Biên phòng - Những điểm tương đồng về văn hóa, phong tục cùng mối quan hệ dòng họ thân tộc đã giúp người dân bản Ro Ró (Cụm 2, huyện Sa Muội, tỉnh Sa La Van, Lào) và Ra Ró (xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) thấu hiểu, đến gần với nhau hơn. Mối quan hệ đoàn kết của nhân dân hai bên biên giới ngày càng khăng khít, gắn bó khi cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ biên cương ngày càng giàu mạnh.

Đều nằm cách xa trung tâm huyện lỵ, giao thông không thuận tiện, nên đời sống của người dân bản Ro Ró và Ra Ró gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi, sản xuất nhỏ lẻ, dựa vào làm nương rẫy tự nhiên. Nhân dân hai bản có mối quan hệ thân tộc từ lâu đời, cùng chung truyền thống văn hóa, phong tục tập quán đồng bào Pa Cô.
Trải qua các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, nhân dân hai bản cùng đồng cam, cộng khổ, đoàn kết, đóng góp nhiều công sức, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Những năm qua, với tình cảm, trách nhiệm của cộng đồng dân cư và các dân tộc anh em trên địa bàn, cũng như tình hữu nghị của cư dân hai bên biên giới luôn được vun đắp và giữ vững. Nhân dân hai bản đã tham gia tích cực vào các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản... Qua đó, đã góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, cùng phát triển.
Từ sự tương đồng ấy, năm 2017, nhân dân bản Ra Ró và Ro Ró vui mừng tổ chức lễ kết nghĩa bản - bản. Từ đây, mối quan hệ gắn bó keo sơn của đồng bào hai bên biên giới càng thêm khăng khít.
Thông qua hoạt động kết nghĩa, chính quyền hai bản tổ chức nhiều đợt tuyên truyền sâu rộng cho người dân nắm và chấp hành đúng Hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam - Lào, các quy định pháp luật của mỗi nước, qua đó, ý thức, hiểu biết về pháp luật, chủ quyền, lãnh thổ của nhân dân được nâng lên rõ rệt và chuyển hóa thành những hoạt động cụ thể.
Bản Ro Ró, Ra Ró tiếp giáp hai mốc quốc giới 632, 633, với đoạn biên giới dài gần 5km, nên 12 gia đình có đất giáp biên giới đã tự nguyện đăng ký cam kết, quản lý bảo vệ cột mốc quốc giới. Quần chúng nhân dân trong bản cũng tham gia tích cực vào công tác tuần tra, phát quang đường biên, sơn sửa, bảo dưỡng cột mốc quốc giới. Thực hiện Đề án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, nhân dân 2 bản đã đóng góp gần 500 ngày công gùi, cõng vật liệu, cùng với địa phương vượt kế hoạch đề ra.
Đối với ông Côn Luân (Trưởng bản Ro Ró) và ông Hồ Văn Ánh (Trưởng bản Ra Ró), từ ngày hai bản kết nghĩa đã giúp giải quyết tốt nhiều việc vốn tồn tại nhiều năm qua. Đó là việc tổ chức các buổi gặp mặt, làm việc trực tiếp với các hộ gia đình liên quan đến xâm canh, chặt cây quế rừng để lấy vỏ quanh khu vực mốc 632 và 633.
Lãnh đạo bản cũng tham gia giải quyết 22 vụ/43 đối tượng vi phạm quy chế biên giới như xuất, nhập cảnh trái phép, khai thác lâm thổ sản, buôn bán động vật trái phép qua biên giới, để giáo dục họ hiểu việc làm đúng, sai của mình. Hai bên cũng giúp nhau tìm lại 7 con trâu, bò và nhiều đàn dê, bò bị thất lạc. Tình trạng kết hôn tự do trái phép hai bên biên giới giảm từ 25 trường hợp (năm 2008) xuống còn 2 trường hợp (năm 2016), đến nay đã chấm dứt hẳn.
Để đời sống ngày càng được nâng cao, Đảng ủy, UBND xã A Vao phối hợp cùng Ủy ban MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể xã, các lực lượng đứng chân trên địa bàn giúp nhân dân bản Ro Ró, Ra Ró tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách phòng trừ dịch bệnh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đó là mô hình trồng tre lấy măng, trồng chuối đã mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.

Nhiều hộ gia đình từ hoàn cảnh khó khăn, nay đã ổn định cuộc sống, có những hộ đã vươn lên thoát nghèo. Bản Ro Ró cũng nhận được hỗ trợ 3.000 gốc sắn, 50kg ngô giống các loại, 120kg lúa giống trồng ở rẫy, 100 gốc tre trồng lấy măng, 200 gốc dứa, 500 gốc chuối, 100 con ngan, gà giống các loại.
Đồn Biên phòng A Vao nhận đỡ đầu cháu Hồ Thị Rứa (sinh năm 2007) theo Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”. Ngoài số tiền hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, đơn vị còn tặng đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm, với mong muốn trợ giúp một phần khó khăn cho cô bé vốn thiệt thòi khi mất cả cha lẫn mẹ.
Đơn vị cũng là lực lượng chủ công trong các đợt tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, giúp nhau phòng, chống dịch bệnh, tập trung chống bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy và lao phổi. Trong các đợt thiên tai, bão lũ, dịch bệnh Covid-19, UBND xã A Vao cùng Đồn Biên phòng A Vao hỗ trợ tặng bản Ro Ró lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu được 9 đợt, trị giá 65 triệu đồng. 5 năm qua, với tinh thần kết nghĩa, bản Ra Ró đã giúp cho nhân dân bản Ro Ró dựng 12 ngôi nhà gỗ với trên 370 ngày công lao động.
Theo Đại úy Nguyễn Văn Chinh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Vao, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng những khó khăn về kinh tế - xã hội của nhân dân để kích động, chống phá, chia rẽ tình đoàn kết nhân dân hai bên biên giới. Bên cạnh đó, hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ tội phạm ma túy, vượt biên trái phép… có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.
“Từ những kết quả qua 15 năm kết nghĩa giữa hai bản Ro Ró và Ra Ró đã khẳng định mô hình trên vừa hợp ý Đảng, lòng dân, vừa thể hiện sức mạnh đoàn kết của đồng bào các dân tộc hai bên biên giới. Từ hoạt động kết nghĩa, chính quyền, nhân dân hai bản đã có nhiều hoạt động chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, cùng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt”. Đại úy Nguyễn Văn Chinh khẳng định
Trúc Hà