Biên phòng - Tại Việt Nam, tình trạng bạo lực (BL) đối với phụ nữ đã có những chuyển biến tích cực sau nhiều năm thực hiện các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng cho phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ Việt Nam vẫn có nguy cơ tiềm ẩn bị chồng BL ở một thời điểm nào đó trong đời. Theo kết quả Điều tra quốc gia về BL cho thấy, tỉ lệ phụ nữ bị bạo hành ở Việt Nam còn khá cao, cần rất nhiều nỗ lực cụ thể để xóa bỏ BL đối với phụ nữ tại Việt Nam.
Hơn 60% phụ nữ từng bị bạo lực
Chia sẻ với cán bộ thực hiện Điều tra quốc gia về BL với phụ nữ, chị Mai, 54 tuổi, chỉ lên những vết sẹo trên cơ thể của mình kể: “Vết sẹo này là do chồng tôi dùng dao rựa chém. Con dao rựa này là dao chặt mía nên rất sắc. Anh ấy chém tôi khi tôi đang mang bầu bé thứ hai. Sự việc xảy ra cách đây 20 năm. Vết sẹo trên lưng tôi cũng do chồng tôi đánh lúc tôi đang ngủ, khiến tôi bị gãy xương. Phải mất 3 tháng, tôi mới lành vết thương. Nói chung, dấu vết BL do chồng tôi gây ra ở trên khắp cơ thể tôi”. Chia sẻ của chị Mai cho thấy, chị không ít lần phải hứng chịu sự đối xử tàn bạo của chính chồng mình.
Chị Mai là minh chứng cụ thể cho rất nhiều phụ nữ Việt Nam đang phải chịu BL ngay trong “tổ ấm” của mình. Kết quả điều tra cho thấy, 62,9% phụ nữ phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức BL do chồng gây ra trong đời và 31,6% phụ nữ bị BL hiện thời (trong 12 tháng qua). Tỷ lệ phụ nữ bị chồng BL thể xác và tâm lý năm 2019 thấp hơn so với năm 2010. Điều này rõ ràng hơn với nhóm phụ nữ trẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ bị chồng BL tình dục năm 2019 (13,3%) cao hơn so với năm 2010 (9,9%). Phụ nữ khuyết tật bị các hình thức BL do chồng gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật.
Điều đáng nói là ở Việt Nam, phụ nữ bị chồng BL cao gấp 2 lần so với việc bị người khác đánh đập. Khi phụ nữ bị BL thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây BL chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%). Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ bị chồng BL. 3% phụ nữ từng mang thai cho biết, họ đã bị đánh khi mang thai. Gần 1% phụ nữ bị đánh trong thời kỳ mang thai cho biết, họ đã bị đá hoặc đấm vào bụng, gây nguy hại cho thai nhi.
Một điểm đáng lưu tâm là BL đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng đánh đập chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo hành thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.
Điều tra quốc gia về BL với phụ nữ năm 2019 cũng cho thấy, phụ nữ chỉ học tiểu học có nguy cơ bị chồng BL cao nhất. Và có tới 40% phụ nữ ở khu vực Tây Nguyên và 33% phụ nữ ở khu vực đồng bằng sông Hồng bị chồng BL thể xác. Tỉ lệ này cao hơn so với tỉ lệ 20% phụ nữ bị dạng BL này ở khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Cần hành động ngay để chấm dứt bạo lực với phụ nữ
BL đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ. Thực tế cho thấy, những phụ nữ bị BL bị bệnh liên quan tới sức khỏe tâm thần nghiêm trọng cao hơn gấp 3 lần so với phụ nữ không bị BL.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, BL là hành vi có tính tiếp thu. Hành vi này có thể được ngăn chặn và chúng ta cần hành động ngay. Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng, cho dù BL xảy ra ở đâu, dưới hình thức nào hay ai bị ảnh hưởng đều phải được ngăn chặn. Bà kêu gọi cả xã hội hãy cùng phối hợp để xây dựng một thế giới mà ở đó nam giới và phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái đều được hưởng cuộc sống bình đẳng, an toàn, không có BL.
Theo các chuyên gia, để giải quyết BL đối với phụ nữ một cách hiệu quả, cần có phương pháp tiếp cận liên ngành với sự tham gia của tất cả các cơ quan và tổ chức liên quan. Theo đó, các hoạt động cần thiết để giảm thiểu BL với phụ nữ sẽ được giải quyết thông qua việc thực hiện 4 nhóm trụ cột chiến lược chính bao gồm: Tăng cường cam kết và hành động quốc gia; thúc đẩy phòng ngừa BL; xây dựng các biện pháp ứng phó phù hợp và hỗ trợ nghiên cứu, thu thập dữ liệu và hợp tác.
Trong đó, Chính phủ cần phải có các chính sách tăng cường giám sát và theo dõi việc thực hiện hiệu quả các chính sách và luật pháp quốc gia về bình đẳng giới, ứng phó ngăn chặn BL. Đồng thời, rà soát, đánh giá, sửa đổi và bổ sung các chính sách và pháp luật hiện hành phù hợp với các cam kết quốc tế cũng như rà soát, sửa đổi và bổ sung các chính sách và pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo tất cả các đối tượng đều được quan tâm và khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ của các nhóm dễ bị tổn thương, các nhóm phải chịu đựng các hình thức BL cụ thể. Chính phủ cũng cần phân bổ thêm nguồn lực để tìm hiểu về các rào cản hạn chế phụ nữ tìm kiếm sự trợ giúp, đặc biệt các nhóm dễ bị tổn thương như người di cư, dân tộc thiểu số, thanh niên, người cao tuổi và phụ nữ khuyết tật.
Bên cạnh đó, cần ban hành các chính sách thúc đẩy phòng ngừa và ứng phó với BL trên cơ sở giới thông qua việc tuyên truyền, giáo dục cho cả nam giới và phụ nữ, đặc biệt là giới trẻ về quyền năng của phụ nữ, các mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau và các chuẩn mực xã hội để đạt được bình đẳng giới.
An Nhiên