Biên phòng - Nhận được tin trúng tuyển vào ngành Sư phạm mầm non, Trường Đại học Sư phạm Huế, nữ sinh Cao Thị Hằng (dân tộc Rục, ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) vui mừng khôn xiết. Hành trình chinh phục con chữ cuối cùng đã có kết quả, sau bao nhiêu nhọc nhằn, gian khổ. Ngày hôm nay, cô gái nhỏ được sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn đã bước chân vào cánh cửa đại học, mang theo bao ước mơ và hoài bão lớn lao.

Vượt lên số phận
Nữ sinh Cao Thị Hằng có hoàn cảnh rất đặc biệt. Bố của em mất sớm, mẹ tảo tần nuôi 8 chị em. Hằng là con thứ 6, thế nên cuộc sống chỉ quẩn quanh với 2 từ “đói, nghèo”. Hằng kể, từ những năm học Trung học cơ sở, nhà xa trường, dù đã được các mạnh thường quân tặng xe đạp, nhưng thời tiết miền núi rất khắc nghiệt, địa hình đồi dốc nên nhiều bữa dắt xe thay vì đạp. Trời mưa thì phải lội suối, nhiều hôm bùn trơn, trượt ngã, thế là buổi học hôm ấy mang nguyên cả bộ áo quần lấm lem bùn đất. Cũng có đôi khi ý nghĩ bỏ học thoáng qua, nhưng Hằng lại nhớ lời mẹ dặn nên tiếp tục nỗ lực đến trường.
Mẹ Hằng là bà Hồ Thị Páy nhiều đêm nằm vắt tay lên trán suy nghĩ mãi vẫn không thấy con đường sáng cho mấy mẹ con. Những lần các chú bộ đội Đồn Biên phòng Cà Xèng đến từng nhà vận động cho các cháu đến trường học chữ, nghe giải thích về lợi ích của việc biết chữ, ý nghĩ dù khổ đến mấy cũng phải cho con đến trường bật lên trong đầu bà. Những đứa con của bà lớn lên, bấm đốt ngón tay tròn 6 tuổi là bà đến trường xin đăng kí danh sách rồi tự bà dắt tay con lội suối đi dự khai giảng. Bà Páy kể, có những lúc nhà thiếu gạo, nhưng bà không nghĩ đến chuyện cho con dừng học để lên rẫy phụ mình. Thay vào đó, bà bớt phần ăn của mình để nhường cho con ấm bụng, tập trung học chữ.
Năm Hằng lên lớp 7, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã nhận đỡ đầu em theo Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng” với việc mỗi tháng hỗ trợ 500.000 đồng. Bà Páy vui lắm. Từ đó, gánh nặng đến trường của Hằng và bà Páy vơi bớt khó khăn. Đối với nhiều người, thì số tiền ấy không quá lớn, nhưng đối với cô học trò nghèo Cao Thị Hằng thì vô cùng ý nghĩa vì em không chỉ được hỗ trợ về vật chất mà còn tiếp thêm động lực để vững bước trên con đường đến trường.
Được các chú Biên phòng động viên, Hằng vui vẻ đi học và nghĩ đến tương lai xa hơn. “Trong bản, nhiều bạn bè cùng trang lứa bỏ học, em đã đến động viên các bạn quay trở lại trường” - Hằng kể. Nghị lực ấy khiến em năm nào cũng giành được giấy khen.
Cô giáo Nguyễn Thị Dung, Chủ nhiệm lớp 12B, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình, nơi nữ sinh theo học cho biết, lớp có 29 học sinh là con em các dân tộc thiểu số, nhưng duy nhất Hằng là người Rục. Trong quá trình học tập, Cao Thị Hằng là người luôn có ý thức học tập tốt và học giỏi các môn xã hội. Vì thế, em luôn được cô giáo chủ nhiệm và các cô giáo bộ môn quan tâm, hỗ trợ về mặt học tập. Cô Dung còn kết nối giúp em nhận được các suất học bổng, sự hỗ trợ của cộng đồng.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm học 2021-2022, Cao Thị Hằng có tổng điểm xét tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Huế đạt 25,5 điểm. Cô Nguyễn Thị Dung chia sẻ: “Tôi rất vui khi nghe tin Hằng đỗ vào đại học, kết quả này khẳng định sự nỗ lực vượt khó vươn lên của em. Tuy nhiên, gia cảnh của nữ sinh người Rục còn rất nhiều khó khăn, hy vọng các nhà hảo tâm chung tay, góp sức để em được yên tâm trong hành trình học tập, rèn luyện vươn lên thành cô giáo tương lai”.
Đồng hành tới tương lai
Đối với những người lính Biên phòng, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt, bởi vậy mà việc nuôi Cao Thị Hằng không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình thương. 6 năm qua, tình cảm của mọi người dành cho Hằng không chỉ là việc hàng tháng chu cấp tiền, mà còn là sự quan tâm, động viên kịp thời. Kết quả ngày hôm nay sẽ là cơ hội để cô gái nơi rừng sâu phát triển, tiến xa hơn, học cao hơn để mở rộng tầm hiểu biết.

Trung tá Phạm Xuân Ninh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: “Theo quy định, Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng” chỉ hỗ trợ học sinh đến hết lớp 12, nhưng đối với hoàn cảnh của em Cao Thị Hằng thì đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ, kêu gọi bằng nhiều cách khác nhau nhằm giúp em vươn lên trong quá trình học đại học. Chúng tôi rất mong rằng, từ tấm gương của Cao Thị Hằng sẽ trở thành động lực không chỉ với 3 con nuôi còn lại của đơn vị mà cả cho các em học sinh khác ở các bản lân cận”.
Sau khi nghe tin nữ sinh Cao Thị Hằng trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Huế, đồng chí Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã gửi lời khen ngợi và trao số tiền thưởng 5 triệu đồng. Thầy giáo Phạm Hồng Việt, Hiệu trưởng nhà trường cũng đã trao thưởng, tặng hoa chúc mừng về sự vượt khó vươn lên của em. Sự đồng hành, chia sẻ này đối với Cao Thị Hằng vô cùng ý nghĩa. Em thấy mình phải trách nhiệm hơn với việc học tập, tu rèn đạo đức để xứng đáng với những tình cảm, vật chất mọi người đã dành cho mình.
Thương mẹ, Hằng đã viết đơn trình bày nguyện vọng nhập học tại Trường Đại học Quảng Bình. Nguyện vọng đó đã được chính quyền tỉnh Quảng Bình xem xét và đề xuất ngành chức năng liên quan chấp nhận. Hôm tiễn Hằng về nhập học ở thành phố Đồng Hới, Trung tá Phạm Xuân Ninh đến từ rất sớm, trao quà và dặn dò như với người thân: “Em là người Rục đầu tiên ở Thượng Hóa này đỗ đại học, đó là niềm tự hào, cũng là động lực để em cố gắng nhiều hơn. Em cứ yên tâm học tốt, ở nhà đã có các chú BĐBP quan tâm, chăm lo nhiều hơn cho mẹ và các em. Ngày gặt, ngày cấy sẽ cử người tới giúp đỡ gia đình”. Nghe lời Trung tá Ninh nói, Hằng tự hứa sẽ cố gắng nhiều hơn để không phụ sự tin tưởng của mọi người.
Hơn 60 năm qua, kể từ ngày được BĐBP phát hiện và đưa ra khỏi hang đá, cuộc sống của người Rục ở Thượng Hóa đã có nhiều thay đổi. Từ con số nhân khẩu ít ỏi khi vừa mới được phát hiện, đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, đồng bào Rục hiện nay đã có hơn 100 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu. Việc bà con thay đổi phương thức sản xuất từ săn bắt, hái lượm sang canh tác lúa nước, ở nhà sàn thay vì hang đá và con em họ được tới trường, học tập, đỗ đại học là minh chứng rõ nhất cho sự đổi thay đó.
Đức Trí - Trúc Hà