Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:23 GMT+7

Hầu hết các Doanh nghiệp Nhà nước đều vi phạm pháp luật ở các mức độ khác nhau

Biên phòng - Sáng 28-5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.

xdv6gk72m8-76539_2094502618668148379_Vu_Hong_Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội. Ảnh: Viết Hà

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, tính đến 31-12-2016, sau quá trình cơ cấu lại, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. DNNN cơ bản thực hiện được vai trò lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội. Hiệu quả kinh doanh nộp ngân sách Nhà nước có chiều hướng tích cực. Tổng doanh thu năm 2016 đạt 1.515.821 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 139.658 tỷ đồng, nộp ngân sách phát sinh 251.845 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2011.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đạt hiệu quả với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt trên 10%/năm. Việc đầu tư ra nước ngoài được triển khai khá tích cực, có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,608 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản…

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, DNNN tuy đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế nộp ngân sách Nhà nước có tốc độ tăng chậm (bình quân 3%/năm), chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, lũy kế tính đến 2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam 145 triệu USD, tương đương 2% tổng vốn đầu tư. 

Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp qua thanh tra, kiểm toán đều vi phạm pháp luật ở các mức độ khác nhau, như: Thực hiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, mua sắm tài sản không đúng quy định; huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dàn trải, tùy tiện; đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp không đúng quy định, góp vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả; hoạt động đầu tư tài chính vi phạm nghiêm trọng gây mất vốn hoặc thiệt hại lớn. Trong đó, một số DNNN vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp để lại hậu quả nặng nề, khó khắc phục, buộc phải xử lý, kỷ luật cán bộ.

Tại các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản, tình trạng khai thác vượt công suất; thăm dò, khai thác khi chưa được cấp giấy phép hoặc hết hạn khai thác; thiết kế mỏ không đúng giấy phép, kê khai thiếu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường… gây thất thoát tài nguyên quốc gia. Nhiều DNNN quản lý đất chưa chặt chẽ, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích dẫn đến bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý...

Viết Hà

Bình luận

ZALO