Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:19 GMT+7

Hành trình thoát nghèo trên dãy Trường Sơn

Biên phòng - Không cam chịu cảnh đói nghèo, hai vợ chồng ông Lê Văn Tiên quyết định vào mưu sinh trong những cánh rừng già Trường Sơn. Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng ông quyết sinh cơ, lập nghiệp trên biên giới bằng cách mở quán, bán hàng với đủ loại hàng hóa của một “siêu thị” thu nhỏ. Trải qua vô vàn khó khăn, nhưng ông Tiên vẫn cố bám trụ, rồi trở thành ông chủ chuỗi “siêu thị” vắt qua dãy Trường Sơn và doanh nghiệp làm đường có tiếng ở vùng biên giới...

Một góc “siêu thị” của ông Tiên, bà Chi ở xã biên giới A Xan. Ảnh: Hải Luận

“Siêu thị” của hai vợ chồng ông Lê Văn Tiên (65 tuổi) và bà Nguyễn Thị Kim Chi (60 tuổi), xã biên giới A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, là dãy nhà mặt đường dài mấy chục mét, bán đủ thứ hàng hóa, từ bánh kẹo, gạo, bia rượu, áo quần, xoong nồi, sách vở đến ống nước, đồ nội thất. Phía ngoài bán bánh mì, chè đậu, gà vịt sống, cá, trái cây, rau, củ, quả.

“Đây là cửa hàng thứ 25 tui làm từ khi bắt đầu mở đường từ đường Hồ Chí Minh lên các xã biên giới huyện Tây Giang. Nhà tui có xe tải lớn, chạy xuống thành phố Đà Nẵng, vô kho tổng đại lý cấp 1 chất hàng hóa lên đầy xe, chở lên phục vụ bà con, nên giá bán cũng như dưới phố. Dân bên Lào cũng qua đây mua hàng (khi chưa có dịch Covid-19). Mấy người ở trên xã Ga Ry xuống đây mua gói mì chính 25.000 đồng, mang vào bản bán lại 35.000 đồng” - ông Tiên xởi lởi.

Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, vợ chồng ông Tiên - bà Chi phải trải qua hành trình gian khổ giống như leo lên những đỉnh núi dựng đứng. Để lập nghiệp, hai vợ chồng mang theo cối xay bột bằng đá lên lập lán bán quán ở A Dứt, nơi giao thoa giữa đường Hồ Chí Minh và mấy xã vùng cao xuống cùng số vốn cô em gái của bà Chi bán 1 chỉ vàng với giá 150.000 đồng cho mượn. Số tiền ấy đủ vốn để ông mua gạo xay bột làm bánh ướt bán, làm được một thời gian, ông Tiên mở thêm một quán nữa.

Rồi Công ty Cơ giới Quảng Nam - Đà Nẵng (tên cũ) bắt đầu đưa chiếc xe máy ủi vào rừng, mở đường lên biên giới. “Đường mở đến A Dốc, hai vợ chồng tui lại chuyển quán đến A Dốc, để đón người dân, lính Biên phòng từ các xã trên biên giới đi bộ ra. Thời điểm đó, hai mặt hàng bán chạy nhất là muối và gạo. Họ đi bộ 5 - 7 ngày ra mua muối, gặp quán ở chỗ nào là rút ngắn thời gian đi bộ, họ mừng lắm” - ông Tiên nhớ lại lúc khó khăn.

Một ngày, anh Sinh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Xan thời điểm đó đi bộ ra nghỉ chân ở quán ông Tiên, tâm sự với ông, người dân và bộ đội rất khổ cực, đồng bào làm lúa ra toàn giã bằng cối, bộ đội phải đi bộ gùi gạo mất cả tuần. “Thấy tui từng học trường cơ khí và lái máy cày cho hợp tác xã, đồn Biên phòng nhờ tui mua máy xát, tháo bung ra từng bộ phận nhỏ, huy động mấy chục cán bộ, chiến sĩ ra gùi bộ, thời gian đi mất cả tuần mới lên được đồn. Tui đi bộ gùi đồ nghề theo lên lắp ráp máy hoàn chỉnh, chuyển giao kỹ thuật lại cho anh em đồn tự làm. Có được máy xát, cán bộ Biên phòng xay lúa giúp dân đỡ biết bao nhiêu công sức. Hết dầu, bộ đội phải đi bộ 10 ngày gùi từng lít dầu lên chạy máy xát. Tình nghĩa quân dân đẹp như rứa đó” - ông Tiên hào hứng hồi tưởng lại.

Núi rừng huyện Tây Giang lúc bấy giờ vô cùng hiểm trở, công ty mở đường chỉ có 1 - 2 chiếc máy ủi loại nhỏ, nên tiến độ chậm như rùa, nhưng thuận lợi cho chuyện buôn bán, làm ăn ở chốn “rừng thiêng nước độc” của ông Tiên. Đoạn đường từ xã Lăng đến xã Tr’Hy, vợ chồng ông Tiên qua 4 lần di chuyển và làm quán mới ở giữa những cánh rừng già.

Tích góp được chút vốn, ông Tiên sắm được chiếc xe công nông và gắn thêm máy tời trước đầu xe, để kéo xe đường lầy trời mưa. “Nhờ chiếc xe công nông nó mới chở hàng hóa và ngự trị được con đường dốc núi cao của Trường Sơn. Người đồng bào dân tộc ở các xã tính toán đoạn đường đi bộ mấy ngày, vừa đến quán tôi là vừa trời tối, họ nằm ngủ la liệt ngoài quán. Sáng sớm, họ mua gạo, muối và mấy thứ hàng khô cho vào gùi, rồi luồn rừng về nhà. Dân khổ nên tui đâu nỡ lòng nào bán với giá cao được, mình cũng đang là người của rừng rú khổ cực với nhau cả” - ông Tiên chia sẻ.

Những năm “cơn lốc vàng” dữ dội ở Quảng Nam, dân ngoài Bắc vào, người trong Nam ra. Dân đãi vàng mua đủ thứ như dầu chạy máy, lương thực, thực phẩm, bia rượu... Lâu ngày quen biết, cửa hàng ông cho mua nợ. Sau khi “cơn sốt vàng” đi qua, dân đào vàng trốn nợ. Vợ chồng ông Tiên coi như hết sạch vốn liếng, chỉ bán cầm cự một vài món đồ. Bà Chi chuyển sang nuôi heo, lúc đầu nuôi 2 con, sau tăng dần 5 con rồi, lên đàn heo 30 con.

“Kiếm được đồng nào ở giữa rừng thì cũng cơ cực lắm. Riêng chuyện hàng ngày đi xa xuống suối gánh nước về nấu cho heo ăn, tắm cho heo vô cùng công phu. Heo to, làm thịt, rồi tôi phải gánh đi bán từ 5 giờ sáng, vào các bản ở xa bán được vài cân, đến tối mịt mới về đến quán. Bán được con heo, có tiền “đập” vô mua hàng liền, góp nhặt từng đồng. Cũng may, hồi đó vợ chồng tôi gửi mấy con ở dưới đồng bằng” - bà Chi kể.

Khi đường mở lên xã A Xan, đời sống của vợ chồng ông Tiên, bà Chi khấm khá dần lên. Ông Tiên mua xe ôtô chở đất, rồi sắm xe máy ủi, thành lập doanh nghiệp ở biên giới. Hiện nay, doanh nghiệp của ông có 5 chiếc xe máy múc, 2 xe máy ủi, 6 chiếc xe tải, 2 xe bán tải.

Ông Zơ Râm Bên, Phó Bí thư Đảng uỷ xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tháng 10, tháng 11 năm 2020, mưa bão dồn dập vào miền Trung, từ trung tâm xã A Xan đi lên xã Ga Ry, Ch’Ơm có nhiều chỗ bị sạt lở làm tắc đường giao thông. Huyện đề nghị đội xe của nhà ông Tiên cơ động đến thông đường để xe cứu trợ đưa lương thực, thực phẩm vào các bản ở sát biên giới. Gần như năm nào, ông Tiên cũng tình nguyện làm việc này giúp chính quyền và nhân dân trong xã”.

Hải Luận

Bình luận

ZALO