Biên phòng - Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình chống khai thác IUU ở nhiều tỉnh có chiều hướng đạt kết quả tốt, nhất là các tỉnh từng có nhiều tàu cá sang khu vực Nam Thái Bình Dương khai thác, đánh bắt như Quảng Ngãi. Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 6/2022, cả nước vẫn còn 10 tỉnh có ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý (35 vụ/50 tàu/449 ngư dân).
Bài 2: Cận cảnh những con số vi phạm IUU
Ngư dân chia sẻ kinh nghiệm
Thuyền trưởng Nguyễn Kỳ quay bánh lái con tàu mang biển số BĐ 97910 TS, trước giờ con tàu mở biển, theo thói quen sẽ hành trình 3 ngày 3 đêm ra vùng rìa ngoài quần đảo Trường Sa. Những phiên biển đầu mùa, khi lượng cá còn dày thì tàu đánh bắt ở tọa độ 13 độ 9 phút 12 giây vĩ Bắc - 111 độ 26 phút kinh Đông. Con tàu cứ theo luồng cá và rướn dần ra khơi xa. Đi xa thì có cá, nhưng đi càng xa thì càng tốn nhiên liệu và tổn phí tăng cao.
Ông Kỳ mở lại vệt hành trình của tàu trong tháng 5, tháng 6/2022 và kể về những chuyến đi suýt nữa trở thành người vi phạm IUU. Những bức ảnh được ông Kỳ và bạn chài chụp trên biển cho thấy, họ đã trải qua những giây phút lo lắng vì suýt bị tàu tuần tra của Malaysia bắt giữ, trong lúc tàu đang đi ở khu vực chồng lấn.
Ông Kỳ kể lại, tàu ra khơi và ông mang theo một chiếc chà (tre và lá được ngư dân tạo thành lùm thả xuống biển để cá tụ về). Do phía trong gần quần đảo Trường Sa ít cá nên ông mang thả tận tọa độ 7 độ 43 phút vĩ Bắc - 113 độ 8 phút kinh Đông. Khi ra vùng biển này, ngư dân thường được cảnh báo là đánh bắt ở vùng chồng lấn, vẫn có thể bị tàu tuần tra phía nước bạn bắt giữ. Những vụ bắt giữ đó sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực của địa phương trong việc ngăn chặn tàu cá vi phạm IUU.
Ông Kỳ chia sẻ câu chuyện này để các ngư dân khi ra vùng khơi đánh bắt cần học tập kinh nghiệm. Ông bộc bạch, trong chuyến đi đó, khi tàu đi vào tọa độ 7 độ 43 phút vĩ Bắc - 113 độ 8 phút kinh Đông thì nhận được cảnh báo từ lực lượng Kiểm ngư về việc phải quan sát kỹ, đề phòng bị tàu tuần tra nước bạn đi sang vùng chồng lấn bắt giữ.
Do có sự chuẩn bị nên khi ra kéo lưới và tới gần chà nhử cá, ông Kỳ phát hiện tàu tuần tra nước ngoài và lập tức cho tàu rời chiếc chà, di chuyển sang tọa độ khác và luôn giữ liên lạc với lực lượng Kiểm ngư để nhờ hỗ trợ.
Một vụ việc điển hình mà ông Kỳ và các ngư dân thường nhắc tới, đó là vụ tàu cá của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mang số hiệu BV 4419 TS bị tàu mang số hiệu 8001 của Indonesia bắt giữ vào ngày 18/3/2021. Cùng bị bắt với tàu này là một tàu thu mua hải sản của Bạc Liêu mang số hiệu BL 93333 TS. Ngày 25/3/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời báo chí và cho rằng, các ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ ở khu vực phân định thềm lục địa Việt Nam và Indonesia, đồng thời đề nghị Indonesia trao trả ngư dân và tàu cá đã bị bắt giữ.
Linh động việc xử lý
“Mất tín hiệu vùng giáp ranh” là vấn đề được Chi cục Thủy sản các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên đề cập khá sâu, đưa ra nhiều ý kiến về cách xử lý. Hàng ngày, có rất nhiều tàu cá bị trục trặc máy giám sát hành trình, sau đó mất tín hiệu, hoặc tín hiệu chập chờn. Nhưng tại khu vực giáp ranh, khi tàu cá mất tín hiệu thì luôn được các Chi cục Thủy sản và BĐBP theo dõi sát sao, đề phòng việc máy móc trục trặc là do tác động của con người. Đối với tàu bị mất tín hiệu trong thời gian ngắn và tọa độ nằm cách xa đường ranh giới thì việc xử lý vẫn nhẹ và mang tính nhắc nhở là chính.
Tại cửa biển Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, vào ngày 19/1/2022, tổ công tác lập hồ sơ để xử lý tàu đánh cá mất tín hiệu giám sát hành trình có 6 người, bao gồm: Trung úy Võ Hồng Hải, cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quan Nam; Thượng úy La Văn Tứ, Công an thị xã Hoài Nhơn; đồng chí Nguyễn Tám, cán bộ khuyến ngư; đồng chí Đặng Văn Tài, Tổ trưởng Tổ tổng hợp cảng cá Tam Quan; đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Tổ trưởng Tổ công tác IUU; đồng chí Nguyễn Ngọc Luân, thành viên Tổ công tác IUU. Chủ tàu tham gia có 2 thuyền trưởng là ông Huỳnh Thêm và ông Huỳnh Ga.
Một cuộc họp để xử lý về vấn đề IUU phải có nhiều bên tham gia như vậy cho thấy tỉnh Bình Định quyết tâm ngăn chặn ngư dân vi phạm IUU. Trong cuộc họp ngày hôm đó, ông Huỳnh Thêm, thuyền trưởng tàu BĐ 98705 TS trình bày máy giám sát mất kết nối do chủ quan, quên nộp tiền thuê bao tháng chứ không cố ý làm trái quy định.
Việc đi đến kết luận này phải nhờ đến nhà mạng quản lý chiếc máy giám sát hành trình hiệu Vishipel là Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn. Bà Nguyễn Thị Kim Hiếu, Giám đốc đơn vị này đã cung cấp một list tọa độ gồm 156 mục xác nhận tọa độ con tàu này đã đi qua. Trong số đó, tọa độ xa nhất mà con tàu này đã tiến ra phía Đông là 116 độ 6 phút 37 giây kinh Đông, đơn vị này cũng xác nhận con tàu của ông Thêm chưa vượt ra khỏi ranh giới quy định, không vi phạm IUU. Nhờ đó, các ý kiến tại cuộc họp thống nhất, nhắc nhở ông Thêm phải luôn chú trọng việc đóng cước thuê bao hàng tháng đầy đủ cho nhà mạng Vishipel.
“Năm 2021, có 65 tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình 10 ngày trở lên; số tàu thỉnh thoảng mất tín hiệu chập chờn rồi có lại thì rất nhiều. Năm 2022, tình hình này giảm đi, từ đầu năm tới nay mới chỉ có 16 tàu mất tín hiệu giám sát hành trình 10 ngày trở lên”. - Ông Nguyễn Công Bình, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết
Bài 3: Cần sự phối hợp nhịp nhàng