Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 02/04/2023 04:44 GMT+7

Hạt lúa vàng “đánh thức” Ia Mơ

Biên phòng - Bước vào mùa khô, những ruộng lúa nước ở xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, Gia Lai) bắt đầu chín vàng báo hiệu một mùa gặt mới. Những bông lúa uốn câu, càng nặng trĩu bao nhiêu càng khiến nụ cười trên những khuôn mặt của người Jrai rạng rỡ bấy nhiêu. Tình quân dân ở dải đất biên cương cũng vì thế mà càng bền chặt, bởi những người lính Biên phòng đã mang hạt thóc vàng này đến với đồng bào trong những ngày khốn khó.

s4c7_10a
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơ giúp dân thu hoạch lúa. Ảnh: Trúc Hà

Những đứa con của Ia Mơ

Đồn Biên phòng Ia Mơ quản lý địa bàn gồm các làng Klăh, Khôi, Krông, Hlap  của xã Ia Mơ. Đường từ trung tâm huyện vào Ia Mơ vẫn chưa được hoàn thiện trải nhựa lại mới trải qua những tháng mùa mưa nên có nhiều ổ voi, ổ trâu, ngồi trên xe ô tô mà như đi trên thuyền giữa biển lớn. Đất đỏ tung bụi mù, bám chặt vào gốc cây, ngọn cỏ vẽ nên khung cảnh đậm chất cao nguyên. Xen trong những cánh rừng là những ruộng lúa đã cúi đầu vì bông trĩu nặng và màu vàng rộm khiến chúng tôi thêm phấn chấn.

Đi cùng chúng tôi là Thượng úy Kpăh Jă, Đội trưởng Đội Trinh sát và Thiếu úy Rơ Lan Nhắc, Đội phó Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Ia Mơ là người Jrai, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Hai chàng trai cao lớn, vạm vỡ, da nâu, mắt sáng và càng đẹp hơn trong bộ quân phục màu xanh Biên phòng. Câu chuyện của Thượng úy Jă khiến tôi lặng đi vì xúc động.

Trước đây, nhà Thượng úy Jă ở trong rừng, sát với biên giới Cam-pu-chia. Khi ấy, mẹ anh vừa sinh thì đám Fulro kéo đến đốt nhà, may mà bố cõng chị, mẹ ôm anh còn đỏ hỏn chạy vào rừng sâu trốn thoát. Rồi cái đói, bệnh tật cướp đi sinh mạng của cha mẹ khi anh còn đang học tiểu học. Chị gái thay cha mẹ nuôi anh. Thương cậu bé mồ côi, những người lính Biên phòng, chính quyền xã Ia Mơ đưa cậu bé Jă ra huyện Chư Prông học nội trú, vào thành phố Hồ Chí Minh học Trung học phổ thông. Sau đó Jă thi đỗ vào Học viện Biên phòng. Với Thượng úy Kpăh Jă, Thiếu úy Rơ Lan Nhắc, niềm hạnh phúc của các anh là được công tác tại chính nơi mình sinh ra, giúp đỡ người quê hương mình.

Thượng úy Rơ Ô Thuy, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Mơ, tuổi đời còn rất trẻ, nhưng mọi người vẫn gọi anh là “già làng” bởi sự gắn bó của anh với mảnh đất này, dù anh được sinh ra và lớn lên ở huyện Ayun Pa. Anh Thuy gắn bó với Ia Mơ từ những ngày đầu nhập ngũ. Sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, anh được điều động về làm Đội trưởng Đội Vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Ia Mơ. Chừng ấy thời gian, lại tâm huyết với địa bàn nên từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết anh và anh thuộc tên tất cả mọi người, nhà ai ở vị trí nào. Vài năm trước, Thượng úy Rơ Ô Thuy đã đưa vợ, con từ Ayun Pa về Ia Mơ sinh sống. Ia Mơ đã trở thành quê hương thứ 2 của anh.

Trong câu chuyện của người Jrai ở Ia Mơ, người ta còn nhắc đến một người con của làng dù đã đi khỏi làng từ lâu, đó là Trung tá Rơ Mah Tuân, Phó Chính ủy BĐBP Gia Lai. Hơn chục năm trước, chàng Thiếu túy Rơ Mah Tuân, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Mơ đã “bị” cô gái làng Klăh “bắt làm chồng”. Vì người Jrai theo chế độ mẫu hệ nên lương Thiếu úy chỉ để nuôi gia đình vợ. Thiếu úy Rơ Mah Tuân lại còn thường xuyên bị “phạt vạ” vì “tư tưởng mới” và vì “quá bận việc đơn vị mà việc nhà không giúp được bao nhiêu”... Sau này, tôi hỏi anh: “Sao lúc ấy cán bộ cũng phải chịu nộp phạt dù mình không sai?”. Anh bảo: “Biết là mình không sai, nhưng để thay đổi được tư tưởng, phong tục tập quán của đồng bào không phải nói là làm ngay được. Cũng chính vì “chịu khó nộp phạt” mà dần dần những việc mình làm nó thành quen thuộc với bà con, không còn mới mẻ để mọi người phạt tiếp”. Trung tá Rơ Mah Tuân cười sảng khoái.

“Hạt lúa vàng” ở Ia Mơ

Ngay sau nhà của Tổ công tác, Đồn Biên phòng Ia Mơ là cánh đồng lúa rộng khoảng 4-5 sào. Bông nào cũng trĩu nặng và đang chuyển sang màu vàng sẵn sàng cho mùa gặt. Thượng tá Hoàng Văn Khải, cán bộ tăng cường tham gia xây dựng nông thôn mới ở xã Ia Mơ cho biết: Năm 2013, chỉ huy Đồn Biên phòng Ia Mơ quyết định triển khai mô hình lúa nước ở làng Klăh.

Tháng 12-2012, cán bộ, chiến sĩ tập trung khai hoang, làm đất, be bờ và dẫn nước về ruộng. Đến tháng 6, mọi người bắt đầu vụ gieo hạt đầu tiên. Khi ấy, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, khắp nơi vẫn là rừng và rừng, Ia Mơ vẫn như một ốc đảo giữa chốn rừng thiêng. Thế nên, việc BĐBP be bờ, dẫn nước và trồng lúa khiến người Jrai rất lạ lẫm. Cho đến khi, cây lúa lớn lên, cho hạt chắc mẩy, mọi người mới vỡ ra và tin rằng lúa nước cho năng suất cao hơn. Điều này càng trở nên ý nghĩa khi rừng ở Ia Mơ được chuyển đổi mục đích, cuộc sống của người dân vốn phụ thuộc vào rừng, nay phải tính bài toán khác cho cuộc mưu sinh. Nhưng điều ý nghĩa hơn cả là số thóc đó được chia cho các gia đình trong làng Klăh rồi làng Khôi, làng Krông, Hlap để rồi Ia Mơ có cả chục ha lúa nước như ngày hôm nay.

chxb_10b
Lúa sau khi thu hoạch sẽ được chia cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để làm giống. Ảnh: Trúc Hà

Đến vùng đất này, mọi người rất dễ nhận ra đập chứa nước Ia Mơ bởi sự hoành tráng của nó với thân đập cao, mặt đập rộng và đang hoàn thiện để đưa vào hoạt động. Khi đưa đập vào sử dụng, đập sẽ điều tiết, cung cấp nước cho cả Ia Mơ và một phần diện tích của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Lúc đó, đập có nhiệm vụ điều tiết nước, tưới tiêu cho diện tích cây công, nông nghiệp và đặc biệt là trồng lúa nước 2 vụ. Theo Thượng tá Hoàng Văn Khải, thì mô hình lúa nước của Đồn Biên phòng Ia Mơ  là mô hình xóa đói giảm nghèo cho người Jrai và nay càng được đảm bảo thành công, nhân rộng khi có đập nước Ia Mơ.

Chúng tôi đến Ia Mơ đúng dịp người dân ở đây bắt đầu thu hoạch lúa. Nước trong ruộng đã rút hết và cái nắng của mùa khô càng đẹp hơn bởi hơn chục ha lúa đã ngả màu vàng rộ. Do diện tích canh tác lúa nước bằng phẳng, nên người dân đã thuê máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa, rất nhanh chóng và gọn nhẹ.

Thiếu úy Rơ Lan Nhắc dịp này lúc nào cũng có mặt trên đồng để giúp bà con thu hoạch lúa. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo rằn ri, nhưng niềm vui vẫn hiện qua lời nói, ánh mắt, nụ cười của chàng Thiếu úy trẻ. Thương Thiếu úy Nhắc, những người mẹ, người chị ở đây lại rót nước lấy từ trái bầu khô đưa cho anh uống. Khắp cả cánh đồng hiện ra một màu tươi vui. Mùi nhựa thóc mới, mùi rơm rạ thơm ngào ngạt quyện vào mái tóc của những cô gái Jrai và bay theo những cơn gió. Ia Mơ lại bắt đầu chuẩn bị cho lễ hội cơm mới.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO