc gia đình, thưa Đại tá?
- Điều mà chúng tôi luôn tự hào và tin tưởng, đó là: Ngày càng có nhiều người biết, quan tâm và chia sẻ những khó khăn với người lính và những việc làm của chúng tôi nơi biên giới. Đặc biệt, chúng tôi luôn được gia đình, hậu phương thấu hiểu, cảm thông nên dù có ở nơi xa xôi hay khó khăn thì CBCS BĐBP luôn yên tâm công tác. Tuy nhiên, có những lúc gia đình có công việc cần bàn tay của người đàn ông, chúng tôi cũng chỉ biết gọi điện, gửi tin nhắn về để động viên chia sẻ cùng vợ con; những lúc được về phép, tranh thủ thì dành hết thời gian cho gia đình, thăm hỏi động viên cha mẹ, giúp vợ, chăm con...
- Trong thời đại 4.0, cuộc sống của người lính Biên phòng nay chắc hẳn khác nhiều so với trước đây vì được kết nối với hậu phương thuận tiện hơn, Đại tá nghĩ như thế nào về điều này?
- Trong thời đại 4.0, công nghệ phát triển, đặc biệt là phương tiện thông tin liên lạc cũng rất phong phú, đa dạng, do đó, khoảng cách với hậu phương được xích lại rất nhiều; gần như nếu muốn thì có thể điện thoại, nhìn thấy hình ảnh trực tuyến qua facebook, zalo... nên mọi việc chia sẻ được dễ dàng.
- Những năm qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho CBCS yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, duy trì rất hiệu quả “Quỹ hỗ trợ vô sinh, hiếm muộn”. Việc duy trì quỹ này đã góp phần đem lại hạnh phúc cho những người lính Biên phòng ra sao, thưa Đại tá?
- Chương trình hỗ trợ vô sinh, hiếm muộn trong BĐBP là chương trình có ý nghĩa rất nhân văn và được đông đảo CBCS tham gia. Chương trình đã giúp cho rất nhiều cặp cán bộ vô sinh, hiếm muộn có được niềm hạnh phúc lớn lao. Tính đến thời điểm hiện nay, BĐBP có 752 cặp gia đình hiếm muộn. Trong 5 năm qua, BĐBP đã hỗ trợ cho 537 lượt cặp hiếm muộn được chữa bệnh và y học can thiệp với số tiền là 14 tỷ 385 triệu đồng và đã có 235 cặp hiếm muộn có con, 50 cặp xin con nuôi. Từ năm 2015 đến nay, BĐBP đã vận động CBCS tham gia “Quỹ hỗ trợ vô sinh, hiếm muộn” được trên 11 tỷ đồng.

- Đối với những người lính Biên phòng, giá trị của hạnh phúc không chỉ ở việc chăm lo cho tổ ấm của mình, mà còn chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” do BĐBP phát động trong 2 năm qua đã mang đến hạnh phúc cho các cháu nhỏ biên giới, hải đảo, Đại tá có thể chia sẻ về mô hình này?
- Tháng 6-2019, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, giao các đồn Biên phòng khảo sát, nhận nuôi, bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt các cháu chu đáo, phân công cán bộ trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn, giáo dục và chăm sóc các cháu tiến bộ... Đến nay, các đơn vị đã nhận nuôi 355 cháu (trong đó, nuôi tại đồn 258 cháu). Các cháu được nhận nuôi đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, 141 cháu mồ côi cả cha và mẹ, 142 cháu mồ côi cha, 39 cháu mồ côi mẹ và 5 cháu là con liệt sĩ. Ngoài ra, nhiều cháu bị bố mẹ bỏ rơi từ nhỏ, phải sống với họ hàng; bố mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần; bố mẹ ly hôn, bố mẹ đi làm ăn xa phải sống cùng ông bà; gia đình có bố nghiện ma túy...
Bước đầu, mô hình này đã giúp các cháu được chăm sóc tốt hơn cả về đời sống vật chất và tinh thần, kết quả học tập đã có bước tiến bộ rõ rệt, các cháu đã có những thay đổi về mặt ý thức, kỹ năng sống.
- Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Đại tá có gửi gắm gì với các gia đình người lính Biên phòng, nhất là với hậu phương của họ, nơi luôn giữ lửa để họ yên tâm cống hiến nơi tuyến đầu Tổ quốc?
- Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc, thay mặt CBCS BĐBP, tôi xin gửi lời cảm ơn tới tất cả các anh, chị, em là những người chồng, người vợ đã luôn đồng hành, gắn bó, hỗ trợ người lính Biên phòng chúng tôi; chúc các gia đình luôn tràn đầy sự thương yêu, hạnh phúc... Chúng tôi xin hứa sẽ vững chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc.
- Trân trọng cảm ơn Đại tá!
Thanh Thuận (thực hiện)