Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 16/09/2024 09:18 GMT+7

Hành trình thú vị thành kiện tướng cờ vua Mỹ của một em bé tị nạn

Biên phòng - Tani Adewumi cùng gia đình chạy trốn khỏi các cuộc tấn công của nhóm cực đoan Boko Haram tại Nigeria và xin tị nạn ở Mỹ. Đam mê môn cờ vua, cậu bé trở thành kiện tướng quốc gia khi mới 11 tuổi.

Thần đồng cờ vua Tanitoluwa Adewumi. Nguồn: CNN

Tanitoluwa Adewumi, hay còn được biết đến với cái tên “Tani,” vừa tròn 11 tuổi vào tháng 9 vừa qua. Cậu bé đang kỳ vọng sẽ trở thành đại kiện tướng cờ vua trẻ nhất từ trước đến nay ở Mỹ và thế giới.

Đầu năm nay, cậu bé đã trở thành người trẻ tuổi thứ 28 đạt được danh hiệu kiện tướng quốc gia.

Hiện Abhimanyu Mishra, 12 tuổi, là kỳ thủ đang nắm giữ danh hiệu đại kiện tướng trẻ nhất trong lịch sử cờ vua. Tani đang rất cố gắng để vượt qua Mishra.

Ngoài việc hoàn thành chương trình học trên trường tại New York, Tani dành 7 giờ mỗi ngày để luyện tập cờ vua tại nhà. Những ngày không phải đến trường, hầu hết thời gian cậu bé đều ngồi bên bàn cờ.

Phong cách chơi của Tani là gây áp lực liên tục lên đối thủ trong khi nghiền ngẫm về bước đi tiếp theo. “Cháu năng nổ, cháu thích tấn công. Cháu muốn thắng đối thủ nhanh nhất có thể,” cậu bé nói với CNN Sport về phong cách chơi của mình.

Cho đến nay, Tani đã đạt được nhiều thành tích đáng kể với môn cờ vua, trong đó không thể không nhắc đến Giải vô địch cờ vua bang New York năm 2019 - danh hiệu đã thay đổi cuộc sống của gia đình cậu bé mãi mãi. Tani nói: “Cờ vua thực sự đã giúp đỡ cháu và gia đình có được ngày hôm nay.”

Vào tháng 6-2017, gần hai năm trước khi giành được danh hiệu vô địch tiểu bang, Tani và gia đình của mình đã phải chạy trốn khỏi các cuộc tấn công của nhóm cực đoan Boko Haram tại miền bắc Nigeria.

Sau đó cả nhà xin tị nạn tại Mỹ. Họ sống trong một khu dành cho người tị nạn ở trung tâm Manhattan.

Tại trường tiểu học 116 Mary Lindley Murray ở New York, cậu bé đã tham gia vào câu lạc bộ cờ vua của trường và được miễn phí sinh hoạt vì người điều hành viết gia đình cậu gặp hoàn cảnh khó khăn về tài chính. Kể từ đó, cậu bé dành mọi thời gian cho cờ vua và mang về được giải thưởng cao nhất toàn bang.

Khi thông tin về danh hiệu vô địch tiểu bang của Tani được nhiều người biết tới, gia đình cậu bé đã nhận được nhiều khoản hỗ trợ tài chính từ các cá nhân, tổ chức xã hội trên khắp cả nước.

Cha của Tani, anh Kayode Adewumi, hiện làm việc ở một công ty bất động sản, nói với CNN Sport: “Có một gia đình đã trả tiền thuê nhà ở khu Manhattan trong một năm cho chúng tôi. Một gia đình khác đã tặng chúng tôi một chiếc ôtô Honda hoàn toàn mới vào năm 2019. Câu lạc bộ cờ vua Saint Louis ở Missouri đã mời cả gia đình tôi và các huấn luyện viên trong câu lạc bộ của trường đến thăm. Rất nhiều người đã thực sự giúp đỡ, hỗ trợ chúng tôi về mặt tài chính và quyên góp để chúng tôi có thể đi khỏi khu dành cho người tị nạn.”

Sau khi đổi đời, gia đình Tani đã gây quỹ trên trang GoFundMe nhằm quay lại giúp đỡ các hoàn cảnh phải đi tị nạn giống mình. Bên cạnh đó, họ còn lập quỹ Tanitoluwa Adewumi để giúp đỡ trẻ em kém may mắn trên khắp thế giới.

Gia đình Tani cũng đóng góp một khoản tiền lớn cho một tổ chức cờ vua ở Châu Phi để khuyến khích nhiều người tham gia môn thể thao này hơn.

Câu chuyện của Tani mang nhiều nét tương đồng với nhân vật Kentucky - cô bé mồ côi trở thành nhà vô địch cờ vua ở tuổi thiếu niên vào những năm 1960 trong series phim đình đám “The Queen's Gambit” trên Netflix. Tani đã xem bộ phim này và nói rằng “chắc chắn” đã nhìn thấy mình trong đó.

“Cờ vua là tất cả đối với cháu, là cuộc sống của cháu. Đó cũng là thứ giúp cháu và gia đình có được vị trí như ngày hôm nay,” Tani nói.

Để đạt được thành công như hiện tại quả thực không hề dễ dàng đối với Tani. Tại giải đấu cờ vua đầu tiên, Tani đã thua tất cả các ván đấu. “Tất nhiên, cháu đã mất rất nhiều thời gian và cháu tin rằng tất cả mọi người đều mất thời gian như vậy,” Tani nói.

Hiện tại, phần lớn quá trình luyện tập của Tani đều là theo dõi lối chơi của những kỳ thủ xuất sắc nhất thế giới như đương kim vô địch thế giới Magnus Carlsen và các kiện tướng Hikaru Nakamura, Levon Aronian, Ian Nepomniachtchi. Cậu bé nghiên cứu cách họ suy nghĩ và lập kế hoạch cho mỗi bước đi.

Theo đại kiện tướng Magnus Carlsen, có rất ít bí mật khiến anh trở thành kỳ thủ xuất sắc nhất thế giới. Anh nói với CNN Sport: “Điều quan trọng là dành thời gian cho cờ vua. Tôi không nghĩ mình có thể tiến xa trong cờ vua nếu không có tình yêu lớn với nó và đó là điều đã thúc đẩy tôi suốt những năm qua. Chắc chắn tôi đã dành rất nhiều thời gian cho cờ vua nhưng đó là bởi vì tôi luôn luôn yêu nó.”

Được biết, để tiếp bước Carlsen và đạt được danh hiệu đại kiện tướng quốc tế - danh hiệu cao nhất trong cờ vua - Tani sẽ phải đạt được 3 tiêu chuẩn kiện tướng - giải thưởng được trao cho người có thành tích cao trong một giải đấu cờ vua - cũng như phải có hệ số Elo (bảng xếp hạng chi phối cuộc thi cờ vua quốc tế) do FIDE (Liên đoàn Cờ vua Thế giới) đưa ra ít nhất là 2.500 điểm.

Theo vietnamplus.vn

Bình luận

ZALO