Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 12:57 GMT+7

Hàu “ăn” sổ đỏ của ngư dân

Biên phòng - Vân Đồn được mệnh danh là thủ phủ nuôi hàu lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Sau nhiều năm với tốc độ phát triển như xe không phanh, nay đang gặp tình trạng quá tải về môi trường, dẫn đến hàu chết hàng loạt. Người dân tiếp tục đầu tư để cầm cự, buộc phải thế chấp ngôi nhà đang ở cho ngân hàng để vay tiền, hy vọng gỡ gạc lại, nhưng phía trước còn mù mịt.

Vùng nuôi hàu bằng phao xốp ở xã Hạ Long có số lượng hàu chết lên đến 50%. Ảnh: Hải Luận

Bán “lúa non”

Sau một hồi “đàm phán”, ông Nguyễn Sĩ Bính, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn đồng ý dùng ca nô chở tôi đi một vòng để tận mắt chứng kiến vùng nuôi hàu lớn nhất tỉnh Quảng Ninh. Người dân nuôi hàu với mật độ dày đặc, từ xã Hạ Long kéo ra các xã Bản Sen, Minh Châu, Quan Lạn... Hộ nuôi ít cũng 2ha mặt nước biển, hộ nhiều từ 5-15ha.

Bản thân ông Bính cũng bị lỗ mấy tỷ đồng vì hàu chết, ông lái ca nô cho chạy xuyên qua diện tích nuôi hàu, rồi dừng lại, dùng cây sào dài vớt những dây hàu dưới nước lên chỉ cho tôi xem. “Anh xem, nuôi hàu giống như gieo mạ thế này thì lấy oxy, thức ăn ở đâu mà cung cấp cho đủ lượng hàu quá nhiều dưới biển. Hộ này có khoảng 50% lượng hàu đã chết. Mấy hộ nuôi trước mặt, bên phải cũng có lượng hàu chết như thế này” - ông Bính nói trong đau khổ.

Chiếc ca nô bị lạc vào “trận địa” dây hàu khó tìm đường ra, ông Bính vừa lần theo dây hàu, vừa chia sẻ: “1ha mặt nước biển nuôi được 13 lồng hàu, sản lượng 8 tấn/lồng, giá bán hàu thịt trung bình như hiện nay là 6.000đồng/kg. Như thế này là người nuôi có lãi, đây là con số mơ ước. Đại bộ phận vùng nuôi ở Vân Đồn đang quá tải, ô nhiễm môi trường, chỉ đạt sản lượng từ 2-4 tấn/lồng, thậm chí có một số nơi còn chết trắng. Nhiều người nói: Hàu “ăn” sổ đỏ ngư dân. Lúc đầu, dân đi vay vốn làm lồng mới nuôi, bị thua lỗ, vay tiếp để gỡ gạc, càng làm hàu càng chết. Có nhiều hộ đầu tư 3 tỷ đồng, bây giờ “cắt lỗ” sớm, kêu bán 1,3 tỷ, coi như bán lúa non, chẳng có ai dại ôm cục nợ vào người lúc này”.

Hì hục mãi, chiếc ca nô cũng lọt ra ngoài và chạy qua chỗ nuôi hàu của ông Lương Quốc Trị hỏi thăm tình hình. Một mình ông Trị ở trên chiếc thuyền nhỏ, chậm rãi bấm ngón tay nhẩm tính vốn đầu tư nuôi hàu: Năm 2019, đầu tư 400 triệu đồng nuôi hàu, cũng có chút lãi; năm 2022, chơi mạnh tay hơn, thay phao xốp sang phao bằng vật liệu HDPE (loại nhựa chuyên nuôi biển) với chi phí 600 triệu đồng, 200 triệu đồng mua giống hàu... Như vậy, tổng chi là 1,2 tỷ đồng, nuôi trên diện tích 4ha. Ông Trị than phiền: “Hàu nhà tôi chết khoảng 40-50%, chẳng hiểu do con nước hay gặp luồng gió độc gì mà nó chết nhiều như vậy?Từ đây đến thời điểm thu hoạch không biết còn lại được bao nhiêu hàu nữa? Coi như nắm chắc lỗ vốn nặng rồi”.

Tự “đốt nhà” mình

Vì sao hàu chết nhiều? Chỉ có người trong cuộc như ông Bính mới biết tường tận: “Không cần máy móc xét nghiệm, dân nuôi hàu chúng tôi khẳng định, hàu chết hàng loạt là do ô nhiễm môi trường nước, do chính ngư dân gây ra. Nếu nuôi năm đầu tiên ở vùng nước mới, đạt sản lượng 8 tấn/lồng, nhưng bước sang năm thứ 2, thứ 3, hàu chậm lớn và chết nhiều, người nuôi hết có lãi, bị âm nợ”.

Ông Lương Quốc Trị kiểm tra số hàu giống nuôi ở xã Hạ Long. Ảnh: Hải Luận

Bao nhiêu năm nay, người dân nuôi hàu ở Vân Đồn tự hủy hoại môi trường của chính mình, giống như tự tay đập “nồi cơm” chung của cộng đồng. Giai đoạn đầu người dân nuôi hàu không bị chết, ai cũng thu hoạch 70% số lượng hàu đưa về bờ bán cho thương lái, còn 30% hàu không đạt chất lượng, vỏ hàu được ngư dân thả thẳng xuống đáy biển. Nếu hàu nuôi chết nhiều, ngư dân chỉ lấy từ 20-40% số lượng bán thịt, 60% còn lại đổ xuống đáy biển.

“Mức nước ở vùng biển Vân Đồn chỉ sâu từ 6-8m, hàng chục nghìn tấn hàu, chất thải, dây cước... đổ trực tiếp xuống đáy biển, tạo nên mức ô nhiễm khủng khiếp. Mỗi khi lặn xuống dưới đáy biển thấy mùi hôi kinh khủng, ngư dân làm kiểu này chẳng khác nào tự tay “đốt nhà” mình. Tôi đã vào tham quan vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, có độ sâu tự nhiên từ 25-40m, dòng chảy lớn, ngư dân vẫn thải thức ăn thừa xuống đáy biển, dẫn đến môi trường ở đó cũng chịu không nổi. Biển Vân Đồn, đảo dày đặc che chắn, nước êm giống như trong ao, tốc độ xả thải tăng lên hằng ngày, mật độ nuôi hàu dày đặc..., hàu chết là lẽ đương nhiên” - ông Bính bức xức.

Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc đã tiến hành kiểm nghiệm chất lượng nguồn nước tại các khu vực nuôi hàu trên địa bàn huyện Vân Đồn. Kết quả quan trắc môi trường từ tháng 8 đến tháng 10/2021, nhiều chỉ số nguồn nước vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Ví như mật độ Coliform và Vibrio lần lượt cao hơn từ 1,29-1,42 lần so với ngưỡng giới hạn cho phép.

Nhùng nhằng giữa “áo trắng” và “áo đen”

“Bây giờ nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn chia ra 2 nhóm: Nhóm “áo trắng” nuôi trong vùng đã có quy hoạch, được chính quyền địa phương cấp cho tờ giấy ghi rõ: “Khu vực xin cấp phép nuôi trồng thủy sản”. Số này chiếm khoảng 5% trong tổng số hộ nuôi trên biển. Còn nhóm “áo đen” không nằm trong quy hoạch, giống như “nhảy dù”, một hộ xé lẻ ra đứng tên vợ, tên con, cháu... để tranh giành nhiều chỗ nuôi khác. “Áo đen” bị chính quyền địa phương đuổi bất cứ lúc nào. Đây là điểm gây ra nhiều xáo trộn trên biển, một số nơi còn kiện lên cả Trung ương yêu cầu phân xử rạch ròi về tranh chấp chỗ nuôi trồng” - ông Bính nói như giãi bày.

Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh thừa nhận, công tác giao mặt nước và cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân và doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản trên biển còn rất chậm. Ngày 10/8/2021, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 13 về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 13 của Tỉnh ủy. Tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên ở nước ta ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trồng thủy sản lợ, mặn.

“6 tháng đầu năm 2022, huyện Vân Đồn đã mạnh tay xử lý đối với những hộ nuôi trồng thủy sản không đúng quy hoạch. Toàn huyện có khoảng 5 triệu quả phao xốp làm lồng nuôi trên biển, mới chuyển chưa tới 1 triệu phao sang vật liệu HDPE. Người dân đang đề nghị chính quyền địa phương giao mặt nước, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước lâu dài để bà con yên tâm đầu tư. Trên thực tế còn bị vướng nhiều vấn đề, chưa triển khai đồng loạt được, cả tỉnh và huyện đều rất sốt ruột cùng với người dân” - ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.

Hải Luận

Bình luận

ZALO