Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 05:46 GMT+7

Hành trình mới của làng lụa Tân Châu

Biên phòng - Khi nói đến huyện Tân Châu (tỉnh An Giang), người ta nghĩ ngay đến xứ lụa, bởi những thước vải lụa Lãnh Mỹ A vang bóng một thời đã làm nên thương hiệu đặc trưng cho vùng đất này. Trải qua bao thăng trầm, lụa Tân Châu dần dần bị mai một khiến bao người thợ nghề phải trăn trở, tiếc nuối. Nhưng rồi, qua bao năm tháng bĩ cực, làng nghề dệt lụa Tân Châu đang từng bước hồi sinh trở lại.

Lão nghệ nhân Tám Lăng - người giữ nghề dệt cuối cùng của làng lụa Tân Châu. Ảnh: Ngọc Ánh

Một thời hưng thịnh

Theo nghệ nhân Trần Thanh Hồng (ấp Long Hưng, thị trấn Tân Châu, tỉnh An Giang), thì nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa xuất hiện tại vùng đất Tân Châu từ hơn 100 năm nay. Những năm đầu thế kỷ XX, làng Long Hưng (thời đó là ấp Long Hưng) dân cư thưa thớt, nhưng hầu hết người dân đều sống bằng nghề sản xuất tơ lụa. Giai đoạn 1936-1940 được coi là thời kỳ hưng thịnh của lụa Tân Châu. Tân Châu trở thành trung tâm tơ lụa lớn nhất Nam Bộ với những lò ươm tơ, dệt lụa quy mô lớn; những vườn dâu xanh ngút mắt chạy dọc ven bờ sông Tiền, sông Hậu; những hàng mặc nưa (làm thuốc nhuộm) ken dày dọc theo tỉnh lộ 952; dưới sông, thuyền bè tấp nập tựa như một “ấp nổi”...

Vào mùa khô, bà con nhộn nhịp bước vào vụ sản xuất dâu tằm. Nhà nhà vang lên tiếng lách cách thoi đưa, tiếng đạp khung, nện hàng ầm ĩ suốt từ tờ mờ sáng đến tối mịt. Trước sân nhà vòng ra lộ ấp, lan ra sau đồng..., đâu đâu cũng thấy lụa (Lãnh Mỹ A) phơi tràn lan, ngút tầm mắt. Sản phẩm lụa Tân Châu thời đó không chỉ tiêu thụ mạnh trong nước, mà còn được xuất khẩu sang các nước Campuchia, Pháp với khối lượng lớn.

Nhưng rồi, trước sự cạnh tranh khốc liệt của vải sợi tổng hợp nhập ngoại, giá rẻ, từ sau năm 1945, thị trường tiêu thụ lụa Tân Châu dần dần bị thu hẹp. Nhiều hộ gia đình chuyển đổi từ dệt lụa sang dệt sợi nylon. Năm 1987, Công ty tơ lụa Tân Châu được thành lập, song, hoạt động được 2 năm rồi giải thể vì không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Thị trường trong nước tê liệt, thị trường quốc tế thì chưa tìm được mối, suốt mấy chục năm ròng, nghề dệt lụa Tân Châu đi vào bế tắc. Hàng trăm hộ gia đình đành phá bỏ vườn dâu, đốn cây mặc nưa chuyển qua trồng lúa. Từ năm 1996 đến năm 2012, chỉ còn duy nhất 1 hộ gia đình duy trì nghề dệt truyền thống, đó là hộ ông Nguyễn Văn Long (hay còn gọi là Tám Lăng).

Gia đình nghệ nhân Tám Lăng có 4 đời làm nghề dệt lụa. Đứng trước nguy cơ nghề truyền thống mai một, nghệ nhân Tám Lăng luôn đau đáu, trăn trở tìm giải pháp bảo tồn, gìn giữ nghề của cha ông. Năm 1996, ông đứng ra đi thu gom toàn bộ máy dệt, cữ se tơ của một số hộ gia đình trong ấp Long Hưng mang về sửa chữa lại rồi mở xưởng dệt.

Ít lâu sau, một phụ nữ người Pháp nghe danh làng lụa Lãnh Mỹ A đã tìm đến xưởng dệt Tám Lăng xem hàng. Bà thực sự ngạc nhiên và hài lòng về nét sang trọng, quý phái ánh lên từ tấm lụa Tân Châu, song lại thắc mắc: “Sao lụa Tân Châu chỉ có một màu đen duy nhất?” (màu đen là màu tang - theo quan niệm của người châu Âu). Tuy vậy, vị “thượng đế” vẫn ký hợp đồng đặt mua mỗi năm 2.000 mét lụa với giá dao động từ 80.000-100.000 đồng/mét.

Con trai của nghệ nhân Tám Lăng là Nguyễn Hữu Trí chứng kiến cuộc nói chuyện giữa vị khách và ba, anh giật mình thốt lên: “Ý tưởng thiệt hay! Tại sao từ trước tới nay, không một nghệ nhân nào ở Tân Châu nghĩ ra cách nhuộm màu khác cho lụa nhỉ? Mình sẽ thử xem sao?”.

Giữ nghề và “giấc mơ tìm màu cho lụa”

Nói là làm, anh Trí tạm gác nghề xây dựng và bắt đầu cuộc hành trình rong ruổi đến làng nghề dệt thổ cẩm của bà con Khmer ở An Giang, Campuchia, sau đó đến các buôn làng Tây Nguyên để học bí quyết nhuộm màu. Mỗi khi tìm được một loại rễ, lá, hoặc vỏ cây làm thuốc nhuộm, anh hăm hở mang về thử nghiệm. Tuy nhiên, do chất liệu lụa Tân Châu khác với thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số nên không chịu bám thuốc. Suốt 3 năm miệt mài giã, nấu, ủ hàng vài chục các loại lá, rễ, quả, vỏ, thân cây rừng ở trong những môi trường, nhiệt độ, ánh sáng khác nhau, anh Trí đều thất bại. Nhiều đêm, thừ người ngồi nhìn đống lụa loang lổ màu như đống giẻ vụn, anh ngao ngán, thở dài...

Bà Lê Thị Kiều Hạnh, chủ cơ sở dệt nhuộm Hồng Ngọc bên gian hàng lụa của mình. Ảnh: Ngọc Ánh

Cho đến năm 2003, giấc mơ tìm màu cho lụa của anh Nguyễn Hữu Trí trở thành hiện thực. Đúng vào dịp sinh nhật 30 tuổi của mình, anh cho ra lò mẻ lụa màu hổ phách, rồi liên tiếp sau đó là màu cánh sen, ca cao, xám, đất, chàm, đỏ bóc đô...

Khi lụa Tân Châu 7 màu được tung ra thị trường, lập tức đã lọt vào tầm ngắm của nhà thiết kế Võ Việt Chung - lúc này đang tìm kiếm chất liệu để làm đề tài tốt nghiệp cho khóa tu nghiệp của anh ở Italia.

Nét quý phái, sang trọng của chất liệu lụa Lãnh Mỹ A đã quyến rũ Võ Việt Chung thiết kế ra 2 bộ sưu tập đầy quyến rũ, ấn tượng mang vẻ vừa cổ điển, vừa hiện đại, đó là: “Mơ về châu Á” - trình diễn tại Tuần lễ thời trang quốc tế Malaysia tại Kuala Lumpur, cuối tháng 11/2004 và “Sự hồi sinh” tại Tuần lễ thời trang châu Âu diễn ra tại Berlin, Đức, tháng 7/2005. Tháng 2/2006, một lần nữa, Võ Việt Chung lại đưa lụa Tân Châu lên sàn diễn trong dịp Mekong Festival tại chính quê lụa An Giang với nét duyên dáng, quý phái nhưng rất mực giản dị của người phụ nữ Nam bộ xưa.

Đặc biệt, năm 2014, nhà thiết kế Võ Việt Chung đã đưa bộ thời trang làm bằng lụa Lãnh Mỹ A với tên gọi Huê khôi xứ Nam kỳ và trình diễn tại Mỹ. Trang phục lụa Lãnh Mỹ A do người đẹp Lý Nhã Kỳ khoác lên đã gây tiếng vang trong làng thời trang quốc tế.

Sau nhiều đợt trình diễn, nhà thiết kế Võ Việt Chung đã nhận được nhiều lời mời của các tổ chức quốc tế đến đặt mua hàng, chụp ảnh bộ sưu tập, mời hợp tác làm việc hoặc mời tham dự các show diễn thời trang quốc tế...

Từ “giấc mơ tìm màu cho lụa” của Nguyễn Hữu Trí đến “bàn tay vàng” của nhà thiết kế Võ Việt Chung, lụa Tân Châu đã thực sự thăng hoa trên các sàn diễn quốc tế và ngày càng “vang danh” ở trời Tây.

Hiện nay, làng nghề Lãnh Mỹ A đã bắt đầu hồi sinh. Ngoài cơ sở dệt của nghệ nhân Tám Lăng, nhiều gia đình đã quay lại với nghề dệt lụa. Được sự hỗ trợ, đầu tư phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở dệt lụa Lãnh Mỹ A đã bắt đầu biết xây dựng thương hiệu, liên kết phát triển du lịch để quảng bá nét đẹp của lụa Tân Châu.

Dù chưa thể trở về như thời hoàng kim vốn có, nhưng lụa Lãnh Mỹ A của Tân Châu đang được khôi phục, mở rộng và được quảng bá nhiều hơn trong hành trình tìm lại danh xưng… xứ lụa.

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO